DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Nhật Ký Xuyên Thanh
Chương 31: 31: Tết Ban Kim


*Ngày 13 tháng 10 là tết Ban kim của người Mãn và cũng là ngày lễ đáng nhớ nhất của họ, bởi đây là ngày kỷ niệm dân tộc Mãn ra đời, đánh dấu ngày hội của toàn dân tộc.

Hằng năm cứ vào ngày này, người Mãn sống ở khắp nơi trên toàn quốc đều sẽ ăn tết theo nhiều kiểu khác nhau.

Tết Ban kim không có liên quan gì tới tiền bạc châu báu, tiếng Mãn của ngày tết này là "Banjin inenggi", "Tết Ban kim" tức là "Ngày ra đời".
Mãi đến cuối tháng chín, khi tiết trời mát mẻ hơn, tinh thần của mọi người trong triều đã không còn căng như dây đàn nữa.

Trong phủ Tứ a ca, phúc tấn không kìm được phải niệm một câu Phật trong làn gió đêm dần ngấm hơi giá: "Đợi mãi trời cũng mát rồi.

Vậy thì dịch bệnh sẽ không còn lan rộng nữa."
Phúc ma ma cũng cười nói, "Nhờ có hoàng thượng phù hộ, trời cao có mắt."
Khoảng thời gian này trong kinh quả thực là lòng ai cũng lo ngay ngáy.

Tháng bảy Hoàng Hà gặp nạn lụt, tháng tám Sơn Đông rối beng vì hạn hán, kéo theo đó là Đông Bắc mất mùa túng quẫn, đẩy con người vào cảnh lầm than khốn cùng*.

Sau khi tấu chương đưa vào Kinh, rốt cuộc hoàng thượng cũng hạ chỉ cho mở kho thóc nhà nước ở Sơn Đông, ban phát lương thực, cứu tế nạn dân.

*Nguyên văn là "Dịch tử nhi thực": Vào thời Xuân Thu khi nước Tống bị vây, trong thành cạn kiệt lương thực, bá tánh chỉ còn cách đem con đi đổi với người khác, giết đứa bé ấy làm thức ăn cho mình.

Về sau "Dịch tử nhi thực" được dùng để hình dung cuộc sống cực kỳ bi thảm của nạn dân.

Khi dòng nước rút, dịch bệnh lập tức bùng phát rộng ở các vùng lũ lụt và trong nhóm nạn dân.

Để tránh nguy cơ dịch tràn vào trong Kinh, khắp các nơi bắt đầu ngăn chặn nạn dân, từ đó khiến những tai nạn thảm thương phát sinh càng nhiều.

So với những điều này, trong Kinh tương đối yên ổn hơn, ngoài cuộc bàn cãi về việc chọn người đi cứu trợ thiên tai, thì các vương phủ, dinh quan không còn "kham khổ" như dạo trước nữa.

Mấy gánh hát của Sơn Đông vào Kinh đều bảo mua được rất nhiều hạt giống tốt, nếu đào tạo tử tế thì ắt sẽ lại có thêm một đào kép tiềm năng ra đời.
Trước đó phúc tấn hãy đương buồn phiền chuyện điền trang mà Nội vụ phủ cấp khi mới dựng phủ không có tá điền giỏi.

Kết quả là gần đây cả người môi giới của quan nha lẫn tư nha đều vào phủ nói chuyện, báo rằng hiện giờ giá mua người rất rẻ.

"Chỉ coi như làm việc thiện vậy, các bà nhẹ nhàng nhấc tay một cái, là đã cứu được tánh mạng cả nhà ấy rồi." Người làm mối vào phủ không gặp được phúc tấn, Trang ma ma và Phúc ma ma đành cùng đi xem.

Nếu muốn chọn người, ắt phải hỏi xem lai lịch quê quán thế nào, có thân nhân bằng hữu gì hay không.

Tuy người mua nhiều, song cũng không thể tùy tiện chọn những hạng kỳ cục, xấu xí được.

Hai bà xem xong, chưa quyết định ngay bây giờ, mà phải quay về bẩm báo với phúc tấn, sau đó phúc tấn sẽ đưa ra quyết định.

