DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Về Người Tôi Yêu
Chương 70: Em luôn muốn áp đảo anh

Lương Tị chưa kịp khóc thì bên ngoài trời đã đổ mưa, dì nhỏ kêu cô chuyển mấy chậu hoa không chịu được mưa đến một nơi trước. Mẹ Lương ngồi trên sô pha gấp quần áo mới phơi xong, gấp được hai cái, lòng trĩu nặng nhìn người chuyển hoa ở sân sau.

Ngược lại, Lương Minh Nguyệt không quan tâm đến việc không phải của mình, ngồi xuống bàn ăn món mì chua cay mà Lương Tị đã lén giấu. Kể từ khi tốt nghiệp đại học, đã mười năm rồi chị không ăn thứ này.

Ba Lương thay quần áo ở nhà đi ra, ngồi trên ghế sô pha thở dài nói rằng mình sẽ không đi tụ tập với những người bạn cũ nữa, hai năm họ mới họp mặt một lần, vậy mà lần nào cũng ít đi mấy người. Hoặc là xuống lỗ, hoặc nằm trên giường bệnh xếp hàng đợi xuống lỗ. Ông còn kể, một cựu lãnh đạo trước khi về hưu rất có mặt mũi, nếu bị CSGT dừng xe kiểm tra trên đường thì cứ việc khai tên ông ấy ra. Bây giờ ông ấy trông lôi thôi luộm thuộm, gàu dính đầy trên cổ áo sau của bộ vest, đôi giày da dưới chân cũng bong tróc.

Mẹ Lương nói ông về đúng lúc, dự báo thời tiết nói đêm nay sẽ mưa lớn, cũng may chiếc áo khoác dày đã được giặt sạch phơi khô, ngày mai thời tiết thay đổi sẽ lấy mặc.

“Đoán chừng lá cây bạch quả ở phía sau lại rơi đầy đất rồi, tiếc ghê, nó đang rất đẹp!”

“Anh lo chuyện đâu đâu, lo cho mình trước đi.” Mẹ Lương cười nói. Rồi bà nhìn Lương Minh Nguyệt đang vừa ăn mì vừa trả lời tin nhắn, “Dạ dày con không tốt, ít ăn thứ này lại.”

Lương Minh Nguyệt chỉ lo trả lời tin nhắn, không đáp lại bà.

Sau khi chuyển hoa xong, Lương Tị rửa chân, dùng khăn lau rồi đi chân trần trở vào nhà. Dì cũng lau chân đi vào, nói: “Sau này em già rồi sẽ rút kinh nghiệm, ở nhà không nên trải thảm, quá phiền phức.”

“Em đã già rồi.” Mẹ Lương nói.

Advertisement

“Chưa bảy mươi thì không tính là già.” Dì nhỏ trả lời bà.

“Còn cố cãi, trên mu bàn tay của em có vết đồi mồi rồi này.” Mẹ Lương chỉ cho dì xem.

Dì nhỏ mặc kệ, lau chân cho chó, nói: “Nhà chị tuy bận rộn, nhưng cũng nên nhín chút thời gian đi leo núi, ngắm cảnh gì đi.”

“Lúc trước cứ đến mùa xuân và mùa thu là em đều đưa mấy đứa con ra ngoài du lịch. Thói quen này cũng đã được ba bốn mươi năm rồi. Mùa xuân năm nay con gái về thăm em, chúng em đến Lạc Dương ngắm hoa mẫu đơn. Trước kia cũng đã từng tới Ân Khư… xem chữ giáp cốt được đào lên, nhưng em xem không hiểu gì hết, chỉ thấy núi sông, hoa cỏ là đẹp.”

“Này… đừng nói là nhà chị chưa từng đi chơi cùng nhau đấy nhé?”

“Chị em thích yên tĩnh, không muốn đi đâu cả.” Ba Lương trả lời.

“Anh tô vẽ để làm gì?” Mẹ Lương nói với ông, “Hồi còn trẻ bận rộn kiếm tiền trang trải cuộc sống, nào có ở không.”

“Cũng đúng, người làm ăn như anh chị khác với bọn em.” Dì nhỏ nói: “Đơn vị của em may mắn có cuối tuần và ngày lễ, bình thường đều tổ chức đi du lịch.”

“Mẹ, trước kia nhà chúng ta có đi chơi mà? Có một lần chúng ta đi Uy Hải?” Lương Tị xen vào.

