Ta mặc áo cưới đỏ, mang theo Lý Đậu Hoàng, ôm bài vị của mẹ, khóa lại ba gian phòng, ngồi vào kiệu hoa.
Trong tiếng chiêng trống vang trời, tiếng người huyên náo, cổ kiệu lung la lung lay đưa ta rời ngõ Yến Tử, qua cầu Vạn Lý. Hoa đào bên cầu tây đã sớm tàn, rặng liễu bên cầu đông hãy còn xanh.
Tim ta đập thình thịch, thấy mình như đang nằm mơ.
Hắn vén hỉ khăn lên nhìn ta. Ta thấy hắn một thân áo đỏ, mặt như tranh vẽ, là oan gia khiến ta hồn bay phách lạc, là tân lang ta mong nhớ ngày đêm.
Ta gọi: “Cố lang.”
Hắn nhíu mày hỏi: “Gọi là gì?”
Lúc này ta mới cảm thấy có gì đó không ổn, lại gọi một tiếng: “Phu quân.”
Bấy giờ hắn mới mỉm cười, ngồi xuống cạnh ta.
Phải, từ nay, Lý Bích Đào ta chính là Cố nương tử, là Cố Lý thị, là thê tử danh chính ngôn thuận của hắn.
Hắn nắm một bàn tay ta lên ngắm nghía, đùa nghịch khiến mặt ta hồng, tim ta nhảy.
Hắn thì thầm hỏi: “Nào, nói vi phu nghe xem, nàng định mượn như thế nào?”
Ta như con thuyền nhỏ tròng trành trên đỉnh sóng, chỉ nghe được tiếng Đậu Hoàng sủa vang trong sân, chỉ nghe hắn từng tiếng từng tiếng một gọi “Đào nhi”.
Ta thầm mắng con chó ngốc kia. Sủa gì mà sủa, đây là cha của con.
Ngày thứ ba sau tân hôn, Cố Lý thị dọn giỏ thêu ra, chuẩn bị đồ may vá.
Phu quân ta là một thư sinh, vai không thể khiêng, tay không thể xách. Hắn phải đọc sách thánh hiền, thi khảo công danh, sao có thể để củi gạo dầu muối làm lãng phí thời gian của hắn.
Ta phải chăm sóc gia đình này, lo liệu kế sinh nhai cho hai người một chó.
Phu quân ta cầm một quyển sách thong thả bước đến trước mặt ta: “Nàng đang làm gì vậy?”
Ta nói: “Bây giờ đã khác xưa rồi, ta phải thêu nhiều hàng một chút, sớm đi giao cho người ta.”
Sắc mặt phu quân ta tối sầm lại, có chút cạn lời: “Lý Bích Đào, nàng muốn nuôi vi phu sao?”
Ta liếc hắn một cái đầy khó hiểu, nhỏ người nhỏ eo cớ sao còn nhỏ mọn. Ta không nuôi chàng thì nuôi ai đây?
Hắn mím chặt môi, dường như đang giận dỗi, hỏi ta: “Chìa khóa ta đưa nàng hôm thành thân đâu?”
Ta nói: “Ở đây, trong ví.”
Hắn hỏi: “Nàng chưa từng mở rương ra xem thử hay sao?’
Hai ngày nay, ta bận dọn dẹp trong nhà ngoài cửa nào có thời gian lục lọi xem xét cái gì. Ta se chỉ luồn kim xong rồi nói: “Nào có thời gian mở ra xem.”
Hắn bảo ta bỏ kim chỉ xuống, nắm tay kéo ta vào phòng trong.
Hắn đứng trước chiếc rương lớn, hất cằm bảo ta mở ra xem ngay bây giờ.
Ta mở rương lớn, lấy ra một chiếc rương nhỏ.
Hắn lại bảo ta mở nó ra.
Ta bèn mở nó ra.
Vừa mở rương ra, ta sững sờ kinh ngạc.
Ta hỏi: “Đây là cái gì?”
Hắn nói: “Ngân phiếu.”
Ta lại hỏi: “Đây là cái gì?”
Hắn bảo: “Khế đất.”
Những thứ còn lại thì ta biết, là vàng ròng bạc trắng sáng lấp lánh.
