DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Nhật Ký Xuyên Thanh
Chương 29: 29: Chương 27


Thái tử bắt đầu kéo ba huynh đệ đi đọc sách cùng mình.

Danh sách những cuốn sách mà hoàng thượng liệt kê cho thái tử xem chừng khá là phức tạp, trong đó có không ít những sách vở lưu trữ trong cung liên quan đến kỳ lũ mùa hạ.

Ngoài ra cũng có rất nhiều tấu chương trình bày về vấn đề trị lũ Hoàng Hà được tìm thấy trong dinh quan của tiền triều, và đều là những sách không lưu hành rộng rãi.

Trước kia ba vị a ca chưa từng được thấy những bản tấu sắc minh hoàng in dấu ngọc tỷ của tiền triều này, trên đó còn có dấu phê mực đỏ của thái giám thời ấy.
"Hoàng a mã đã phê ngự bút vào số sách này rồi mới được đem ra, các đệ hãy đọc ở đây, không được sao lại đâu đấy.

Muốn trích dẫn tóm tắt thì lấy giấy bút bên kia." Thái tử nói.

Đây toàn là những sách rất có giá trị, suy cho cùng Mãn Thanh nhập quan chưa đầy một trăm năm, hãy còn rất bỡ ngỡ trước miền đất Trung Nguyên này.

Họ học chữ nghĩa của người Hán, bổ nhiệm quan viên người Hán, ngay cả chế độ quan lại, phong tục tập quán đều học tập từ người Hán.

Trị quốc cũng là như vậy.

Hiện giờ người trong triều dẫu chỉ ôm một mối vấn vương nhỏ nhoi về tiền triều thôi, thì cũng sẽ chuốc phải họa sát thân.

Ba vị a ca tuy là phượng tử long tôn, song lại càng không dám vượt quá giới hạn; huống chi từ trước tới nay điều họ nghe chỉ có Mãn Thanh vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế, vậy mà nay lại được thấy một đống tấu chương của nhà Minh đời trước, hoàng thượng còn bảo thái tử học, thái tử còn phải nghiền ngẫm cặn kẽ mà làm đủ bài tập.

Kết quả bản tấu tiền triều đương cầm trong tay, lúc mở ra nét mực như mới, được bảo quản rất tốt; chữ nào cũng biết, song hết nửa buổi trời vẫn đọc không vào, khiến người nào người nấy đều hơi mất hồn mất vía.

Tam a ca là người đầu tiên bỏ cây bút xuống, ra ngoài dạo quanh một vòng.

Bát a ca đứng dậy, quay mặt nhìn tường độ chừng một khắc mới bình tĩnh lại được.

Tứ a ca mài cho mỗi người cả một nghiên mực đầy ứ.

Thái tử đang viết chữ, Tứ a ca đứng cạnh bàn học của y, cổ tay xoay đều mài thỏi mực.

Lúc viết xong một nét, thái tử chấm thêm mực, thì trông thấy mực trong nghiên sắp tràn cả ra, cười bảo: "Được rồi, được rồi, lão Tứ."
Bấy giờ Tứ a ca mới hoàn hồn, vội đặt thỏi mực xuống tạ tội.

Thái tử đỡ chàng, cười nói: "Tính đệ như thế là tốt.

Ngây người cũng không để lỡ việc."
Tứ a ca nói: "Khi đệ đệ không làm gì, lại càng khó tĩnh tâm."
"Vậy bây giờ đã tĩnh lại rồi chứ?" Thái tử gõ chồng tấu chương đặt một bên.

Tứ a ca nhìn sang, cung kính nói: "Thần đệ đã trấn định lại rồi."
Thái tử tiện tay cầm ba, năm cuốn ra đặt trước mặt chàng, nói: "Vậy thì đi đi.