“Uy Hải?”

“Nhất định là con nhớ nhầm. Mẹ con không đi biển, bà ấy bị say tàu xe, có một lần ba với mẹ đi công tác xa đến huyện Cử, mẹ con khó chịu đến ba ngày!” Ba Lương trả lời.

“Con nhớ không nhầm mà. Chúng ta cũng đã đi mô tô nước…”

“Còn mô tô nước… Mẹ con khi còn bé suýt chết đuối, chị ấy sợ chết đuối lắm!” Dì nói: “Chắc con nhớ nhầm, hình như con đi với nhà dì.”

“Chị, chị chưa từng đi sao?” Lương Tị nhìn Lương Minh Nguyệt, “Uy Hải, Uy Hải đó!”

“Em sảng rồi hả?” Lương Minh Nguyệt nhìn cô, “Nhà chúng ta chưa bao giờ đi xa cả.”

“Trời ơi! Mọi người đều mất trí nhớ sao? Chúng ta còn…” Lương Tị chạy bình bịch lên lầu, lục tìm trên kệ sách của mình. Khi tìm thấy hình, lại không phải là gia đình cô, mà là dì dượng, chị họ và cô. Chỉ khi nhìn thấy bức hình, cô mới nhớ ra rằng mình thật sự đã đi cùng dì.

Xuống lầu dì nhỏ hỏi cô: “Con nhớ nhầm à? Năm con học lớp sáu, đơn vị dì đi công tác, dì trả tiền cho người nhà đi cùng nhưng anh họ con không chịu đi, mà tiền thì lại không lấy lại được, dì sợ mất tiền nên dắt con đi.”

“Xem em nói kìa…” Mẹ Lương nói với dì: “Em sẽ phải chịu trách nhiệm vì cái miệng của mình cả đời đấy.”

Dì nhỏ không thèm để ý chút nào, thản nhiên nói: “Con nhóc con khuỷu tay lúc nào cũng hướng về phía nhà mình. Còn có một lần, rõ ràng là dì mua cho con chiếc cặp sách màu hồng, con cứ nhất định nói là do mẹ mua.”

Lương Tị không nói gì, hồi lâu cũng chỉ cười cười, “Con nhớ sai.”

Lương Minh Nguyệt đang đợi một tin nhắn quan trọng, thấy họ ồn ào, vì vậy chị đã lên lầu.

Dì nhỏ bĩu môi nói với mẹ Lương: “Con bé lớn vào nhầm nghề rồi, nó phải làm… anh rể, lấy tư cách phát biểu thay quốc gia là làm chức gì?”

“Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.”

“Đúng vậy! Con bé nên là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, một lời không hợp, con bé liền xử đẹp những tên nước ngoài bụng dạ khó lường kia!”



“Nếu cháu gái lớn của em mà có bản lĩnh này thì chị còn ngồi ở đây chắc?”

“Cháu gái lớn của em mà thật sự có bản lĩnh, em đã sớm theo đến Bắc Kinh ăn ngon uống sướng rồi.” Dì nhỏ lột vỏ quýt, nhàn nhã ngồi ăn.

“May là cháu gái lớn của em không có năng lực này, nếu không sớm muộn gì cũng xuống ngựa.” Mẹ Lương tức giận nói với dì: “Tư tưởng của nhà chúng ta quá mục nát, luôn nghĩ một người đắc đạo thì gà chó cũng có thể lên trời.”

“Anh rể, anh nói xem quan chức tha/m nhũng bị vạch trần… sao lại kêu là xuống ngựa?”

Lương Tị ngồi ở bên cạnh suy nghĩ về điều gì đó, sau một lúc lâu, cô ngập ngừng hỏi: “Ba, ba có nhớ chú Viên không?”

Ba Lương giật mình, mẹ Lương cũng sửng sốt, chỉ có dì nhỏ là vẫn vô tâm, nói: “Tên biế/n thái cả đời chưa từng kết hôn đó hả?… Thật đúng là biết người biết mặt nhưng không biết lòng. Bình thường trông cũng sạch sẽ hiền lành, người cũng tốt bụng, không ngờ lại làm ra chuyện như vậy?”

“Chuyện gì ạ?” Lương Tị nhìn dì.

