Chúng tôi cũng không ở nhà họ Thịnh lâu hơn nữa. Lâm Tự Sâm đến thư phòng cùng lắm mười mấy phút, sau khi đi ra thì lấy một ít sách vở trước kia anh để lại đây rồi rời đi. Dạo phố một buổi chiều, chúng tôi mua chút quà rồi đến nhà thầy của anh ăn tối.
Lúc mua quà tôi được Lâm Tự Sâm phổ biến kiến thức tỉ mỉ một phen, nhận thức về trình độ lợi hại của thầy giáo anh được nâng lên một tầm cao mới. Vậy nên lúc vừa mới gặp lại ông cụ, tôi đứng dậy một cách cẩn trọng. Thầy thấy kỳ quái hỏi: "Làm sao vậy, thức ăn không hợp khẩu vị à?"
Tôi vội vã lắc đầu.
Lâm Tự Sâm giải thích giúp tôi: "Cô* cũng là người Giang Tô, làm đồ ăn sao lại không hợp khẩu vị được ạ. Là lần đầu tiên đến nhà nên cô ấy hơi ngại ngùng, đến thêm vài lần nữa thầy cô sẽ biết khẩu vị của cô ấy thôi."
(*sư mẫu, vợ của thầy)
Thầy cười nhạo: "Cũng không thể nói vậy, ai chẳng biết mấy người Giang Tô bọn họ cứ hay phân biệt, không nhận lẫn nhau, cô của em là người Thường Châu, cô bạn nhỏ này thì ở đâu?"
Tôi trả lời: "Em là người Vô Tích."
Thầy giáo nói ngay: "Nhìn xem nhìn xem, không phải cùng một nơi, nhất định là đồ ăn không hợp khẩu vị."
Cô giáo cười tủm tỉm nói: "Đâu có khoa trương như vậy, về hưu xong ông cũng xem mấy trò đùa trên mạng nhiều quá rồi. Giang Tô chúng tôi không phân biệt nhau như vậy đâu. Chỉ là nếu nói chính xác thì tôi là người Vũ Tiến, không tính là Thường Châu."
Tôi "phụt" ra cười một chút.
Trên bàn ăn còn có những sinh viên khác của thầy, như Lục Sa mà tôi đã gặp, mười mấy người sôi nổi ồn ào, nghe được lời này cũng bật cười.
Các bác sĩ tụ tập lại một chỗ đúng là một bầu không khí khác, khá giống với lúc trước ở chung với hội bác sĩ Tô ở Tô Châu. Hơn nữa tôi nhận ra bọn họ cũng không tránh né Lâm Tự Sâm, vẫn sẽ thảo luận một ít chuyện trong ngành y, các tiến bộ học thuật của nền y học, thậm chí là tin đồn ở bệnh viện nữa.
Một đám người thường xuyên cứ vừa nói vừa cười lớn, đúng lúc bữa ăn đang linh đình, Lâm Tự Sâm cũng uống mấy ly rượu vang. Tôi không khỏi suy nghĩ, đây là muốn tôi lái xe đưa anh về?
Sự thất thần trong chốc lát của tôi làm cô giáo chú ý, cô bóc một quả quýt cho tôi: "Năm nào cũng vậy, đều nói mấy chuyện cười khó hiểu như thế."
"Vâng." Tôi gật đầu một cái, "Em quen rồi ạ, lúc trước nằm viện cũng vậy."
"Nằm viện?"
Cô hỏi tôi có chuyện gì xảy ra, tôi nhỏ giọng kể cho cô một lượt, cô trêu ghẹo nói: "Lúc trước cô cũng nghe thầy nói là Lâm Tự Sâm theo đuổi em, quả nhiên là thế."
"Lâm đại soái ca của chúng ta độc thân bao năm như vậy, già trẻ lớn bé ưng ý anh ấy nhiều như cá diếc qua sông, thế mà anh ấy từ chối hết, nổi tiếng là đóa hoa cao lãnh của ngành y Thượng Hải." Ngồi bên cạnh cô giáo là một anh trai bác sĩ dựng tai nghe lỏm nãy giờ, lúc này mới thò đầu sang buôn chuyện, "Cô bé à em có bản lĩnh đó."