Tiền triều kéo dài hai trăm bảy mươi sáu năm." Y vỗ vỗ tấu chương, "Trong đây chứa vô vàn kinh nghiệm, đệ hãy cầm đọc kỹ, phải nhấm nuốt từng chữ từng câu."
Lúc nhận lấy tấu chương, Tứ a ca chưa khi nào khẳng định chắc rằng đây là giang sơn của người Hán thế này.

Những điều họ đương làm bấy giờ, chính là học cách thống trị bức họa giang sơn này từ người Hán.

Điều ấy làm người từ lâu đã quen với tư tưởng non sông Đại Thanh thiên thu vạn đại như Tứ a ca có phần khó chịu, như thể bị người ta đánh một gậy vào đầu.

Nhưng ngay sau đó là một niềm hăng hái trào dâng ngút ngàn.

Hoàng đế tiền triều đã đánh mất giang sơn của mình, việc người Mãn nhập quan là nhận mệnh trời ban, là điều vạn dân khao khát.

Sau một phen tự khích lệ, lần thứ hai mở tấu chương ra đã không còn kích động như thế nữa.

Khi Tứ a ca bắt đầu ghi chép, Bát a ca cũng thôi nhìn tường, ánh mắt y rực sáng có thần, ngồi xuống không nói năng gì, mà chỉ cặm cụi trích dẫn.

Tam a ca cũng dạo bộ xong.

Thái tử ngồi ở trên, thấy ba huynh đệ đằng dưới đều mang bộ mặt nghiêm túc, thì hân hoan nở nụ cười.

Nhớ lần đầu khi nhìn thấy hoàng a mã cầm tấu chương của tiền triều ra, y cũng sững sờ hồi lâu.

Hoàng a mã bảo y: người Mãn xuất thân từ thảo nguyên, ấy là một nơi khác hoàn toàn với nước non người Hán.

"Nếu không học theo cách người Hán cai trị đất nước mình, vậy có đánh họ cũng vô ích.


Trước sau gì rồi chúng ta cũng sẽ đuổi người Hán về thảo nguyên." Hoàng a mã nói giọng phức tạp, khẽ vuốt lớp bìa ngoài màu vàng rỡ của tập tấu chương.

Người Mãn quá ít mà người Hán lại quá nhiều.

Kể từ khi đó, thái tử đã cảm thấy chừng như có vô số người Hán như hổ rình mồi lăm le sau lưng, chực chờ từng giây phút hòng tóm lấy cơ hội đánh cho người Mãn chạy về thảo nguyên.

Giang sơn này bảo đánh thì dễ, song khó mà yên vị.

Lúc bốn giờ dùng điểm tâm xong, trước khi cổng cung đóng, thái tử tiễn Tam, Tứ a ca ra cổng.

Bát a ca được nán lại một thời gian, bởi dẫu sao A Ca Sở cũng nằm trong cung.

Hai chàng a ca đi đến ngã rẽ thì vẫy tay chào nhau, ai về phủ nấy.

Tứ a ca mang theo tùy tùng phóng ngựa chạy như bay, chung quanh người qua lại tránh đường phần nhiều là người Mãn.

Trong thành không có quá nhiều người Hán.

Ngày trước Tứ a ca chưa từng nghĩ đến chuyện dân số người Hán và người Mãn là bao nhiêu, nhưng lúc này ngẫm lại, tự hỏi trong thành này có bao nhiêu người Mãn? Và ngoài thành có bao nhiêu người Hán?
Bỗng dưng chàng thấy lưng mình dần lạnh toát.

Về tới phủ, trong thư phòng còn để cuốn sách hôm qua chàng đọc.

Thay áo quần xong, chàng đánh dấu trang mấy cuốn đọc dở rồi gác sang một bên, đoạn rút từ kệ sách tờ công báo của những năm trở lại đây lật xem tỉ mỉ.

Ngày xưa cùng lắm chàng chỉ đọc lướt nhanh qua, và chỉ chú tâm vào tình hình phân bố thế lực của các gia tộc trong công báo, tỷ như về Đồng Giai thị và các Kỳ chủ, vương gia.
Lần này chàng đọc từ những châu, huyện, vừa đọc vừa lấy bút ở cạnh chép lại.