“Khi đó con còn nhỏ, đại khái là đã quên.” Dì nhỏ nói: “Hắn sàm sỡ cô bé hàng xóm, lúc cảnh sát tới, hắn đã lên cơn đau tim…”

“Mưa lớn rồi, mưa lớn rồi.” Ba Lương thúc giục dì, “Bối Bối đâu, có phải lại chạy ra sân sau rồi không?”

“Bối Bối— Bối Bối—” Dì nhỏ hét về phía sân sau.

“Nếu nó bị ướt thì đừng để nó vào nhà.”

“Phi Phi chưa đến thì nói con bé đừng đến nữa, chắc một hồi nữa mưa sẽ lớn.” Ba Lương nói.

“Mưa phùn sẽ không lớn đâu.” Dì nhỏ trả lời.

Căn phòng yên tĩnh một lúc, mẹ Lương gọi Lương Tị vào phòng ngủ chính, lấy hộp trang sức lớn nhất mở ra, nói bên trong có mười tám món đồ, để cô và Lương Minh Nguyệt, Phi Phi chia nhau mỗi người sáu món.

“Con chọn món mình thích trước đi, chờ Phi Phi đến sẽ phải cùng nhau chia.”

“Không tốt đâu mẹ.”

“Không sao, con chọn trước đi.”

Lương Tị vui lắm, sau khi cân nhắc đã chọn ra sáu món. Những món đồ trang sức này không đắt cũng không rẻ, có một số là những năm sau này thêm vào, và một số được mẹ bà lén cho khi bà kết hôn.

Nhà của bà ngoại bà vốn là nhà quan vào cuối triều đại nhà Thanh, một số đồ đạc trong nhà đã sớm được đem đi chôn. Mãi đến khi mẹ bà qua đời, những thứ này mới lần lượt được đào ra. Không nhiều, chỉ vài món, bốn chị em gái chia đều.

“Mẹ vốn cũng không thích đeo những thứ này.” Mẹ Lương nói: “Cất giữ là vì muốn để lại cho các con.”

“Dạ, con sẽ trân trọng chúng.” Lương Tị nói: “Để lại cho con của con.”

Mẹ Lương buồn cười, nói với cô: “Cũng không biết ngại.”

“Con không ngại.” Lương Tị cười ha ha.

Khi mẹ Lương sờ đầu cô, Lương Tị đột nhiên xấu hổ đỏ mặt, từ nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên cô được mẹ vỗ về như vậy. Cô lấy hết can đảm dang tay ôm mẹ Lương một cái rồi đi ra ngoài.

Vừa lúc gặp Phi Phi đang đứng ở cửa gấp dù lại, phàn nàn về thời tiết chết tiệt, cô ấy mới mua một vài bộ quần áo đầu thu, còn chưa kịp khoe chúng, vậy mà đã cuối thu rồi.

Lương Tị nhìn quần áo của cô ấy, áo len lệch vai và váy ngắn lộ đôi chân dài, hỏi thật lòng: “Em không lạnh sao?”

“Không lạnh!” Phi Phi cắn răng nói.

“Sao lại không lạnh, gió thổi lạnh đến thấu xương! Già rồi bị bệnh khớp cho coi.” Dì nhỏ nói với cô ấy.

Mẹ Lương cầm hộp trang sức đi ra, Lương Tị đứng ở bậc thang gọi lớn: “Chị, xuống lầu đi!”

Một lúc lâu sau Lương Minh Nguyệt mới đi xuống, Lương Tị đã ngồi song song với Phi Phi trên bàn, cô vỗ chiếc ghế bên phải kêu Lương Minh Nguyệt, “Chị, ngồi đi!” Sau đó bắt đầu dùng tay lau mặt bàn, chờ mẹ Lương chia.

Lương Minh Nguyệt hoàn toàn không quan tâm đến những thứ này, và cũng không có ý định ngồi xuống, nhưng thấy Lương Tị cứ nhìn mình, nên chị ngồi.

Mẹ Lương thấy mọi người đã ngồi yên vị thì mở hộp trang sức ra, người này một món người kia một món, chia đều công bằng. Mỗi lần được chia một món, Lương Tị đều dùng bàn tay nhỏ của mình gõ nhịp. Dì nhỏ ngồi trên ghế sô pha cười không ngừng, nói họ giống như cháu trai của mình khi ngồi xem nhạc thiếu nhi, đợi ăn trái cây.