Phúc ma ma gặp được phúc tấn trước, nói: "Nói ra thì người của quan nha đắt hơn một chút, vả lại thân phận gốc gác hầu hết toàn tội dân.

Người ở tư nha khá hơn, giá cả phải chăng, hơn nữa nghe nói tất cả đều là những tay lao động khỏe mạnh."
Phúc tấn lại hỏi Trang ma ma.

Trang ma ma tuy xuất thân từ Nội vụ phủ, nhưng cũng đề nghị phúc tấn mua người bên tư nha đưa tới, lý do là sẽ bớt phần rầy rà.

Bà ta nói: "Nếu phúc tấn muốn mua người thì tốt nhất nên mua nhanh.

Những người do phía môi giới dẫn đến hầu như người nào cũng vì quê hương gặp nạn nên mới trôi dạt tới nơi đây, không ở được bao lâu, e rồi lại phải cho họ về quê hết.

Lúc ấy thì dù có tiền cũng chẳng mua được."
Thiên tai qua đi, việc nạn dân trở về luôn là một vấn đề lớn, triều đình buộc phải hạ lệnh không được thu nhận những người không rõ nguồn gốc, các hạng quan phủ thừa cơ làm tiền như đám môi giới sẽ bị theo dõi gắt gao.

Các nơi sẽ phát cáo thị thông báo cho dân chúng biết, phải kiểm tra kỹ từng cuốn hộ tịch vàng.

Những kẻ không tra ra được nguyên quán sẽ bị gông lại cho thả về, thế thì nhóm người về quê cần phải trả thêm sưu dịch, thực là khổ không sao kể xiết.

Tuy nhiên người trên có chính sách, kẻ dưới lại có đối sách.

Những hạng thủ đoạn thông thiên như gánh hát cũng chỉ xem tiền có nhét đúng chỗ hay không, còn như phủ Tứ a ca thì vốn sẽ không bị ai hỏi.

Thế nên chỉ cần mua đứt người, là đã thành gia nô của phủ Tứ a ca rồi.


Sau rốt phúc tấn mua sáu mươi tư người.

Trong đó chỉ có mười hai người bên quan nha, còn lại đều là của bên tư nha, giá người hai bên chênh nhau gần một nửa.

Và cuối cùng phúc tấn cũng có thể bắt tay vào việc thay người cho điền trang.

Điền trang do Nội vụ phủ cấp tới đa phần đều từng có chủ sở hữu, nguyên có một số điền trang tịch thu từ những quan lại phạm tội.

Chưa bàn đến chuyện người trong đó từ quản sự đứng đầu cho đến tá điền xếp dưới kẻ nào kẻ nấy đều trí trá gàn dở, ít nhất cũng có một bộ phận lớn rất thích lá mặt lá trái với nhau.

Phúc tấn không có hơi đâu dây dưa với họ, nhân dịp này dứt khoát thay máu hết cho xong.

Tịch thu tài sản những người bị thay xong, sẽ bán ra ngoài hết; trước kia bất kể ăn vào bao nhiêu, hiện giờ phải nôn ra tất tần tật.

Lại có bao nhiêu kẻ máu mủ chia lìa, khóc trời trách đất, không thể biết hết được.

Trong phủ Tứ a ca, lại phải chuẩn bị đón tết Ban kim.

Lần này bình an vượt qua được tai họa, từ hoàng thượng đến triều thần đều rất đỗi vui sướng.

Vừa khéo đến tết Ban kim, để chúc mừng và cũng vì muốn quét sạch bầu không khí căng thẳng bức bối trong Kinh, hoàng thượng quyết ý mở một bữa tiệc triều nhỏ, cho đám tôn thất gần chi họ và các đại thần thân thiết vào cung tiệc tùng xem hát.

Xét ra thì ai nấy đều có họ hàng liên quan tới nhau, nên bữa tiệc này cũng tương đương với tiệc nhà.

Hoàng thượng nhắc chuyện ấy trong buổi thiết triều, người phía dưới đua nhau góp vui.

Ai cũng biết tâm trạng hoàng thượng đang tốt, không nhân cơ hội này lộ mặt ra thì còn đợi chờ gì nữa? Đồng Quốc Duy* bèn hỏi xin hoàng thượng thêm mấy chỗ ngồi, để đem lũ cháu con trong nhà vào hòng mở mang tầm mắt.