"Đâu có đâu có..."
Tôi còn chưa nghĩ ra phải nói sao để tỏ ra khiêm tốn một chút, Lâm Tự Sâm đã tiếp lời: "Đâu có đâu có, chỉ là được bạn đồng nghiệp làm cho nổi bật lên thôi."
Các bạn đồng nghiệp:???
Ôi, anh lại bị không ít người rót rượu cho.
Tụ họp náo nhiệt đến hơn chín giờ mới tan, mọi người đều có phần chưa thỏa mãn, nhưng cũng không tiện quấy rầy người lớn tuổi nghỉ ngơi. Lâm Tự Sâm và tôi lại bị thầy giáo lên tiếng gọi lại.
Nhà thầy giáo ở tầng một có một sân viện nho nhỏ. Tiễn khách khỏi viện xong, cửa đóng lại, thầy giáo và Lâm Tự Sâm cùng nhau đi mấy bước: "Hôm trước em gọi điện thoại nói với thầy, muốn trở về bắt đầu lại, có phải thật không?"
Tôi và cô giáo đi sau bọn họ, cô đang chỉ cho tôi mấy loại hoa trong sân. Lúc mấy lời bay vào trong tai, nhất thời tôi cũng không kịp phản ứng chúng có ý gì.
Bắt đầu lại? Bắt đầu lại cái gì cơ?
Mấy giây sau, một ý nghĩ không thể tin nổi lướt qua đầu tôi. Lẽ nào...
Lâm Tự Sâm muốn quay lại ngành y?!
Lúc này Lâm Tự Sâm và thầy anh trò chuyện riêng hơn nửa giờ. Tôi và cô giáo ở trong sân ngắm hoa, rồi tới phòng khách ngồi một chút, bị cô nhét cho một túi lớn toàn món ăn vặt.
Lúc trở về là tôi lái xe, cả đường đi đều không rảnh để hỏi Lâm Tự Sâm là có chuyện gì, vì đường sá Thượng Hải thật sự quá khó nhận biết. Trên trên dưới dưới phải trái trái phải, rẽ nhầm một chút là phải đi quanh quẩn cả vòng. Sau khi lượn qua lượn lại ba lần ở một giao lộ, tôi không nhịn nổi mà nghi ngờ người chỉ đường.
"Anh uống nhiều nên lơ mơ, hay là cố ý bẫy em?"
"Chắc là lơ mơ rồi." Lâm Tự Sâm ngửa đầu dựa vào ghế phó lái, "Chỉ đường sai mà cũng bị phát hiện."
Lại dám thừa nhận không thèm che giấu! Tôi không thể tin nổi, "Anh có âm mưu gì! Là thấy xăng không mất tiền hả?"
"Là thấy trời vẫn còn sớm, không muốn đưa em về khách sạn luôn như thế."
Trời vẫn còn sớm...
Tôi nhìn con đường đen sì bên ngoài xe, với lượng đèn xe lấp lóe nhiều như vậy, nhất thời không nói được gì, lại bất chợt cảm thấy đáy lòng có phần rung động.
Tình huống thế này không thích hợp lái xe, tôi dứt khoát đỗ xe lại bên đường, nghiêm túc dạy dỗ anh: "Thứ nhất, là em đưa anh về, không phải anh đưa em, em mới là người lái xe. Thứ hai, có phải anh đã quên chỗ sách nằm trong cốp xe không, em vốn định giúp anh dọn sách, sau đó anh đi cùng em về khách sạn, rồi anh mới lại về nhà."
Tôi sắp xếp thỏa đáng, "Vậy là hôm nay còn rất nhiều thời gian, cho nên Lâm Tự Sâm, anh có thể đừng cố ý chỉ sai đường nữa không?"
"À." Lâm Tự Sâm hài lòng gật đầu, hời hợt hất cằm, "Em lái xe đi, tới phía trước rẽ trái."