Bận một cái là quên hết cả thì giờ.

Lúc ở chỗ thái tử, Tô Bồi Thịnh đứng hầu ngoài điện, không rõ chuyện diễn ra bên trong.

Nhưng Tứ a ca không dùng bữa là trách nhiệm của hắn.

Hắn lưỡng lự lúc lâu, thấy Tứ a ca đóng một cuốn lại, khi sắp sửa cầm cuốn tiếp theo, bèn tiến tới gần chen miệng bảo: "Gia, hôm qua người nói muốn sang chỗ Lý chủ tử dùng bữa...! Giờ..."
Tứ a ca ngẩn ra, nhìn cái đồng hồ Tây Dương để bàn bên cạnh, kim đồng hồ sắp chỉ tám giờ.

Nhưng vẫn chưa đọc xong công báo...! Chàng hỏi: "Nàng đã dùng bữa chưa?"
Tô Bồi Thịnh thưa: "Ban nãy nô tài sai người đi xem, Lý chủ tử vẫn chưa gọi bữa." Dừng một thoáng, lại nói: "Lý chủ tử cho người chuẩn bị món mì xào thịt bò om."
Thuở trong cung Tứ a ca rất khoái ăn mì, đặc biệt là mì xào ăn cùng các loại rau trộn nguội.

Quả nhiên nghe Tô Bồi Thịnh nói thế, Tứ a ca nghĩ ngay đến món canh thịt bò và thịt bò om đậm đà, trong có mộc nhĩ đen và dưa chuột thái hạt lựu.

Nước canh thơm ngon, nêm nếm tròn vị.

Từ lúc bốn giờ chàng đã dậy nên chưa bỏ bụng thứ gì, khi không nghĩ đến còn đỡ, giờ nghĩ đến rồi lại thấy đói sắp lủng cả dạ.

Tô Bồi Thịnh vẫn đứng khép nép đợi, thấy Tứ a ca không lấy tấu chương nữa, mà đứng dậy bảo một câu: "Sang chỗ Lý chủ tử của ngươi đi." Hắn mới thở phào nhẹ nhõm, mau mắn gọi người thắp đèn lồng.

Đi từ trong phòng ra viện mới nghe thấy tiếng côn trùng râm ran khắp viện, nhưng hễ người và lồng đèn tới gần là mọi tiếng bặt tăm.

Tứ a ca nhớ về câu chuyện ngày bé cùng tiểu thái giám trong cung rúc vào xó vén những lát gạch, phiến đá lên tìm bọ dưa hấu.

Vừa mới nhặt con bọ lên, nó liền cuộn người thành một cục tròn vo, vỏ nó cứng cáp, hoa văn làm gì có điểm nào giống quả dưa hấu.

Chàng còn hỏi tiểu thái giám hầu hạ mình: Tại sao lại gọi là bọ dưa hấu? Tiểu thái giám cũng không biết, đành đáp: "Từ nhỏ nô tài đã biết nó tên bọ dưa hấu, mọi người đều gọi vậy..."
*Bọ dưa hấu (bọ viên)
Mọi người đều gọi vậy, và cũng chẳng có ai quan tâm khi cuộn mình lại, rốt cuộc nó có giống dưa hấu hay không.

Đợi khi người Hán làm quen được với sự thống trị của người Mãn, họ cũng sẽ không đâu để ý đến khác biệt Hán - Mãn nữa.

Bước chân Tứ a ca đi nhẹ hẳn một đôi phần.

Trong tiểu viện, Tô Bồi Thịnh đã cho người thông báo trước.

Mặc dầu Tứ a ca chưa tới, Lý Vi chưa dùng bữa nhưng miệng thì vẫn nhai hết năng suất.


Ngọc Bình lo lát nữa nàng không ăn mì nổi, mới ngấm ngầm lót thêm rất nhiều đồ ăn dưới bát mì, bớt đi non nửa số mì.