*Đồng Quốc Duy (1643 - 1719) thuộc gia tộc Đồng Giai thị, em trai của Hiếu Khang Chương hoàng hậu, cậu của Khang Hi đế.

Hoàng thượng cười nói: "Con cháu nhà mình cả, chúng vào đây thực, trẫm lại cho chúng đứng được chắc?"
Đồng Giai thị luôn được nể mặt hết mực, không hề giống với những gia đình khác.

Nhưng các gia tộc khác cũng đâu ngồi không, giương mắt nhìn cả nhà Đồng Giai thị một mình chiếm thế? Đợi khi kết thúc buổi chầu, nhóm chủ tử các cung trong hậu cung gần như đều đã biết tin cả, những người tự thấy nhà mình xứng đáng có được vinh dự này đều nghĩ cách chuyển lời cho hoàng thượng.

Trong Chung Túy cung, Huệ phi gọi Đại a ca vào, nói: "Lần này hoàng thượng dặn gấp, chúng ta biết muộn.

Nhưng dẫu muộn cỡ mấy thì trong tiệc vẫn có chỗ cho Nạp Lan thị*.

Ta không sợ hoàng thượng quên đi mất, mà chỉ sợ những đứa tiểu nhân ấy quấy phá, xếp nhà chúng ta ở xó nào hẻo lánh, để rồi hoàng thượng không trông thấy được, hỏi đến lại không biết giấu mặt mũi đi đâu."
*Mẫu tộc của Huệ phi.

Đại a ca cười nói: "Ngạch nương cứ khéo nghĩ vẩn vơ.

Con trai người lớn thế này, đứng ở đấy, ai dám không nhìn thấy?"
Huệ phi nói: "Con ư? Con lại nổi bần bật! Đã nói biết bao lần, phải bình tĩnh, phải bình tĩnh.

Bên cạnh hoàng thượng đã có một thái tử, con không thấy dáng điệu nó thế nào hay sao? Giờ con ở ngoài, hoàng thượng lười quản thúc con.

Nhưng ta không tin, là hoàng thượng lại ít mắng con đâu."
Hai mẹ con không ai nói gì nữa.

Một lúc sau, Huệ phi hạ thấp giọng, nói: "Con nhìn ngày trước xem, chỉ nói Quảng Lược Bối lặc* thôi, giờ ông ta đâu rồi? Những a ca xếp đầu như ông ta có kết cục gì? Còn Thái Tông là Bát a ca, khi ấy ngài đâu hề là đứa con được sủng ái nhất.

Nhưng con nói ta nghe xem, người đứng hàng trước nhất và người được sủng ái hiện giờ ra sao? Hậu nhân của họ thì thế nào?"
*Quảng Lược Bối lặc (Chử Anh) là con trai cả của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, từng được vua cha xác nhận là người kế vị.

Tuy nhiều lần lập chiến công, nhưng do tính tình kiêu ngạo, coi khinh người khác nên Chử Anh không được lòng nhiều đại thần.

Về sau, Chử Anh bị năm vị đại thần khai quốc và một số người em vốn bất hòa với mình tập trung công kích.

Do đó Chử Anh dần mất đi sự tín nhiệm của vua cha, bị tước bỏ binh quyền.

Cuối cùng ông bị tố cáo và chết trong ngục, mẹ ông vì chuyện này mà bị tước vị Chính thất.


Vừa nói đến chủ đề này, đã làm người nghe toát hết mồ hôi lạnh sau gáy.

Huệ phi nói: "Ta sinh hai huynh đệ các con, chỉ mình con sống sót.

Những mong con được điều tốt đẹp, không mong làm vướng chân con.

Có một số chuyện không thể đi sâu, không thể nghĩ nhiều.

Nhưng tự trong bụng chúng ta phải tỏ tường.

Con...!nay ngoài kia người người gọi con là Đại thiên tuế, ta nghe mà lòng dạ phát run..."
"Ngạch nương..." Đại a ca quỳ một gối xuống, nắm lấy một bàn tay Huệ phi.

Huệ phi đã ngót tuổi tứ tuần, bà lớn lên cùng hoàng thượng.