Lúc trước thì cứ bảo tôi rẽ phải!
Ấu trĩ!
Lâm Tự Sâm thật sự không khách khí, nói giúp anh chuyển sách, anh đúng thật là để cho tôi làm.
Mặc dù anh bê một thùng lớn, tôi xách một cái cặp táp, nhưng mà sách rất nặng có được không hả. Thở hồng hộc bê sách vào trong nhà, anh còn để tôi giúp xếp từng quyển lên giá sách nữa.
Tôi kiễng chân xếp sách, trong miệng không khỏi làu bàu, "Tài xế miễn phí còn kiêm vận chuyển, xứng đáng làm nhà tư bản."
Xếp xong quyển cuối cùng trong tay, tôi phát hiện chỗ sách lần này anh chuyển tới đều là về y học, cũng không phải sách mới. Tôi tiện tay lấy một quyển mở ra, là sách hồi đại học của anh, trang bìa lót viết rõ tên anh - Lâm Tự Sâm, Y học lâm sàng cấp xx ban 1.
"Đây là sách vở thời đại học của anh?"
"Ừ."
Lật qua vài trang có một mảnh giấy kẹp trong đó bay ra, tôi khom người nhặt lên, là thời khóa biểu, chữ viết kín cả trang giấy. Tôi nhìn thoáng qua, kinh hãi ngây người, "Lịch học của bọn anh kín như vậy sao?"
"Sinh viên trường y, không có gì lạ." Lâm Tự Sâm nhận lấy mảnh giấy trong tay tôi, cụp mắt, hàng lông mi chiếu xuống một bóng đen dưới ánh đèn.
Tôi yên lặng nhìn anh, nhớ tới lời anh nói anh học đại học rất sớm, trong đầu không khỏi hiện lên hình ảnh một thiếu niên hăm hở ôm sách đi lại trong trường y.
Tôi nhẹ giọng hỏi anh: "Lâm Tự Sâm, thầy giáo nói anh muốn bắt đầu lại, là ý gì? Anh muốn trở lại ngành y sao?"
Lông mi anh khẽ nhúc nhích, không trả lời tôi ngay. Anh cầm lấy quyển sách trong tay tôi, lật mấy cái, kẹp tờ thời khóa biểu vào lại rồi đặt lên giá sách.
Ánh mắt anh nhìn giá sách, giống như rơi vào một ký ức xa xăm nào đó, "Trí nhớ của anh rất tốt, em có tin là lúc đi học, bao nhiêu sách ở đây anh đều thuộc hết."
Tôi khiếp sợ nhìn lướt qua kệ sách, nhiều sách như vậy, quyển nào cũng dày cộp?
... Không tin lắm.
Lâm Tự Sâm nhướng mày: "Bây giờ chắc vẫn còn nhớ đấy, em thử một chút xem?"
Thử thì thử, tôi cũng chẳng thiệt gì, "Cá không?"
"Được."
"Vậy em thắng thì được gì?"
"Tùy ý em."
"À." Tôi ra vẻ bình tĩnh mở to mắt, bắt đầu nghiêm túc chọn sách. Chọn gì bây giờ? Ánh mắt tìm tòi trên giá đột nhiên sáng lên.
Tôi lập tức rút quyển sách đó ra, huơ huơ trước mặt anh, "Tôn Tư Mạc, [Thiên Kim Yếu Phương(*) chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp], Trung Y, thể loại văn cổ, anh mau nhận thua đi."
Lâm Tự Sâm nhận thua ngay lập tức: "Quyển này thì chắc không được thật."
Tôi vô cùng đắc ý: "Sao anh lại còn có cả sách Trung Y nữa?"
"Quyển Trung Y kinh điển như thế đương nhiên là phải có, nhưng mà anh chỉ thuộc phần tấm lòng của người thầy thuốc vĩ đại thôi."
"Tấm lòng thầy thuốc? Ở chỗ nào? Thế thì, không được nói em ăn gian đâu, đọc thuộc đoạn anh nói này em nghe thử một chút, nếu như không sai một chữ nào thì xem như anh thắng."