Chẳng mấy chốc Tứ a ca đã đến, không bảo chi nhiều lời, Lý Vi nói đôi câu rồi mời chàng đi dùng bữa.

Đồ ăn trên bàn không nhiều, trước mặt hai người có một bát canh thịt bò, uống mấy miếng là mì được bưng lên.

Các nguyên liệu đã được bày sẵn bên dưới mì, rau dưa ăn kèm được xếp trên cái đĩa con đặt trước mặt.

Tứ a ca thích vị gì thì sẽ mãi một lòng với vị ấy: vẫn là trứng vịt bắc thảo thêm nước tỏi, rưới thêm một thìa xốt thịt bò, ăn cùng tỏi ngâm đường nữa là một bát mì xuống bụng trong một tích tắc.

Vừa khơi mì ra, Lý Vi biết ngay lượng mì ở bát nàng ít hơn, nàng cho thêm dầu ớt, dầu tiêu, nước tỏi cùng với thịt bò om.

Chưa ăn hết mì mà nàng đã sắp xử lý xong một đĩa toàn những lát thịt bò mỏng phấn hồng rồi.

Thấy hôm nay Tứ a ca ăn cơm rất tốc độ và cũng rất tập trung, Lý Vi bèn lặng im không nói gì.

Hai người hoàn thành bữa tối nhanh chóng và hiệu quả.

Tứ a ca quét sạch bốn bát mì.

Từ sau lần trước chàng ăn một hơi tám bát, đến nay vẫn kiểm soát mình để không ăn quá năm bát.

Lý Vi không ăn nhiều mì, thịt bò thì xử gọn hai đĩa.

Bữa ăn khiến cả hai người hết sức thỏa mãn.

Tứ a ca vốn nghĩ sang đây ăn tối rồi kế đó sẽ về thư phòng tiếp tục phấn đấu.

Nhưng cơm nước xong khoan khoái con người quá, đâm ra làm biếng chẳng muốn vận động.

Nghỉ hai khắc, thấy sắp chín giờ, Lý Vi gọi người nấu nước và dọn thùng tắm.

Hôm nay ra ngoài Tứ a ca cưỡi ngựa, ắt phải tắm một cái.

Khi ngâm mình xong, thay sang áo ngủ rộng thùng thình đi vào phòng ngủ, Tứ a ca đã không đâu nghĩ về thư phòng nữa.

Dù gì ngày mai hai giờ lại dậy, giờ này ngủ đã gọi là muộn đấy.

Hôm nay xem như tinh thần vừa phải chịu một cú sốc nho nhỏ, nằm xuống là Tứ a ca lại sa vào những nghĩ suy sâu xa.

Chàng nghĩ: nhà Lý thị thuộc Hán quân kỳ, gốc gác là người Hán, nhưng ngày thường nàng cư xử không khác gì tác phong người Mãn, thịt bò thịt dê đều đều mỗi bữa, ăn còn dữ dội hơn cả người Mãn chính cống là chàng.

Thình lình Tứ a ca hỏi: "Khi ở nhà nàng sinh hoạt thế nào?"
Phạm vi câu hỏi này bao la quá, Lý Vi tự khắc lý giải thành Tứ a ca muốn hiểu hơn những điều chàng chưa biết về con người nàng.

Ối chà cảm động quá! Sau khi quyết định sẽ tâng bốc đôi điều về bản thân, Lý Vi bắt đầu tự khen hồi ở Lý gia mình hiền lương thục đức, yêu quý anh chị em, hiếu thảo với ông bà cha mẹ các bác các dì cùng một loạt trưởng bối khác, ra làm sao.

Ngay đến nhà hàng xóm cũng truyền nhau mấy câu chuyện về nàng.

Làm Tứ a ca đang có ý định gián tiếp tìm hiểu người Hán thấy thật là 囧, nhưng không tiện ngắt lời nàng, nghe một lúc lại bật cười.