Sau khi chia xong, Lương Minh Nguyệt đẩy đống của mình cho Lương Tị, muốn đổi lấy đống mà cô đã bụm trong tay, nhưng Lương Tị đã nằm xuống che đồ của mình, hét lên: “Em không đổi với chị đâu!!”

“Không ra dáng chị gái chút nào cả.” Mẹ Lương buồn cười, mang hộp trang sức trống không trở về phòng.

Phi Phi thay giày chuẩn bị đi về, nói buổi tối còn có hẹn, dì nhỏ hỏi cô ấy: “Con không có bạn trai, buổi tối còn hẹn ai?”

Phi Phi trả lời vài câu cho có, dì nhỏ tiễn cô ấy ra ngoài, “Hai ngày nữa lập đông đến ăn sủi cảo nhé.”

Lương Tị lên lầu cất đồ trang sức của mình, ngẩn ngơ ngồi trước bàn trang điểm, có một số việc thật không tài nào hiểu được, cô lắc đầu, thôi kệ nó đi. Sau đó cô xấu xa đi tìm Lương Minh Nguyệt, nói rằng thật ra trước khi chia đồ trang sức cô đã chọn xong hết rồi. Cô đang phô bày sự thiên vị này một cách trắng trợn.

Lương Minh Nguyệt không quan tâm chút nào, chỉ vào đồ trang sức trên bàn, “Cho em hết đó.”

Lương Tị buồn chán định bỏ đi, nhưng Lương Minh Nguyệt gọi cô lại, nói: “Phi Phi đang theo đuổi Tưởng Kình.”

Lương Tị gật đầu, “Em đã nghe nói.”

“Nghe rồi thì tốt.” Lương Minh Nguyệt không nói nữa.

“Đoạn trước con bé hỏi ngang em, em đã hiểu ý tứ.”

“Cũng tâm cơ lắm.” Lương Minh Nguyệt nói.

“Em thấy không có vấn đề gì cả. Họ đều là người có đầu óc, biết mình đang làm gì.” Lương Tị hỏi chị: “Dự án mà chị muốn hợp tác với Tưởng Kình đã thương lượng xong

chưa?”

“Đoán chừng sẽ khó thành, hạng mục tốt, tài nguyên đều có, nhưng anh ta không có vốn, ba mẹ anh ta không nhả ra, cho nên anh ta không có tiền.” Lương Minh Nguyệt mặc áo khoác vào, nói: “Gia đình có vẻ khá giả, nhưng chả liên quan gì đến anh ta cả.”

“Chị muốn đi ra ngoài à?”

“Đi làm chút việc.” Lương Minh Nguyệt định đi xuống lầu, lại quay đầu lại, “Hai ngày nay mẹ và dì có nhắc chuyện gì với em không?”

“Chuyện gì?” Lương Tị hỏi.

Lương Minh Nguyệt nghĩ kỹ, chuyện này cũng không đến lượt chị nói, vì vậy chị vội vàng xuống lầu, nói rằng không có gì cả.

Lương Tị đứng ở trên ban công nhìn chiếc xe rời đi dưới màn mưa, quay trở vào phòng, lấy từ gầm giường ra mấy hộp bảo bối, trong đó có con búp bê mà Lương Minh Nguyệt tặng cho cô lần đầu tiên, chiếc kẹp tóc bằng nhựa mẹ Lương mua cho cô lần đầu, chiếc bút hiệu anh hùng mà ba Lương tặng, và cả đôi vớ mà Lý Thiên Thuỷ mua cho cô, ngoài ra còn có một hộp thun cột tóc màu đen.

Cô nhìn đi nhìn lại những thứ này, sờ đi sờ lại, đếm đi đếm lại chúng, cảm thấy an tâm và thoả mãn.



Công việc của Lương Minh Nguyệt vẫn chưa xong, cuối cùng do mưa lớn, chị bị mắc kẹt trên đường. Chị ngồi trong xe một lúc, thấy trời vẫn mưa không ngớt, cũng không buồn lấy dù trong cốp xe, chạy nhanh đến cửa hàng tiện lợi ven đường mua một gói thuốc lá, lắc một điếu ra rồi đứng dưới mái hiên hút thuốc.

Còn Tưởng Kình, người đang trú mưa ở đầu bên kia cũng không còn gì để nói với Lý Thiên Thuỷ nữa, khi nhìn thấy Lương Minh Nguyệt, anh ấy đã gọi chị. Lương Minh Nguyệt nhìn họ, Tưởng Kình chỉ về phía trước, “Chúng tôi đang ăn ở đằng kia, cũng đến đây mua thuốc lá.”