"Quyển một, Những Lý Luận Y Học, chương 2."
Tôi mở sách ra tìm một lát: "Tìm được rồi, bắt đầu."
Anh mỉm cười, khẽ giọng đọc: "Phàm là thầy thuốc chữa bệnh, nhất định phải an thần tĩnh chí, vô dục vô cầu, đầu tiên phải có tấm lòng trắc ẩn yêu thương, thề cứu giúp những sinh linh khốn khổ trong thiên hạ. Nếu như có người mang bệnh đến xin cầu cứu, không được quan tâm giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, đẹp xấu, kẻ thù hay thân thuộc, là người có mối quan hệ gần gũi hay chỉ là xã giao, người Hoa hay người nước khác, dù là ngu đần hay thông minh, mọi người đều bình đẳng, tất cả đều phải xem là người thân thiết nhất của mình. Cũng không được lưỡng lự trước sau, cân nhắc lành dữ, bo bo giữ mình. Thấy người ta khổ sở thì phải xem như bản thân mình cũng thế. Lòng mang thương xót, chớ ngại gập ghềnh, dù ngày, đêm, nóng, lạnh, mệt nhọc, đói khát vẫn một lòng cứu chữa, không giả tạo màu mè ngoài mặt nhưng trong lòng suy nghĩ miên man. Như vậy mới là một người thầy thuốc vì muôn dân, nếu ngược lại thì chỉ là giặc dữ của chúng sinh."
Lúc anh mới bắt đầu, tôi còn nghiêm túc đối chiếu từng chữ, nhìn xem có gì sai không. Nhưng mà sau hai ba câu tôi đã bị chấn động bởi lời tuyên thệ Trung Y này. Bất chợt trong lòng đã chẳng còn nghĩ đến thắng thua, chỉ còn lại nỗi xúc động bồi hồi.
Anh dừng lại, trong phòng yên tĩnh không một tiếng động. Tôi cúi đầu nghiêm túc nhìn lại cả đoạn văn này một lần, mới thở ra được nói, "Thầy thuốc thật là một nghề vĩ đại."
"Không nói tới vĩ đại, nhưng rất nhiều đồng nghiệp của anh đều có niềm tin và sự tận tụy với công việc." Anh dừng lại một chút rồi nói, "Lúc thi đại học, anh vốn định thi ngành kinh doanh."
Tôi có chút kinh ngạc.
"Nhà em đã nói với em chuyện bố mẹ anh chưa?"
Tôi gật đầu, suy nghĩ một chút, đưa tay về phía anh.
Anh mỉm cười, nắm tay tôi, "Không sao đâu, rất lâu rồi. Có muốn nghe anh kể không?"
"Anh muốn kể không?" Tôi dè dặt hỏi.
Anh kéo tay tôi, đi tới bên cạnh máy nước trong phòng khách, rót một ly cho tôi, "Có lẽ phải kể hơi lâu."
—--
Chú thích:
(*) Tôn Tư Mạc còn được gọi là Dược vương Tôn Thiên Y, là thầy thuốc nổi tiếng thời cổ đại của Trung Quốc. Ông cũng là một người ứng dụng khí công vào thuật dưỡng sinh.
Tôn Tư Mạc nổi danh với việc tổng kết kinh nghiệm lâm sàng và lý luận y học từ thời Đường trở về trước, từ đó biên soạn thành hai bộ kiệt tác y học: “Thiên Kim Yếu Phương” (hay còn gọi là Thiên Kim Phương - Phương thuốc cần thiết giá trị cả ngàn lượng vàng) và “Thiên Kim Dực Phương” (Phần bổ sung của ‘Thiên Kim Yếu Phương’). Bộ sách “Thiên Kim Phương” gồm 30 quyển, chia làm 232 chủ đề.
Câu anh Sâm đọc được trích trong "Đại Y Tinh Thành" (Tấm lòng của người thầy thuốc vĩ đại), được xem như lời thề Hippocrates của phương Đông.
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Tôi Như Ánh Dương Rực Rỡ (Phần 2)
Chương 8
Chương 8