Lý Vi hãy đang kể: "...!Mấy bà bác gái sống chung một con phố với nhà thiếp ai cũng quý mến thiếp cả, cực kỳ thích cho con gái nhà họ đi chơi cùng thiếp." Khi ấy hạnh phúc biết bao, nàng diện váy gì, để kiểu đầu gì là lập tức có người bắt chước theo.

Quả đã chạm đến cảnh giới cao nhất của sự hoàn mỹ.

Tuy nàng không mở tiệm bán buôn gì đó, vì thế dễ gây chú ý quá, nhưng làm khuynh đảo cả con phố cũng đã là một trải nghiệm rất đỗi tuyệt vời trong cuộc đời rồi.

Kể xong nàng nhìn Tứ a ca, thấy chàng cười như đang nhạo nàng ngố thì...!dần không nói gì nữa.

Tứ a ca còn hỏi: "Sao ngưng kể rồi?" Chàng cuốn lấy một bím tóc nhỏ của nàng, kéo nàng lại, nói: "Ta không biết ở nhà nàng sống vui vẻ thế đấy.

Vào cung rồi thì không còn vui vậy nữa nhỉ?" Nghe nàng kể lúc ở nhà, các cô gái trong phố đều là những người bạn thân thiết có mối giao tình trao khăn* của nàng, ngày qua ngày đùa vui náo nhiệt.

Khi trong cung thì lại chưa bao giờ thấy nàng có ham thích đặc biệt gì với hoạt động giao lưu, trước kia cũng chỉ từng tới lui thân mật với Tống thị một thời gian, về sau phúc tấn vào phủ là không còn nữa.


Ngày ngày Võ thị sang tìm nàng, cũng chẳng thấy các nàng giao hảo gì nhiều.

*Người Trung Quốc xưa rất coi trọng đạo lý có qua có lại, sang nhà ai nhất định phải đem quà theo.

Quà giữa hai người lâu lâu mới gặp hoặc lâu lắm mới gặp chắc chắn phải là quà quý, nhưng giữa hai người thường xuyên gặp nhau thì có thể chỉ cần tặng nhau chiếc khăn tay.

Vậy nên mối giao tình trao khăn ý chỉ quan hệ giữa những cô gái tương đối thân thiết, hay sang nhà nhau chơi.

Cái đấy thì không hề.

Tứ gia, một mình chàng bằng một trăm cô rồi!
Lý Vi lắc đầu, xuôi theo tay chàng kéo qua, kê cùng một cái gối đầu với chàng, song không dám nhích người lại, thời tiết này hai người nằm dính lấy nhau thì nóng quá.

Vốn thân nhiệt của Tứ a ca đã cao, mà từ khi mang thai hình như thân nhiệt nàng cũng tăng nhẹ.

Hai cái bếp lò xán vào nhau, lại toát hết cả mồ hôi.

"Có người ở đây, được hầu hạ người, là đã hơn bất cứ điều gì khác." Ấy là lời thật lòng.

Sống hai kiếp người, Tứ a ca chính là món thưởng khổng lồ giá hàng tỷ của nàng.

Không phải xác suất bị ném đĩa trúng đầu là bằng không.

Liệu người bình thường đang đi đường khi không ai lại đụng trúng được một chàng hoàng tử và rồi còn được gả cho anh ta? Theo phép triều Thanh, nàng là tiểu thiếp, nhưng Lý Vi luôn tự coi như mình đã lấy được chàng.

Tứ a ca khẽ hôn vào môi nàng, chàng chẳng màng cái nóng, không ôm mà ghé gần tới hôn.

Chàng hôn xong nàng lại sáp qua hôn trả, còn kêu "chụt" một cái.

"Nghịch ngợm." Tứ a ca vỗ vỗ mông nàng, ấn vào xoa nắn, bỗng thốt lên một câu: "Nhiều thịt hơn xưa rồi."
Ô hay.

Bị chòng ghẹo thế, Lý Vi rất muốn sờ lại, khốn nỗi là nàng không dám.

