DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Gặp Nhau Phút Đầu Cuối Cùng Lìa Xa
Chương 60: 60: Chương 13-3


Giờ vận động buổi chiều Nghiêm Cẩn không ra ngoài, anh muốn tranh thủ chợp mắt một chút.

Vừa mơ màng thiếp đi thì nghe thấy tiếng cửa sắt chuyển động kẽo kẹt, có người ở bên ngoài gọi vào: “Số 0382.”
Nghiêm Cẩn giật mình, bổ nhào dậy như một con báo đốm.

Đây là âm thanh anh hằng mong đợi nhưng không ngờ lại tới nhanh như vậy, cảm ơn trời đất, cuối cùng anh cũng có thể rời khỏi chốn quái quỷ này!
Cửa mở, một cảnh sát đứng bên ngoài nói với anh: “Ra đây, có người muốn gặp anh.”
Nghiêm Cẩn nhanh chóng thay đồ, vuốt phẳng nếp nhăn quần áo, đi theo người cảnh sát kia băng qua từng cánh cửa sắt.

Đi được một lúc, anh nhận ra phương hướng không đúng, “Này này người anh em, chẳng phải bây giờ chúng ta sẽ ra ngoài sao? Sao lại đi về phía văn phòng thế này?”
Cảnh sát quay lại liếc nhìn anh, “Anh phân biệt rõ phương hướng thật đấy! Vào đây mấy lần rồi? Ai bảo được ra ngoài? Trưởng trại giam chúng tôi muốn gặp anh mà thôi.”
Nghiêm Cẩn chau mày, thắc mắc một chút rồi lại thôi.

Có lẽ trước khi ra ngoài người ta muốn nói chuyện riêng với anh, hoặc cần phải làm thủ tục bắt buộc nào đó, cũng hợp tình hợp lý.
Thế nhưng trong văn phòng của trưởng trại giam, chờ đợi anh không chỉ là vị trưởng trại giam mà còn có một viên cảnh sát thuộc tổ chuyên án thành phố.

Trưởng trại giam rất khách sáo với anh, còn tiếp anh bằng trà và tách trà chuyên dùng để tiếp khách nhưng những lời ông ta nói ra lại là thứ Nghiêm Cẩn không muốn nghe.
Ông ta nói: “Đồng chí thuộc tổ chuyên án nói vụ này chưa điều tra rõ ràng được nên có lẽ cậu còn phải ở lại đây một thời gian.

Cậu thiếu gì hay cần gì cứ nói với tổ trưởng, cũng có thể nhờ họ chuyển lời cho tôi.

Nếu muốn đổi sang phòng giam khác cứ nói, chúng tôi sẽ cân nhắc.”
Nghiêm Cẩn nghe thế thì lập tức nổi cơn thịnh nộ, anh đứng phắt dậy.

Miệng đã há ra nhưng lại chẳng thể phát thành tiếng, một lúc sau đành miễn cưỡng ngồi xuống.

Dường như chính ngay trong giây phút cơn giận bùng phát, anh đã kiểm soát được bản thân.

Nghiêm Cẩn nóng tính nhưng không phải hạng lỗ mãng, hơn nữa anh là người rất biết điều, hiểu rằng bản thân vẫn sẽ tiếp tục phải ở lại trong trại giam này nên không thể nào trút cơn giận lên trưởng trạm được.


Anh ngồi thẳng lưng trên sofa, hai tay đặt vào đầu gối, mắt nhìn thẳng phía trước, đúng chuẩn tư thế ngồi của quân nhân.

Hành động kìm nén cơn thất vọng quá lớn khiến anh phải cắn chặt hai hàm răng lại, làm cho khuôn mặt xuất hiện một góc cạnh kỳ lạ.
Viên cảnh sát tổ chuyên án cử tới còn khá trẻ, Nghiêm Cẩn chưa gặp bao giờ.

Từ đầu đến cuối anh ta chỉ im lặng, thấy Nghiêm Cẩn ngồi xuống mới rút ra một phong bì không dán, nói là chuyển tới anh giúp thủ trưởng.
Nghiêm Cẩn cầm lấy phong bì, sờ đủ bốn góc một lượt, khi đã chắc chắn bên trong không có gì ngoài một tờ giấy mỏng, anh mới rút ra.