Hắn thấy ta đứng trơ ra như tượng, vòng tay ôm lấy ta, nói: “Vi phu đã cưới nàng, nàng không cần phải bận tâm lo kế sinh nhai nữa. Từ nay có vi phụ nuôi nàng, che chở nàng.”
Ta vùng khỏi vòng tay hắn, dáo dát nhìn xung quanh.
Hắn nhíu mày hỏi: “Nàng tìm gì đó?”
Ta nói: “Ta ta… ta phải tìm chỗ giấu chìa khóa.”
┊ ┊ ┊ ┊
┊ ┊ ┊ ★
┊ ┊ ☆
┊ ★
☆
Ta nhàn rỗi đến mức sắp trèo lên cây bưởi hái hoa.
Phu quân ta nói: “Rảnh tay thì giúp vi phu làm giày may áo, rảnh chân thì ngồi bầu bạn đọc sách với vi phu.”
Ta ngồi bầu bạn với phu quân ta, ta làm đế giày, hắn đọc sách.
Phu quân ta lúc đọc sách liền trở nên trầm tĩnh, uy nghiêm, ngồi cách ta rất xa. Ta chăm chú nhìn vào quyển sách trên tay hắn, lít nha lít nhít chữ, chẳng chữ nào quen biết ta.
Hắn quay sang nhìn ta mỉm cười.
Ta hỏi: “Đây là chữ gì?”
Hắn nói: “Kỳ.”
Ta lại hỏi: “Đây lại là chữ gì?”
Hắn nói: “Nhĩ.”
Ta hỏi: “Câu này đọc như thế nào?”
Hắn nói: “Kỳ nhĩ vạn phương hữu tội, tại dư nhất nhân.
Dư nhất nhân hữu tội, vô dĩ nhĩ vạn phương.
Nếu dân chúng bốn phương có tội, thì đó là tội của ta.
Nếu ta có tội, xin đừng để lụy tới dân chúng bốn phương.“
Ta nói: “Nghe hay quá.”
Hắn bật cười, vươn tay lấy đi đế giày trên tay ta, kéo ta ngồi lên đùi hắn: “Vi phụ dạy nàng viết chữ.”
Ta cầm cán bút, ngón tay nào cũng vụng về. Bàn tay hắn to lớn lại mạnh lẽ, giúp ta cầm chắc.
Hắn cầm tay ta viết một chữ.
Ta hỏi: “Đây là chữ gì?”
Hắn nói: “Lý, trong Lý Bích Đào.”
Hắn lại cầm tay ta viết Bích Đào, rồi viết hai chữ nữa.
Hắn bảo: “Đoán xem đây là chữ gì?”
Ta đáp: “Cố Lân.”
Hắn đứng sau lưng ta cười nói: “Đào nhi thật thông minh. Đây là tên của phu quân nàng.”
Hắn rút một trang giấy khác. Viết nhiều lần, ta đã biết được tên ta, biết được tên phu quân ta.
Hắn lại chỉ vào một chữ: “Đây là ở, đây là nhà.”
Ta nối chúng lại, nhẹ nhàng đọc: “Bích Đào ở nhà lân cận.”
Phu quân ta tình ý dịu dàng chậm rãi nói: “Ừm, Bích Đào ở nhà lân cận.”
┊ ┊ ┊ ┊
┊ ┊ ┊ ★
┊ ┊ ☆
┊ ★
☆
Phu quân ta ở nhà làm tổ mười mấy ngày. Ngày nào hắn cũng đọc sách viết chữ, còn phải dạy ta viết chữ. Ngày nào ta cũng viết giun viết rắn.
Ta ngồi cạnh bàn đọc sách gọi hắn: “Phu quân.”
Hắn lật sách, biểu tình nhàn nhạt, dùng giọng mũi trả lời ta: “Hửm?”
Ta nói: “Ta muốn thêu hoa.”
Hắn hơi hung dữ bảo: “Vẽ xong bài tập của hôm nay đi.”
Ta không thể làm gì khác hơn là cúi đầu vẽ bùa, vẽ đến tay muốn rụng rời.
Mẹ ơi, số Bích Đào thật khổ, Bích Đào gặp phải người không thật thà.
┊ ┊ ┊ ┊
┊ ┊ ┊ ★
┊ ┊ ☆
┊ ★
☆
Phu quân ta cuối cùng cũng chịu ra cửa. Hắn cởi xích cho Đậu Hoàng bị buộc trong sân, nói: “Đi, Đậu Hoàng, hôm nay ra ngoài chơi với cha.”