Nghĩ bụng: đợi sinh em bé xong là được làm chuyện ấy rồi, ta ắt phải sờ được mông rồng của Tứ a ca.

Thừa lúc quay cuồng chắc sẽ không bị phát hiện đâu.

Nàng thích thú tưởng tượng, Tứ a ca tiếp tục vỗ lưng nàng, nói: "Ngủ đi." Nàng đáp một tiếng, trở mình, ngủ ngay trong một giây.

Để lại Tứ a ca nằm đối lưng với nàng, cảm giác đầy đặn, mềm mại và đàn hồi còn vương nơi bàn tay, chàng nắm lại xòe ra vài lần, bất đắc dĩ buông tay, đoạn đọc Kinh Thư dỗ mình vào giấc ngủ.

Chỉ chớp mắt mà kỳ lũ hạ đã đến.

Hoàng Hà ngập lụt, mấy châu huyện chịu ảnh hưởng, ruộng tốt bị ngập, số nhà cửa của các hộ làm nông bị phá hủy nhiều vô kể.

Tin tức này được người thúc ngựa chạy tốc hành đưa đến bàn Khang Hi.

Vấn đề hàng đầu là phải bố trí ổn thỏa cho lưu dân, lệnh cho tất cả các châu phủ nằm dọc đường ở Hà Nam, Bắc Kinh dựng lều cho lưu dân tạm trú, mở lều phát cháo, phát bánh bao.

Còn phải sử dụng thuốc nhằm phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Trong triều cũng dần nổ ra những cuộc tranh cãi.

Có người cho rằng không thể để lưu dân vào thành.

Trường hợp trong dòng người đổ xô tới có ai mang bệnh trong người, thì khi vào thành sẽ kéo luôn cả dịch bệnh theo.

Đây cũng là điểm khiến rất nhiều người lo lắng, thế nên có châu phủ nọ mới dựng túp lều cho lưu dâu ngoài thành.

Dựng luôn ở đấy lều phát cháo vào lều phát thuốc.

Trước tiên hoàng thượng ban chỉ giảm thuế, xóa bỏ thuế ruộng ba năm cho những châu huyện chịu thiên tai nặng nề.

Tam a ca và Tứ a ca được thái tử dẫn đi nghe buổi thiết triều, sau khi về bảo: "Thiên tai năm nay không nghiêm trọng, thực là trong họa có phúc."
Tam a ca chưa nói gì, Tứ a ca đã làm vẻ khó hiểu.

Nghe nói lượng lưu dân lên đến gần chục vạn người, bốn châu huyện gặp tai, chẳng lẽ đây cũng gọi là không nghiêm trọng?
Thái tử thấy nét mặt chàng vậy, bèn nói: "Đệ về lật xem công báo năm ngoái, ta nhớ năm ngoái có sáu mươi chín châu huyện được miễn thuế khóa.

Hồi ăn Tết hoàng a mã còn cho hoàng cung cầu phúc."
Tứ a ca nhớ ra rồi, thời gian ấy rất thịnh hành việc chép kinh.

Dạo ấy phúc tấn mỗi ngày chép hai cuốn kinh, sau đều dâng cho tiểu Phật đường của Vĩnh Hòa cung.

Trở về phủ, Tứ a ca sang chính viện nói với phúc tấn: "Giờ đây gặp phải tai ương, chúng ta ở xa không chiếu cố được gì, chi bằng lập hẳn một tiểu Phật đường trong nhà, sớm tối dâng hương."
Phúc tấn vâng lời, ngay hôm đó chọn một khu viện, sửa sang sơ qua rồi thỉnh Tôn Phật vào, rồi bảo hai a đầu thay áo tăng lữ màu đen, ở lại tiểu viện canh giữ nhang khói, châm thêm dầu đèn.


Lý Vi cũng nghe chuyện, bốn đứa bé hầu ở tiểu viện năm ngoái gặp tai đều mang vẻ bi ai, buổi tối Toàn Phúc còn gặp ác mộng khóc quấy.