Lương Minh Nguyệt gật đầu, tỏ vẻ mình tin. Khoảng cách giữa hai người hơn mười mét, Lương Minh Nguyệt vẫn bất động, hoàn toàn không có ý định đi qua.

Tưởng Kình tự mình bước đến, rất phấn chấn nói về dự án y tế và chăm sóc người già ở tỉnh kia. Lương Minh Nguyệt hỏi thẳng: “Anh có tiền không?”

“Tôi đã thuyết phục ba tôi rồi. Ông ấy nói nếu cô coi trọng thì ông ấy sẽ xuất tiền.”

“Ba anh đánh giá cao tôi vậy sao?”

“Đương nhiên. Trong lòng ông ấy, cô tốt hơn em cô.” Tưởng Kình nói: “Trước kia ba tôi còn khuyến khích tôi theo đuổi cô.” Anh ấy chưa nói xong đã cười lớn.

Lương Minh Nguyệt phớt lờ anh ấy, nói chuyện chính, “Đợi bắt đầu thiết lập rồi sẽ thảo luận chi tiết.”

Tưởng Kình cũng nói thẳng, nói rằng ngân sách của dự án này nhiều gấp mấy lần so với dự tính ban đầu của anh ấy. Ba người không gánh nổi, phỏng chừng còn phải kéo thêm hai người nữa.

Lương Minh Nguyệt không lên tiếng, nhìn Lý Thiên Thuỷ đang im lặng đứng phía sau, anh hơi ngẩng đầu lên, nhìn mưa dưới đèn đường. Lúc chú ý tới có ánh mắt, anh nhìn về phía Lương Minh Nguyệt, “Không sao, hai người nói chuyện đi.”



Lương Minh Nguyệt tiếp tục nói chuyện với Tưởng Kình.

Lý Thiên Thuỷ nhìn họ trò chuyện, lấy điện thoại ra quay một đoạn video về mưa rồi gửi cho Lương Tị: Chỗ anh đang mưa.

Lương Tị cũng quay lại một đoạn gửi cho anh: Chỗ em cũng đang mưa.

Lý Thiên Thuỷ trả lời: Mưa ở chỗ anh rơi ào ạt, là âm thanh tiếng mưa rơi trên đường nhựa.

Lương Tị: Chỗ em thì lộp độp, là tiếng mưa trút trên nóc xe.

Lý Thiên Thuỷ trả lời: Đó là âm thanh muốn nói anh nhớ em.

Lương Tị: Đó cũng là âm thanh muốn nói em yêu anh.



Lý Thiên Thuỷ trả lời: Em luôn muốn áp đảo anh.

Lương Tị: Em áp đảo anh hồi nào?

Lý Thiên Thuỷ trả lời: Trong lời nói, trong hành vi, và cơ thể.

Lương Tị ngộ ra: Đó là âm thanh muốn nói nói em nhớ anh.

Lý Thiên Thuỷ hài lòng trả lời: Đó là âm thanh muốn nói anh yêu em.

Lương Tị: Ha ha, rất nhớ anh!

Lý Thiên Thuỷ trả lời: Anh cũng rất nhớ em!

Lương Tị: Đem nỗi nhớ này gói ghém lại thôi. (Dạy cho anh một cách, khi anh nhớ em, hãy nhìn bầu trời xanh, dòng người, bầu trời đêm, cơn mưa… Nhìn cảnh vật và mọi thứ xung quanh anh, anh sẽ biến nỗi nhớ này thành niềm vui khi nhìn vào nó.)

Lý Thiên Thuỷ đóng điện thoại lại, nghiêm túc quan sát cơn mưa.

Tưởng Kình dụi tàn thuốc, nói với họ: “Tôi về trước đây.” Rồi anh ấy lao vào cơn mưa lớn.

Lương Minh Nguyệt nhìn anh, “Vừa nhắn tin với Lương Tị?”

Lý Thiên Thuỷ gật đầu, “Ừ.”

Lương Minh Nguyệt chỉ vào người trong mưa, “Anh ta đã rướn cổ xem tin nhắn của cậu.”



Lý Thiên Thuỷ đã hiểu. Biết cái tính kia của Lương Tị là học được từ ai.

Đọc truyện chữ Full