Trên tờ giấy chỉ vỏn vẹn tám chữ, Nghiêm Cẩn nhận ra đó là nét chữ phóng khoáng của ba mình.
Tám chữ đó là: Tin vào chính phủ, yên tâm hợp tác.
Nghiêm Cẩn nhìn tròng trọc tám chữ đó, nhìn tới nhìn lui thật lâu vẫn chưa hiểu rốt cuộc chúng muốn truyền tải thông điệp gì.

Là bảo anh cứ yên tâm, tin rằng chắc chắn sẽ không có chuyện gì hay muốn cảnh báo anh phải thận trọng mọi bề? Nghiêm Cẩn hiểu hơn ai hết tác phong làm việc của ba.

Mấy chục năm lăn lộn trong quan trường, vài lần chìm nổi, chuyện gì cũng từng gặp, ông sẽ không bao giờ viết một câu vô nghĩa chỉ để thể hiện đạo đức tốt của bản thân mà thôi.

Song, có một chuyện Nghiêm Cẩn dám chắc, đó là đêm nay vẫn phải ở lại trại giam, chắc chắn không ra được.
Nếu bảo trên đường trở về phòng giam anh còn ôm một tia hy vọng cho ngày mai thì khi đã về tới phòng, một viên cảnh sát họ Vương là tổ trưởng ở đây cố ý tới dặn dò vài câu, bảo rằng người nhà anh đã gửi vào thẻ tên anh ba mươi ngàn, dặn anh thiếu gì cứ mua, cần gì cứ nói thẳng với cảnh sát trực ca, trái tim Nghiêm Cẩn lúc này mới như rơi xuống hồ băng lạnh giá, cóng buốt hoàn toàn.

Một lần mà gửi nhiều tiền như vậy, rõ ràng muốn nhắc rằng anh tạm thời sẽ không thể ra khỏi trại giam, ít nhất anh khó lòng thoát khỏi thời hạn giam giữ cao nhất của luật hình sự là bảy ngày.
Đêm thứ hai sau khi vào trại giam, Nghiêm Cẩn gối đầu trên áo khoác của mình, khoác trên người tấm chăn mua trong siêu thị của trại, vẫn mở mắt thao láo thức trắng một đêm.

Nếu trước đây anh đã thề không bao giờ muốn gặp lại những người của tổ chuyên án, thì giờ đây anh lại mong ngóng ngày mai tổ chuyên án sẽ tới thẩm vấn mình, ít nhất có thể cho anh biết tình hình bên ngoài bây giờ như thế nào, chứ không như bị giam trong hồ lô bịt nút như bây giờ.

Có điều này khiến anh thực sự phiền lòng chính là lá thư tay ba anh gửi cho, anh không hiểu, rõ ràng là nghi oan cho mình, vậy tại sao đến cả ba anh cũng không can thiệp được, phải dùng tới một phong thư không đầu không cuối để truyền tin cho con trai? Rốt cuộc bên ngoài đã xảy ra chuyện gì rồi?
Anh cố lấy lại bình tĩnh, cố liên kết những câu hỏi thẩm vấn trong suốt bảy mươi hai giờ trước khi bị tống vào nhà giam, từ từ dùng logic của cảnh sát để tạo thành một manh mối, cuối cùng cũng nghĩ ra một suy luận tương đối liên quan đến những chứng cứ cảnh sát đang nắm giữ.

Đến gần sáng, anh đã hoàn toàn ý thức được bản thân sắp rơi vào một tình thế vô cùng bất lợi.
Nhưng có một điều đến giờ Nghiêm Cẩn vẫn không sao hiểu được, là các bằng chứng của cảnh sát thực ra đều đang được thành lập dựa trên một giả thiết.


Giả thiết đó là Trạm Vũ sau khi vào nhà anh thì không rời khỏi nữa.

Nếu như giả thiết này được chứng minh là không tồn tại thì các chứng cứ liên quan đều không còn đứng vững được nữa.

Sự thật là Trạm Vũ đã rời khỏi đó, nhưng camera ở cửa tiểu khu lại không ghi được hình ảnh cậu rời đi, rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu? Chẳng lẽ Trạm Vũ có thể mọc cánh bay ra ngoài hay cậu có khả năng độn thổ như Tôn Ngộ Không?
Trong đêm hôm nay anh cũng nghĩ đến Quý Hiểu Âu, không biết bệnh cảm của cô đã khỏi hẳn chưa? Nếu biết anh là một trong những nghi phạm sát hại Trạm Vũ, cô sẽ nghĩ thế nào? Liệu có tin anh là người vô tội không?
- -
Quý Hiểu Âu vẫn giận, giận Nghiêm Cẩn đột ngột biến mất không lý do.