Ngày xưa ở hiện đại gặp chuyện này là sẽ quyên tiền góp đồ, Lý Vi bèn sai Ngọc Bình đi hỏi Trang ma ma xem rong phủ có phát cháo không, để nàng quyên góp ít bạc.

Ngọc Bình nghe lời ấy xong thì muốn cười, giải thích: "Cách cách, lưu dân không vào nội thành được đâu.

Phủ ta cũng không phát cháo, vì họ vốn đâu tới Bắc Kinh được."
Lý Vi lấy làm khó hiểu, trước kia vào năm thiên tai, Lý gia còn làm ít bánh bao và bánh nướng đưa đến những cửa chùa gần nhà bố thí.

Lẽ nào ấy không phải nạn dân?
Ngọc Bình sống trong cung, biết nhiều điều hơn nàng, nói: "Nô tỳ nhớ lưu dân không được phép tiến gần Kinh trong vòng tám mươi dặm." Các châu phủ rồi sẽ chặn người, không thì để lưu dân ập vào nội thành ư? Sao vậy được? Đại quân đóng đô ở đại doanh Kinh Giao đâu phải hạng ăn không ngồi rồi.

Nàng ta thấy Lý Vi hơi thất vọng, liền cho nàng một ý kiến: "Nghe nói phúc tấn sắp xây một tiểu Phật đường trong viện.

Nếu cách cách có lòng, chi bằng vào đó thắp nén hương, cầu phúc cho những con người tội nghiệp này."
Thắp hương?
Thế có ích gì? Khó khăn lắm mới xuyên thành giai cấp thống trị, có thể dùng sức cứu giúp nhiều người thì tốt biết là bao.

Nhưng hiện giờ Tứ a ca đang bận tối tăm mặt mày, ngoài việc về hậu viện dạo một vòng dặn phúc tấn chuyện xây tiểu Phật đường, thì cơ bản là chàng không về nữa.

Vả chăng, cẩn thận đào bới những kinh nghiệm mình tích lũy được từ hiện đại, Lý Vi nhận ra lúc ấy ngoại trừ theo dõi tình hình trên Weibo, thì chỉ có quyên tiền cho Hội Chữ thập đỏ, sau đó bị Quách Mỹ Mỹ* chọc tức hộc cả máu, rồi lại tham gia vào một nhóm mua hàng trên mạng để mua mì gói và một số thuốc men khẩn cấp chuyển tới vùng bị thiên tai.

*Quách Mỹ Mỹ: cô này ban đầu vốn là một hot girl nổi tiếng với những màn khoe cuộc sống giàu sang, dát hàng hiệu lên người.

Một lần khi có người hỏi về nghề nghiệp, Quách Mỹ Mỹ trả lời mình là Tổng giám đốc Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, làm người dân dấy lên nghi ngờ rằng tiền cô ta có được là tiền quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ.

Sau đó bên Hội phải lên tiếng đính chính nhưng sự việc vẫn không khá khẩm hơn, hậu quả là uy tín của Hội tuột dốc mạnh và tiền quyên góp giảm liền mấy năm.

Nhưng giờ chưa có Hội Chữ thập đỏ, chưa có chuyển phát nhanh, chưa có Taobao, Lý Vi chết lặng.

Vắt óc nhớ lại xem lúc ấy bản tin thời sự đã nói những gì, nhưng trong trí nhớ của nàng ngoài Quân giải phóng Nhân dân đáng yêu ra, thì chỉ còn lại là những cỗ máy xúc thương hiệu Lan Tường.

Nhẽ nào còn mỗi cách đi đốt nhang thôi ư?
Hữu tâm vô lực, Lý Vi ngồi đực người ra, song thực sự không thể không làm gì hết được.

Những lúc thế này không làm gì đó, lòng dạ không thể nào an nhàn nổi.

Nàng gọi Ngọc Bình, sắp lại số bạc của mình, xem vàng, bạc, tiền đồng có tổng cộng bao nhiêu.