Lúc thường dung quang rạng rỡ chẳng đoán được tuổi, giờ đây đâm lòng xót xa, dáng vẻ già nua đều hiện ra cả.

Bà kéo tay Đại a ca, khẽ khàng nói: "A Lâm của ta ơi, ngạch nương chỉ ước sao con sừng sững hùng tráng như núi Trường Bạch, chẳng mong con là cánh chim bay ở đầu đàn kia."
Trưởng tử Thừa Khánh của Huệ phi mất lúc vừa qua một tuần tuổi, năm thứ hai bà hạ sinh Đại a ca.

Sau khi sinh đứa nhỏ này, ban đầu hoàng thượng không dám đặt tên cho y, khi ấy con trẻ trong cung không nhiều.

Huệ phi lẳng lặng lấy cho y nhũ danh bằng tiếng Mãn, mang nghĩa là "núi".

Với hy vọng đứa bé này sẽ được mạnh khỏe, trường thọ như một ngọn núi.

Thuở bé lúc Đại a ca chưa vào A Ca Sở, thường đêm đêm Huệ phi lại ngồi bên giường nắm bàn tay bé con con kia, khẽ gọi nhũ danh của y.

Có lần Đại a ca chưa ngủ, nghe thấy bèn hỏi Huệ phi rằng tên ấy nghĩa là gì, Huệ phi ôm y bảo: "Ngạch nương muốn gọi con lại, để con đừng chạy xa, không cần ngạch nương nữa."
Từ đó về sau, Huệ phi không còn sinh thêm đứa con nào, một tay bà nuôi nâng Đại a ca khôn lớn, vừa cao vừa mạnh hệt như nhũ danh của y.

Đại a ca tựa trán xuống đầu gối Huệ phi, vành mắt nong nóng thì thào gọi ngạch nương, sau đó đứng dậy lau mắt, cười nói: "Ngạch nương yên tâm, A Lâm của người không khờ dại như thế."
Y cúi đầu nghĩ ngợi, nói: "Chuyện chỗ ngồi con sẽ đi xem xét, không cần qua tay người khác, chỉ cần tìm Nội vụ phủ là được.

Chỗ thái tử dù có tiểu nhân muốn giở trò, để con đi nói chuyện với thái tử, chắc chắn đệ ấy sẽ kiểm soát người dưới trướng mình."
Huệ phi dặn dò y: "Con và thái tử cãi tới cãi lui vậy cũng khá.

Vừa không cần tốt quá, vừa không bị dở quá.

Ngoài kia có bao con mắt rình rập đấy."
"Lòng con biết cả." Đại a ca gạt bím tóc trước ngực ra sau lưng, nhét vào dây đai, "Nhi thần về đây, buổi tối ngạch nương hãy ngủ sớm, đừng nhặt gạo Phật gì nữa, quỳ hỏng cả chân rồi."
Huệ phi cười nói: "Ngạch nương nghe A Lâm.

Đi đi con."
Ngoài Chung Túy cung của Huệ phi, Dực Khôn cung của Nghi phi lại đương mừng vui khấp khởi.

Hoàng thượng sai người truyền lời rằng lúc nữa sẽ sang đây, Nghi phi vội vội vàng vàng dỗ cho Cửu a ca đi.

Cửu a ca không chịu, túm lấy mép áo choàng của Nghi phi đè lên ghế kê chân, nằng nặc đòi Nghi phi đổi cho mình một bộ cung tên mới.

"Không được." Nghi phi liếc mắt phượng, nhìn hộ giáp của mình, bảo: "Bộ kia năm ngoái hoàng thượng mới thưởng cho con cơ mà."
"Sức nhi tử lớn hơn rồi." Cửu a ca muốn một bộ bằng sừng trâu.

"Ồ?" Nghi phi cười tủm tỉm, trên mặt in dòng chữ "Ta không tin".

Cửu a ca nói: "Con bắn được vào một tảng đá rồi."
"Nói phét." Nghi phi nói thẳng không vấp chữ nào, bà nhìn cung nữ đứng bên, cung nữ đưa tay ra hiệu với bà.

Thấy sắp đến giờ, bà không nhì nhằng với Cửu a ca nữa, thẳng tay nhét nó vào lòng nhũ mẫu: "Khẩn trương lên, ném thẳng nhõi này ra ngoài cho ta."