Cãi nhau thì cãi nhau, nhưng khi gặp việc gì khó, phản xạ đầu tiên của cô vẫn là tìm tới anh.

Song từ năm ngoái khi hai người cãi nhau qua điện thoại, cô không còn liên lạc được với Nghiêm Cẩn nữa.

Gọi vào điện thoại của anh, mấy ngày liền đều chỉ được thông báo “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.

Cô tức lắm, nghĩ là Nghiêm Cẩn còn giận nên mới cố tình để cô không tìm được mình, nhưng cũng chỉ biết thầm mắng anh trăm lần là đồ nhỏ nhen, định thu xếp xong hậu sự của Trạm Vũ mới tìm anh tính sổ.
Ngày hai mươi sáu tháng Chạp là ngày “Tẩy Phúc Lộc” theo quan niệm dân gian, cũng được chọn là ngày truy điệu và hỏa táng cho Trạm Vũ.

Hai ngày trước, ba Trạm Vũ nhận được thông báo của tổ chuyên án, họ đã nhắm được nghi phạm nên sau hơn một tháng nằm trong nhà xác, cuối cùng Trạm Vũ đã có thể được an táng.
Theo phong tục, người qua đời năm trước phải làm xong xuôi hậu sự trong năm nên dù thời gian có eo hẹp và Quý Hiểu Âu còn đang quay cuồng vì bệnh tật, cô vẫn phải cố nâng cao tinh thần lo liệu khắp nơi: mua áo quan, thuê linh đường, mời dàn nhạc hiếu, mua hũ đựng tro cốt, đặt vòng hoa, thuê xe bus… Cô chưa bao giờ tự lo liệu tang sự, có nằm mơ cũng không nghĩ rằng người Bắc Kinh truyền thống làm tang lễ lại nhiều lễ nghi phiền phức như vậy, tiền cũng bay đi thật nhanh, chưa cộng tiền mua đất an táng, cô đã chi ra tới hơn ba mươi ngàn, thảo nào người ta bảo người hiện đại thậm chí không dám chết.

Dưới áp lực của những công việc liên quan, nỗi đau mất mát nên có cũng phải lùi lại núp sau những thủ tục rườm rà.
Khó khăn gắng gượng đến ngày hai mươi sáu, vừa thức dậy Quý Hiểu Âu đã thấy đầu đau như búa bổ, còn tức ngực đến khó thở như có đá đè vào, thử soi gương thì hai quầng thâm mắt đen thùi lùi như mắt gấu trúc.

Thấy sắc mặt con gái xám xịt, lại ho hắng không ngơi, trước khi đi làm bà Triệu Á Mẫn không quên dặn cô không được đi đâu cả, mau vào viện điện tim xem sao, nếu cần phải truyền nước cho hạ sốt mới được.
Mặc dù luôn miệng vâng dạ nhưng bà Triệu Á Mẫn vừa đi, Quý Hiểu Âu đã lập tức thay đồ, nhanh chóng đi tới nhà tang lễ núi Bát Bảo.

Hôm nay là ngày từ biệt Trạm Vũ, cô không thể không đi.
Quý Hiểu Âu cứ nghĩ người đến lễ tang sẽ không nhiều, tính cả họ hàng và giáo viên bạn bè cũng chưa tới bốn mươi người nên chỉ thuê linh đường cỡ trung.


Trên đường kẹt xe, khi cô tới nhà tang lễ đã muộn hơn dự kiến hai mươi phút.

Vừa bước vào, cô không khỏi giật mình vì cảnh tượng đông đúc bên trong.

Trong căn phòng chỉ có sức chứa năm mươi người, ít nhất khoảng 100 người đang chen chúc, còn xuất hiện không ít các phóng viên mang vác camera, máy ảnh lỉnh kỉnh.
Cô chưa gặp cảnh tượng nào như vậy nên chỉ biết đứng bần thần ở đó, bị người ta va vào không biết bao nhiêu lần.