Đậu Hoàng mừng rỡ xoay vòng vòng, cái đuôi không ngừng vung vẩy.
Ta hỏi: “Chàng đi đâu?”
Hắn nói: “Vi phu đi thăm bạn.”
Ta nói: “Chàng đi thăm bạn thì cứ đi, sao còn mang chó theo?”
Hắn kéo Đậu Hoàng, tủi thân đứng trong sân: “Lý Bích Đào, một lang quân ngàn dặm khó tìm như vi phu đi ra ngoài, nàng không lo lắng chút nào sao?”
Ta trợn trắng mắt nhìn lên trời. Giữa ban ngày ban mặt, có cái gì phải lo lắng? Chẳng lẽ một người đàn ông lớn tồng ngồng như hắn còn bị người ta cướp đi hay sao?
Nhưng nhìn vẻ mặt uất ức của hắn, ta nói: “Vậy chàng nhớ cẩn thận.”
Hắn vẫn chưa đi, đứng im tại chỗ, xụ mặt, dắt chó.
Ta lại nói với Đậu Hoàng: “Đậu Hoàng, bảo vệ cha con cho cẩn thận, đừng để người ta cướp mất.”
Đậu Hoàng gâu gâu đáp lại.
Hắn lúc này mới mặt mày hớn hở: “Vi phu ở ngay tại đình Vọng Giang, trước khi trời tối nhất định sẽ trở về. Nếu nàng nhớ ta, cứ đến đó tìm.”
Ta còn bận bịu cả đống việc, làm gì có thời gian mà nhớ hắn.
Ta nói “Được.”, hắn mới dắt Đậu Hoàng đi ra ngoài.
Ta không ngờ có người đến cướp hắn thật, còn trắng trợn đến tận nhà ta để cướp.
Ta tiễn cha con họ đi rồi, dọn dẹp trong ngoài nhà cửa, lại đi tìm kéo cắt may quần áo mùa đông.
Đang căng vải thì có người cốc cốc gõ cửa.
Ta hỏi: “Ai vậy?”
Ngoài cửa, một giọng nói vênh váo hống hách hỏi: “Cố tướng công có ở nhà không?”
Ta mở cửa ra, thấy một tiểu nha đầu hếch cằm đứng đó.
Ta nói: “Tướng công nhà ta ra ngoài thăm bạn rồi, bây giờ không có ở nhà.”
Nha đầu kia dữ dằn trừng ta một cái, tránh sang một bên, để lộ tiểu thư Tri Phủ mỏng manh, dịu dàng phía sau.
Tri Phủ tiểu thư hờ hững nhìn ta: “Ngươi chính là Lý Bích Đào.”
Ta đáp: “Ta chính là Cố Lý thị. Tiểu thư tìm phu quân ta có chuyện gì không?”
Tiểu thư hai mắt đỏ lên, nghiến răng nghiến lợi hỏi ta: “Ngươi dựa vào cái gì gả cho hắn?!”
Ta nói: “Ta muốn mượn hắn sinh một đứa con, hắn liền nhờ người đến cầu thân, nào có cần dựa vào cái gì.”
Tiểu thư nói: “Ngươi quả thật là vô liêm sỉ!”
Ta cạn lời.
Mới như vậy đã là vô liêm sỉ? Chuyện vô liêm sỉ hơn còn làm mỗi ngày nữa cơ.
Ta không thèm để ý đến nàng, xoay người đi làm việc của mình. Cửa cũng mở rồi, nàng thích vào thì vào, không thích vào thì đi.
Tiểu thư đứng trước cửa nhà ta khóc, ta ở trong sân cắt may quần áo. Vóc dáng kia ta đã quá quen thuộc, rộng mấy phân, dài mấy thước, ta dùng bàn tay đo là có thể ước lượng ra kích cỡ xấp xỉ.
Tiểu thư nhìn chằm chằm ta cắt áo, nhìn chằm chằm một hồi lại khóc. Ta có chút mềm lòng, nói: “Tiểu thư đừng đứng đó nữa. Trời tối hắn mới về, ngươi muốn đợi thì vào trong mà đợi.”
Nàng bèn vào nhà ngồi đợi.