Cửu a ca hầm hè đẩy nhũ mẫu ra, chạy biến đi nhanh như chớp.

Nhũ mẫu, ma ma và cung nữ thái giám đều hớt hải đuổi theo.

Trong phòng, Nghi phi thở phào, nói: "Cãi ông nhõi con này chỉ được cái nước khéo làm khổ ta." Cô cô đứng cạnh dâng chén trà, cười nói: "Ngoài miệng nương nương mắng dữ vậy, chứ trong lòng thương Cửu a ca không để đâu cho hết."
Lúc này Nghi phi mới cười nói: "Nó là miếng thịt rơi ra từ trên người ta, không thương nó thì thương ai? Cũng chẳng biết sao thằng bé này lại ham thích thứ cung sừng trâu kia...!Ta nhớ hình như chỗ hoàng thượng có mấy bộ."
Cô cô nói: "Nương nương cứ từ từ, phải xem tâm trạng hoàng thượng tốt lên hẵng nhắc."
Nghi phi gọi người đem hộp trang điểm tới, dựng tấm gương lên soi xem phấn son có trôi mất đi không, nhìn vào gương cười đến là ngọt ngào, nói: "Hôm nay tâm trạng hoàng thượng sẽ tốt thôi."
Trong Vĩnh Hòa cung, Thập Tứ a ca đương sáp lại bên chân Đức phi, nói: "Hai ngày trước lúc thái tử sang đây có cầm một bộ cung sừng trâu, con đã thấy ánh mắt Cửu ca và Thập ca bất bình thường, cứ nhìn chòng chọc vào cái cung ấy."
Đức phi ôm lấy nó: "Con cũng muốn à?"
Thập Tứ vội đáp: "Nhi thần không muốn."
Đức phi vỗ người nó, bảo: "Cung gì mà chẳng dùng như nhau, bắn ra rồi cũng giết địch như nhau cả.

Thái tử là thái tử, Cửu a ca là Cửu a ca.

Con đừng so bì với người ngoài.

Nhìn Tứ ca xem, con đã thấy Tứ ca của con đòi xin ngạch nương đồ gì bao giờ chưa?"
Thập Tứ a ca bất bình nói: "Huynh ấy lớn tướng thế rồi..." Nói chưa dứt lời, bắt gặp ánh nhìn không tán thành của Đức phi, nó ngậm miệng ngay.

Đức phi chỉnh lại cổ áo cho nó, vỗ vai nó bảo: "Được rồi, về A Ca Sở đi.

Nhớ khi về phải luyện chữ, đừng học theo lão Bát.

Hoàng thượng nói chữ nó bao nhiêu lần rồi vẫn không thấy tiến bộ, con muốn giống nó à?"
Thập Tứ đứng để Đức phi sửa sang lại áo quần, xen miệng bảo: "Đó là tại Bát ca muốn hoàng a mã nhớ tới mình nhiều hơn, cứ làm như không ai nhận ra vậy.

Khi nào con cũng..." Nói rồi lại phải nuốt ngược về vì cái nhìn của Đức phi.

Sau khi nó đi, Đức phi nói với ma ma bên cạnh: "Thằng bé này thực không hiểu lẽ gì."
Ma ma nói: "A ca còn nhỏ, lớn lên là tốt thôi."
Đức phi nín thinh, hồi lâu sau, chầm chậm thở dài, nói với giọng khô khốc: "Hoàng thượng bảo muốn làm cỗ nhà, Đồng Giai thị bảo muốn dẫn hết con cháu trong nhà vào đây.

Bên Nạp Lan thị nhất định có người vào, Đại a ca còn lừng lững ở đó kia.

Ban nãy nghe người ta bảo hoàng thượng sang Dực Khôn cung, nghĩ chắc Quách Lạc La thị cũng có được một, hai chỗ."
Ma ma cúi đầu, không dám đỡ lời.

Đức phi cũng không nói tiếp.

Còn bà thì sao? Ha ha, hoàng thượng sẽ không để một nô tài vào ngồi đó.

Cả một hoàng cung, chỉ mình nhà của Đức phi bà là không có chỗ.

Tết Ban Kim ngày mười ba tháng mười.