Khá lâu sau mới định thần lại, cô túm lấy một chàng trai lạ mặt mà hỏi: “Này anh, anh có tới nhầm linh đường không?”
Người đàn ông đó chỉ vào tấm ảnh đen trắng được đặt chính giữa linh đường: “Sao nhầm được? Tới đây vì Trạm Vũ mà.”
“Anh là gì của cậu ấy?”
Gã đó liếc cô từ trên xuống dưới rồi hỏi một câu rất bất lịch sự: “Còn cô là gì?”
“Tôi là chị cậu ấy.”
“Ôi.” Nét mặt gã đàn ông trở nên nghiêm túc hơn một chút, “Xin lỗi, tôi cũng chỉ thấy trên mạng đăng tin hôm nay tổ chức lễ truy điệu nên mới tới tiễn cậu ấy một đoạn.”
Quý Hiểu Âu chỉ vào đám đông phía trước: “Tất cả đều là cộng đồng mạng sao?”
“Chắc vậy.”
“Vậy các phóng viên này sao lại biết tin?”
Người đàn ông liếc cô, “Cô không lên mạng à? Vụ này bây giờ đang nổi đình nổi đám đấy, chắc họ cũng đọc được trên mạng thôi.”
Được nghe lời giải thích, Quý Hiểu Âu không còn thời gian nói chuyện với gã kia nữa, cô ra sức chen vào đám đông mới tìm được cô út của Trạm Vũ – người đứng ra đại diện gia đình hôm nay.

Rõ ràng bà ta cũng rất mơ hồ trước cảnh tượng đông đúc này, giữa mùa đông mà mồ hôi thi nhau chảy, sự ghê gớm thường ngày cũng bay mất phân nửa.
“Tiểu Quý,” Bà ta hoang mang hỏi, “Chuyện gì thế này? Sao mà đông thế?”
Quý Hiểu Âu vỗ vai trấn an bà ta, “Cô cứ mặc kệ họ đi, cứ làm theo những gì chúng ta đã bàn bạc hôm trước, lo liệu mọi chuyện chu toàn.”
Quý Hiểu Âu lúc này không ngờ rằng còn có chuyện bất ngờ hơn nữa đang chờ đợi họ.

Thầy giáo của Trạm Vũ thay mặt nhà trường lên đọc điếu văn.

Mới vừa cầm tờ bản thảo viết sẵn đọc được phần đầu đã bị cắt ngang, cửa linh đường xôn xao, sau đó đám đông tự động nhường lối đi, một người chạy tới nói: “Lãnh đạo thành phố tới thăm viếng! Người nhà đâu? Mau, mau, mau ra đây!”
Ở Bắc Kinh có phong tục người đầu bạc không được tiễn kẻ tóc xanh nên ba mẹ Trạm Vũ không tới nhà tang lễ.

Họ hàng nhà họ Trạm có mặt ở đây chẳng ai đoán được tự nhiên không đâu lại có màn xen ngang này.

Bình thường họ rất mạnh miệng, tự xưng là hiểu rộng biết nhiều nhưng đến khi thực sự gặp chuyện thì ai cũng luống cuống, chỉ biết quay sang nhìn nhau, chẳng ai biết xử lý thế nào, ai cũng tự động lùi lại đằng sau.
Trong tình hình cấp bách lúc này, Quý Hiểu Âu quên mất thân phận của mình, bước ra khỏi vị trí vốn chỉ là một vị khách, cô đẩy cô út của Trạm Vũ lên làm người đại diện gia đình, sắp xếp lại các vị họ hàng khác theo quan hệ thân sơ.


Xong xuôi thì các lãnh đạo bước vào, linh đường vốn trang nghiêm bỗng dưng biến thành hiện trường ghi hình “Thời sự”, cô út của Trạm Vũ ngơ ngác bắt tay họ, vị lãnh đạo đi đầu nắm chặt tay bà, giọng đầy thương tiếc: “Chúng tôi đáng lẽ phải đến sớm, xin lỗi vì đã tới trễ! Xin hãy tin vào chúng tôi, tin vào cảnh sát, nhất định sẽ trung thành với chân tướng, dùng luật pháp làm thước đo, xử lý công liêm, nghiêm trị hung thủ!”
Cô út của Trạm Vũ hôm nay mặc một bộ đồ đen mới tinh, bà sở hữu gương mặt rất ưa nhìn, giờ phút này dưới những ánh đèn flash liên tục chớp lên, nước mắt lưng tròng, bà cũng nắm chặt tay đối phương, giọng cất lên thật dịu dàng, nói năng khéo léo: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn Chính phủ, cảm ơn lãnh đạo đã quan tâm!”, chẳng khác gì biểu hiện của những vị gia quyến bình thản thường xuất hiện trên tivi.
Quý Hiểu Âu lấy làm ngạc nhiên, bây giờ cô mới nhớ trước khi về hưu bà ta nghe nói cũng là cán bộ công đoàn của xưởng sản xuất, thảo nào quen thuộc với mấy lời nói văn vở như vậy, phải vào những thời khắc đặc biệt mới có thể phát huy tốt nhất.
Nhận phong bì thăm viếng từ tay thư ký lãnh đạo, bà càng khóc dữ dội hơn, luôn miệng nói: “Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn chính phủ…”
Quý Hiểu Âu không muốn tiếp tục chứng kiến cảnh tượng giả tạo này nữa.