Chuyện hở tí lại lôi ra mấy ngàn lạng ngân phiếu như trên phim chiếu là phi thực tế.

Từ lúc xuyên không đến đây, nàng chưa lần nào dùng ngân phiếu, bình thường dùng tiền đồng, sau khi gia nhập hậu cung của Tứ a ca thì tiền biến thành vàng, bạc, tiền hào rồi.

Ngọc Bình lấy cái cân nhỏ ra cân, nói: "Vàng có mười chín lạng, bạc có hơn một trăm sáu chục lạng, tiền đồng có hơn hai ngàn." Những thứ ấy được đổi khi đã ra cung, lúc trong cung tiền đồng chỉ như mấy con chip đánh bạc mỗi khi chơi bài.

Nàng ta cân xong, nói: "Cách cách, người muốn lấy bạc làm gì?"
Lý Vi nói: "...!Ta muốn đưa cho Tứ gia, xem liệu có giúp đỡ được chút gì cho vùng thiên tai hay không." Chàng là a ca, chắc chắn lúc này phải đứng ra thể hiện bản lĩnh chứ nhỉ? Không đề tên, cứ góp bạc vào dùng chung là được.

Ngọc Bình ngẩn mặt, vội nói: "Nếu cách cách có lòng, chi bằng...!đưa vào tiểu Phật đường của phúc tấn, mua ít nến dầu cung phụng..."
Lý Vi bật cười, nói: "Ngươi khéo đùa, thế bạc kia chẳng hóa ra vứt không à? Mua ít đồ dùng được mới tốt chứ.

Nào ăn nào uống, nào mặc nào dùng.

Bây giờ bên kia thiếu vật phẩm thiếu nhân lực, có tiền rồi thì mua được cả hai thứ ấy.

Ta không có thứ gì khác để cho, nhưng vẫn cho được ít bạc chứ sao."
Thấy Ngọc Bình đơ ra, bèn hỏi nàng ta: "Sao thế?"
Ngọc Bình thấy quanh nhà không có ai, quỳ xuống nhỏ giọng nói: "Cách cách, làm vậy không được đâu.

Phúc tấn còn chưa đả động gì mà, nay người nhảy ra thì kẻ khác sẽ nói sao? Khi trước người cẩn trọng lắm kia, sao lần này..."
"...!Cái đó khác mà." Thiên tai ập đến, sao nàng trơ mắt nhìn cho đặng?
Ngọc Bình biết Lý Vi mềm lòng, bèn lê gối đến trước mặt nàng, đặt tay lên tay nàng bảo: "Nô tỳ biết cách cách lương thiện, có điều...!khoan nói bên phúc tấn, chỉ nói bên Tứ a ca nếu không có ý này, người quyên góp trước khác gì đánh lên mặt a ca?"
Sao chàng có thể không phản ứng gì trước sự việc được chứ?
Lý Vi vừa định hỏi ngược nàng ta, nghĩ: chàng là hoàng a ca, nàng chỉ cho rằng bất kể xuất phát từ thật lòng hay vì mục đích mua danh cầu lời, kiểu gì cũng phải biểu hiện chút ít, cũng giống như những nhà hảo tâm trong các dạ tiệc từ thiện kia.

Song hiện giờ hoàng thượng không làm gì, thái tử không làm gì, Tứ a ca...!đoán chừng cũng sẽ không làm gì.

Ngọc Bình thấy nàng chần chừ, tức thì khuyên thêm: "Hay là cách cách cứ đợi thêm, bên Tứ a ca có tin tức thì bên phúc tấn ắt sẽ biết.

Lúc ấy cách cách lại đi là được."
Không phải không quyên, mà chỉ là đợi vài hôm nữa thôi.

Lý Vi đành đồng ý.

Mấy hôm sau, lại có người phi ngựa về, thông báo tình hình thiên tai ngày càng lan rộng.

(còn tiếp).


Đọc truyện chữ Full