Hoàng thượng thiết tiệc ở Bảo Hòa điện, người đang ngồi có từ Đại a ca đến Thập Tứ a ca; trong tông thất có Dụ Thân vương xếp đầu, ngồi gần hoàng thượng nhất, Cung Thân vương theo sau.

Thái tử và Đại a ca đang nâng chén thay họ hàng, họ kính xong một vòng, còn lại mấy chàng a ca lớn cũng chia nhau lên kính rượu.

Tam a ca và Tứ a ca thì có phần khó xử.

Trong những người đang ngồi ấy mà không hề có một người là thân thích nhà mẫu phi họ.

Nhà Ô Nhã thị không người nào đứng ra thể hiện được; Vinh phi xuất thân từ Mã Giai thị, có lẽ cũng đã bị hoàng thượng cho vào quên lãng.

Tam a ca vội kính rượu xong rồi về chỗ, Tứ a ca cầm bầu rượu không tiện chạy trốn, bèn đứng ngay sau Đồng Quốc Duy.

Lúc hoàng thượng cùng uống với Đồng Quốc Duy, Tứ a ca rót đầy chén cho Đồng Quốc Duy hai lần.

Kính xong, Đồng Quốc Duy quay về, kéo Tứ a ca lại thân mật bảo: "Tứ a ca cũng về chỗ ăn ít gì đi, để tự thần làm là được." Đoạn quay đầu gọi con là Long Khoa Đa, sai đưa Tứ a ca về chỗ ngồi.

Long Khoa Đa cung kính đưa Tứ a ca về.

Tứ a ca đương nhiên không thể cứ để ông ta đi như thế, bèn giữ lại rồi hai người đối ẩm ba chén, sau Long Khoa Đa mới chắp tay lui xuống.

Hậu cung không mở tiệc, dù sao nạn lớn vừa qua đi, triều định vẫn phải sống ngày đơn giản, chỉ đặt bàn cỗ nhỏ trong cung của vài vị phi tử.

Trong Vĩnh Hòa cung, mẹ ruột của Thất a ca là Đới Giai thị và mẹ ruột của Thập Tam a ca là Chương Giai thị đương ngồi với Đức phi, đằng dưới có Tứ phúc tấn ngồi.

Gương mặt Đức phi tỏa nét cười dịu dàng, song lại không thấy đâu nhiệt tình, nói cũng chỉ có mấy câu ít ỏi.

Là vãn bối, Tứ phúc tấn không thể phô trương quá; Đới Giai thị ngoài nói mấy câu góp vui lúc nâng chén chúc tụng, quãng tiệc còn lại chỉ lầm lũi gắp ăn từng hạt bạch quả trên cái đĩa trước mặt.


Chương Giai thị thì lại rất khéo nói, có bà làm đệm, bữa tiệc cũng không quá đìu hiu.

Ăn từ mười giờ sáng đến tận bốn giờ chiều, dùng một bữa cơm và hai bữa điểm tâm.

Đức phi nhìn sắc trời ở ngoài, nói: "Ta thấy cũng hòm hòm rồi."
Dứt câu ấy, ba người còn lại đều đứng dậy cáo từ.

Đức phi nói: "Bắt các muội ngồi đây với ta, thực là làm khó các muội quá." Nói hết lời khách sáo, cung nữ đứng bên bưng ra ba cái khay.

"Mấy món đồ này ta không dùng được, các muội còn trẻ, bình thường đừng để mình chịu thiệt quá."
Đới Giai thị và Chương Giai thị khách sáo thêm đôi câu nữa rồi lui xuống, Tứ phúc tấn lại muốn ở đợi Tứ a ca.

Đức phi liền chỉ vào đồ trong khay, nói: "Đây là trà Tây Tạng thái hậu thưởng, chắc đám trẻ các con không ham, nhưng ta lại thích vị này, uống vào không nhạt nhẽo như những thứ trà khác."
Phúc tấn bèn đáp: "Nhi thần cũng thích trà này, trà lần trước ngạch nương thưởng đã uống gần hết rồi."
Đức phi cười nói: "Con thích là tốt."
Tán gẫu dăm ba câu, hai người không còn gì để nói nữa.

Đức phi có vẻ mệt mỏi, tựa vào gối khép mắt nghỉ ngơi.