Nàng ngồi trong sân nhà ta, đưa mắt nhìn bốn phía, nhìn thư phòng hắn mở toang cửa, nhìn quần áo hắn phơi trên sào tre, nàng lại khóc.
Ta thở dài: “Phu quân ta cũng không đến mức hoàn mỹ vô khuyết đâu. Có đôi khi hắn cũng thô lỗ, nóng tính với mọi người lắm.”
Tiểu thư nói: “Ngươi thì biết cái gì!”
Ta không thèm để ý đến nàng nữa. Nhớ thương phu quân ta, còn bảo ta không biết gì cả.
Ta cắt vải xong, đem cất vào phòng, nhìn sắc trời rồi vào thư phòng hắn nhặt mấy tờ giấy lộn, nhóm lửa nấu cơm.
Tiểu thư trợn tròn mắt: “Ngươi đem chữ của chàng ấy đi nhóm lửa?”
Ta nói: “Trong sọt còn nhiều như vậy, không nhóm lửa thì để làm gì?”
Tiểu thư nói: “Ngươi có biết bên ngoài có bao nhiêu người dùng ngàn vàng cầu mong mua được một bộ chữ của chàng ấy không?”
Cầu mong thì cầu mong thôi, tay hắn có tàn phế đâu. Khăn tay ta thêu, bên ngoài cũng không ít người cầu mong đó nha.
Tiểu thư tức giận đứng dậy, mang theo nha đầu nhìn đời bằng lỗ mũi kia xông thẳng ra cửa.
Trời nhá nhem tối, hắn dắt Đậu Hoàng trở về.
Ta còn chưa hỏi tội hắn, hắn còn dám nghiêm mặt nhìn ta.
Hắn đen mặt vén áo ngồi xuống ghế: “Tính tình của ta không tốt?”
Ồ, thì ra là chuyện này.
Ta nhìn chòng chọc vào Lý Đậu Hoàng đang cụp đuôi trốn trong góc. Tính tình ngươi không xấu thì ai xấu? Xụ mặt một cái, đến chó còn phải sợ.
Ta dọn bát đũa lên bàn, hắn bảo: “Nói cho xong đã.”
Ta nói: “Chàng thích ăn thì ăn, không thích thì tới nhà Tri Phủ mà ăn.”
Lúc này hắn mới hơi ngượng ngùng nói: “Ta chỉ tình cờ gặp ở đầu cầu, không có nói chuyện với nàng ta.”
Xì, không nói chuyện mà biết tường tận đến vậy.
Hắn chăm chú nhìn ta một lát, cười nói: “Ta không thích nàng ta, một chút xíu cũng không thích. Đào nhi, trong lòng ta chỉ có mình nàng.”
Đúng là oan gia không biết xấu hổ.
Ta nói: “Mau đi rửa tay, đồ ăn sắp nguội rồi.”
Hắn cười tí tởn lại gần: “Ta thô lỗ với nàng bao giờ chứ?”
Ta lườm hắn một cái: “Lúc ta bảo chàng nhẹ một chút, chàng có từng nhẹ lại không?”
Hắn ngẫm nghĩ, tằng hắng một tiếng: “Chưa từng.”
Ta lại hỏi: “Lúc ta bảo chàng dừng lại, chàng có từng dừng lại không?”
Hắn đỏ mặt tía tai, nói: “Chưa từng.”
Ta chống nạnh hỏi: “Đó không gọi là thô lỗ thì là cái gì? Ta đổ oan cho chàng chắc?!”
Hắn thẹn thùng nghiêm mặt: “Vi phu sai rồi, là vi phu thô lỗ, đêm nay vi phu nhất định sẽ sửa đổi.”
Tối đêm đó, ta quay lưng lại, hắn mặt dày mày dạn cọ cọ ta: “Đào nhi, nàng thấy vi phu sửa đổi có tốt không?”
Tốt con khỉ khô.
Hắn kéo ta vào lòng, mồ hôi nhễ nhại lười biếng nằm trên gối, dịu dàng nói: “Sau này đừng tùy tiện mở cửa, ta không yên tâm.”
Phu quân ta mỗi ngày đều có rất nhiều việc phải làm, phải tham gia hội văn chương của thư viện, nhiều khi còn có người đến mời, hắn thường xuyên đi ra ngoài.