Cô không hiểu, cho dù chỉ là tình cảm cô cháu bình thường thì sao vừa lọt vào ống kính của truyền thông và chính phủ, bà ta lại có thể giả tạo đến thế? Cô quay lại, nhìn vào ảnh tang cỡ lớn của Trạm Vũ.

Khóe miệng của Trạm Vũ hơi nhếch lên, mang nét cười trào phúng không dễ nhận ra.

Dường như tất cả nghi thức và cảnh tượng diễn ra tại đây hôm nay đều chẳng chút liên quan đến cậu, cậu như đang cười nhạo cảnh nực cười và hoang đường chốn nhân gian vậy.
Các lãnh đạo vừa rời khỏi linh đường, cánh phóng viên cũng bỏ đi quá nửa, có lẽ họ đều đến vì những dòng tít sẽ được đăng lên trang nhất báo sáng mai “Lãnh đạo thành phố quan tâm hỏi thăm gia đình nạn nhân vụ 29/12”.

Họ vừa đi, linh đường trở nên yên tĩnh hơn nhiều.
Cuối cùng cũng tới vòng dâng hương tiễn biệt người quá cố, họ hàng và bạn học của Trạm Vũ tự động đứng thành hai hàng, chầm chậm bước vòng quanh quan tài của cậu.

Sau vòng hương này, Trạm Vũ sẽ bị đưa vào lò thiêu, cậu sẽ tan thành mây khói, từ nay trở đi sẽ âm dương cách biệt với ba mẹ người thân, không còn cơ hội gặp lại nữa.

Tiếng nhạc buồn quẩn quanh linh đường, xen lẫn tiếng khóc nức nở nghẹn ngào.
Quý Hiểu Âu chầm chậm bước đi, nước mắt cứ thế tuôn trào.

Trạm Vũ nằm trong quan tài bằng kính trong, được bao quanh bởi hoa tươi, vải trắng che kín cơ thể cậu.

Quý Hiểu Âu cũng muốn vén tấm vải lên, nói lời từ biệt cuối cùng với cậu nhưng lại bị những câu khuyên nhủ thấm thía của nhân viên nhà tang lễ ngăn lại.

Anh ta nói: “Cô gái, cô cứ nên ghi nhớ dáng vẻ cậu ấy khi sinh thời thôi.

Nếu có linh hồn, cậu ấy cũng chẳng muốn để mọi người trông thấy dáng vẻ của mình bây giờ đâu.” Quý Hiểu Âu rất hiểu những lời anh ta nói, vì vậy cô chỉ khẽ xoa đầu cậu qua tấm vải trắng, cái lạnh lẽo đâm thẳng vào lòng bàn tay cô như những mũi kim nhọn hoắt.
Nhớ lại lần đầu gặp Trạm Vũ, chàng thanh niên xanh xao khiến cô rất đỗi ngạc nhiên trong toa tàu điện ngầm, cậu đã ra đi một cách lạnh lùng như thế, chẳng bao giờ có thể gặp lại nữa, Quý Hiểu Âu dường như nhớ lại ngày bà nội bị hỏa táng, trái tim cô giờ đây đau đớn như những mảnh vỡ thủy tinh, chúng cứa đứt từng dây thần kinh, bỏ vào đó một nỗi đau dai dẳng.

Tuy nhiên, cô cũng biết rằng, dù bây giờ có đau khổ tới mức nào đi nữa cũng chỉ là nỗi đau bên ngoài mà thôi, bởi trong lòng chưa chấp nhận được sự thật rằng người ta đã rời khỏi nhân thế.

Nỗi đau to lớn hơn còn nằm ở ngày tháng về sau, trong một giây phút tình cờ nào đó, bỗng nhớ lại một cảnh tượng nào đó khi cậu còn sống, biết là duyên phận kiếp này đã cạn, thấm được niềm đau kiếp sau cũng chẳng thể trùng phùng mới là lưỡi dao gây đau đớn nhất..


Đọc truyện chữ Full