Phúc tấn lặng lẽ đi tới cạnh bà, xoa bóp vai cho bà.

Đức phi ngẩn ra, nghĩ rồi lại thấy không ổn, đành nhịn thế cho nàng bóp.

Độ chừng một khắc bà lại ngồi dậy, nói: "Cực cho con rồi, con ngoan, qua đây ngồi đi.

Ta thấy lão Tứ sắp về đấy."
Nghĩ đến chuyện trong tiệc, Đức phi dặn một câu hiếm hoi: "Lát nữa về, con hãy vỗ về, giải phiền cho nó." Ngưng một lúc rồi thở dài, "...!Chuyện xuất thân...!thực không thể trách người khác được."
Lúc sáu giờ, yến tiệc đằng trước rút cục đã xong.

Hoàng thượng sai thái tử và Tứ a ca đi tiễn người của Đồng Giai thị, Đại a ca tiễn Cung Thân vương, Dụ Thân vương được hoàng thượng đích thân dắt tay ra đến cửa.

Khi khách khứa ra về cả, hoàng thượng giao những việc còn lại cho thái tử, bảo Đại a ca và mấy a ca đã dựng phủ mau chóng về nhà, sau đó gọi hai tiểu a ca là Thập Tam và Thập Tứ cùng về hậu cung.

Người không được ngài gọi đành quay về A Ca Sở.

Lúc Cửu a ca và Thập a ca đi, giậm chân bình bịch, ấm ức thầm chửi theo bóng Thập Tam, Thập Tứ: "Đồ nịnh thần."
Tứ a ca về Vĩnh Hòa cung đón phúc tấn, chàng chưa đến nơi, chuyện ở tiệc đã truyền về hậu cung.

Đức phi sai người đưa phúc tấn ra xong, ma ma mới thầm kể bà nghe chuyện Tứ a ca đứng sau lưng Đồng Quốc Duy.

Đức phi biết chuyện, hồi lâu không nói gì, sau đó mới khó nhọc cất lời: "...!Trách nhà mẹ đẻ ta không có ai, làm a ca mất cả thể diện."
Trên đường ra khỏi cung, phúc tấn ngồi trong xe, Tứ a ca cưỡi ngựa theo bên cạnh.

Nàng vén tấm mành cửa sổ xe, xem thần sắc chàng không vẻ gì là không vui.

Có nhẽ vì ở Vĩnh Hòa cung ấy có tấm lòng từ mẫu, thành ra nghĩ cũng nghiêm trọng hơn chăng.

(còn tiếp)
Lời tác giả: Xin nói một chút về điểm chính trong cốt truyện của bộ truyện này.

Cốt truyện vẫn phải tiếp tục, và cũng sẽ có tình tiết nghiêm trọng nặng nề để cho thấy sự tương phản.

Tui muốn cho Lý Từ ngây thơ từ đầu tới cuối, và để sự ngây thơ ấy được gìn giữ thì thế giới mà ẻm nhìn thấy phải rất nhỏ.

Sự sủng ái của Tứ a ca đã tạo dựng nên một thế giới chỉ có tình yêu trai gái, hằng ngày chỉ cần lo ăn gì chơi gì.

Cả nhà đừng kỳ vọng rằng ẻm sẽ có điểm sáng về mặt tinh thần.

Nhiệm vụ hiện thực hóa giá trị cá nhân, tiến bộ và tiến hóa đòi hỏi phải liên tục thúc giục bản thân, tự gò ép mình, đi nhầm đường rồi lại sửa sai - tất cả được giao cho phúc tấn.

Truyện này là kiểu truyện ngọt sủng tui đã muốn viết từ rất lâu, muốn ngọt mà không ngấy.

Để trung hòa cái sự ngọt này thì phúc tấn sẽ là đắng, Tứ a ca là mặn, Niên thị là chua.

Còn lại là mấy nguyên liệu đi kèm.

Mỗi nhân vật đều có cuộc đời riêng của mình, chỉ mình Lý Vi là luôn được bàn tay vàng của tui che chở.

Ẻm sẽ vô tư vô lự, sống hết đời này trong hạnh phúc mỹ mãn.

Còn người khác thì tui hem chắc ^^.

.


Đọc truyện chữ Full