Ta giúp hắn đổi một bộ y phục mùa đông, cắt may vừa vặn, lại thành một lang quân tuấn tú.
Hắn nắm tay ta đặt lên ngực, hôn môi ta, lại cọ cọ má ta, mềm mại nói: “Sao nàng cứ không chịu nhàn rỗi?”
Mẹ chưa từng dạy ta nhàn rỗi như thế nào.
Ta nói: “Ta còn chưa đủ nhàn rỗi sao? Rảnh đến mức tay mọc dài ra rồi.”
Hắn nói: “Nàng có thể giống tiểu thư nương tử của nhà khác, ra ngoài thưởng hoa, nghe hí khúc, mua phấn son quần áo.”
Ta nói: “Phụ nữ đã có chồng xuất đầu lộ diện không được tốt cho lắm.”
Hắn suy nghĩ một lát nói: “Cũng phải. Dáng vẻ này của nàng, ta cũng không yên tâm. Để hôm nào vi phu đi cùng nàng.”
Ngay hôm sau, hắn đưa ta ra ngoài nghe hí khúc. Trên đường có người gọi hắn Cố tướng công, lại gọi ta Cố nương tử, hắn liền cười đáp: “Cùng nương tử đi nghe hát.”
Đến quán trà, có mấy thư sinh đến gần hành lễ, gọi hắn “Cố huynh”, lại gọi ta “Tẩu phu nhân”.
Những người kia cười hắn: “Cố huynh hôm nay không thấy đến tụ họp cùng chúng ta nữa, hóa ra phải bầu bạn với tẩu phu nhân.”
Còn có người nói: “Trước kia Cố huynh lập chí không đến Quỳnh Lâm không cưới vợ. Bây giờ nhìn thấy tẩu phu nhân, mới biết cớ sao Cố huynh vứt bỏ lời hứa hẹn, vội vã không nhịn nổi.”
Bọn họ vây quanh trêu ghẹo, ta xấu hổ đỏ bừng mặt, hắn đành cười mắng, bảo bọn họ cút.
Hắn nắm tay ta đi lên lầu, ai ai cũng nhìn không chớp mắt. Ta giãy giụa hai ba lần vẫn không thoát được, hắn thấp giọng hỏi: “Sao lại tránh?”
Đúng là không biết xấu hổ.
Ta theo phu quân ta vào một gian phòng trang nhã, ngồi nghe hí kịch.
Vở kịch kể về tài tử giai nhân. Giai nhân trong kịch không phải tiểu thư thì là danh kỹ, không có thiếu nữ thêu hoa.
Lòng ta có chút mất mát.
Sau khi về nhà, hắn hỏi ta: “Sao lại rầu rĩ không vui?”
Ta nói: “Không có gì. Sau này không đi nghe hí kịch nữa. Ta cũng không thích nghe hí kịch.”
Hắn nhìn ta một lát, cúi đầu hôn ta.
Ít lâu sau, hắn lại kéo ta đi nghe hí kịch.
Hắn nói: “Vở hí kịch này do chính vi phu viết, không đi nghe thật à?”
Ta thật không biết phu quân ta còn có bản lĩnh này, đành đi cùng hắn.
Hắn chỉ vào dòng chữ trên biển hiệu của trà lâu, nói: “Vở hí tên là Vạn Lý Kiều Tây, công tử tên Lâm Cố, giai nhân tên là Kiều Lê.”
Hắn cười có chút đắc ý, làm lòng ta cũng lơ lửng treo cao.
Kiều Lê là một thiếu nữ thêu hoa, thêu túi tiền xong định ra ngoài giao hàng, nửa đường bị người đùa bỡn.
Lâm công tử ra tay giữ gìn chính nghĩa, đánh tên vô lại chạy mất, cứu thoát Kiều Lê.
Ta nhìn Kiều Lê trên sân khấu, rụt rè nũng nịu, má đỏ như rạng mây chiều, mặt phấn hàm xuân, dịu dàng hỏi Lâm công tử: “Không biết Lâm Cố công tử tên họ là gì?”
Dưới khán đài cười ầm lên.
Ta xấu hổ không ngóc đầu lên được, lặng lẽ nhéo cánh tay hắn: “Sao cả mấy chuyện này chàng cũng viết vào?!”
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Bích Đào Ở Nhà Lân Cận
Chương 3
Chương 3