DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Em Gái Nhà Rimbaud
Chương 18

Bà Rimbaud là một người phụ nữ vô cùng kiên cường.

Bà không có ai để dựa dẫm: chồng bỏ rơi vợ con, anh em trai lại là kẻ bợm rượu vô trách nhiệm, những người gần gũi bên cạnh bà cũng không đáng tin. Mà bà cũng không có thời gian để làm quen làm thân với những người phụ nữ khác, chăm sóc 4 đứa trẻ đã mệt lắm rồi, một mình bà chịu đựng mọi vất vả, cho nên nếu có chuyện lớn nào thì bà không thể tìm được ai để bàn bạc.

Bà chỉ biết bàn bạc với các con, rằng có muốn mở tiệm bách hóa không.

Vấn đề này ban đầu đã được Vitalie và Arthur đồng ý, hơn nữa Vitalie còn nói với anh cả, nhà mà có cửa hàng riêng thì mẹ sẽ không thúc anh ra ngoài tìm việc nữa, anh có thể làm việc trong tiệm nhà mình, đây là chuyện tốt một mũi tên trúng hai đích. Frederic cũng cảm thấy đây là ý kiến hay, thế là không cần mất công vẫn thuyết phục được anh.

Vậy là cả nhà nhanh chóng thông qua nghị quyết mở cửa hàng.

Bà Rimbaud còn phải ở lại làng Roche thu hoạch vụ chiêm, Frederic cũng không đi được, Vitalie xung phong nhận việc, nói có thể cùng Arthur về Charleville, tìm xem chỗ nào cho thuê mặt bằng, rồi nghe ngóng chỗ nhập hàng. Còn về việc muốn bán gì thì chỉ cần tham khảo siêu thị của đời sau là được, chắc quanh đi quẩn lại cũng là nhu yếu phẩm sinh hoạt, tạp hóa dùng thường ngày, rau dưa, trứng, sữa… Khi cửa hàng mở cửa sẽ có người chủ động giao đến tận nơi, mọi chuyện rồi sẽ ổn nếu đi vào quỹ đạo. Siêu thị nhỏ ấy mà, tiền kiếm được không nhiều, đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Arthur lại rất để ý chuyện này, kéo De Laet, dẫn theo Vitalie cùng quay về Charleville.

***

Tìm cửa hàng thì không có, khó ở chỗ tìm vị trí thuận lợi. Nhà ở số 5A phố duyên hà Madeleine là vì hai cậu con trai muốn đi học gần nhà, còn nếu hai đứa đã không đi học nữa thì cứ thế dựa theo ý Vitalie, tìm một nơi gần nhà thầy Pierre. Cửa hàng cũng không nên quá xa chỗ ở, tốt nhất là nhà mới ở ngay trên lầu cửa hàng, nên họ cần tìm một căn nhà lầu đáp ứng được cả điều kiện mở tiệm và sinh hoạt.

Cư dân trong thị trấn nhỏ đã từng cười nhạo cậu con trai thiên tài của nhà Rimbaud biến thành “đứa bé hư”, nhưng bây giờ “đứa bé hư” ấy mặc vào bộ vest bảnh bao, đưa em gái đi thăm quan nhà cửa và cửa hàng. Hai anh em vừa xinh xắn lại khéo ăn khéo nói, thế là mọi người lại một lần nữa cảm thấy Arthur chỉ giở tính trẻ con, muốn làm ra chuyện khác người nên cuối cùng cũng bỏ qua.

Xem xét vị trí của cửa hàng xong thì còn phải xem xét khu vực xung quanh có các cửa hàng cùng loại hay không, rồi kiểm tra số dân cư quanh đó, mức thu nhập và mức tiêu dùng. Dân số ít thì nhu cầu hàng hóa không lớn nhưng chủng loại hàng hóa nên càng nhiều càng tốt, từ bàn chải đánh răng, kem đánh răng đến đồ tươi như trứng gà các kiểu. Mỗi ngày sau khi xem cửa hàng và nhà ở về, Vitalie đều viết một bản tóm tắt, vì sao cửa hàng và nhà ở hôm nay xem lại không phù hợp? Điều kiện cần thiết cần đáp ứng là gì.

Arthur cảm thấy rất hứng thú với sơ kết báo cáo của Vitalie, nhưng anh nghĩ cô đã học được điều đó bên ngoài sau chuyến đi Paris – Dijon. 

Thỉnh thoảng anh vẫn hỏi cô về chuyện của đại úy Rimbaud, có vẻ muốn hiểu nhiều hơn về người cha.

Có lẽ vì thần đồng văn học rất nhạy cảm, muốn biết thêm về cha đẻ của mình là vì bản chất con người muốn biết “Tôi từ đâu đến” chăng? Có thể là thế. Vitalie không có hứng thú với “cha”, nhưng quan sát kỹ từng chi tiết, từ thói quen sinh hoạt cho đến cách suy nghĩ của đại úy Rimbaud, thì có thể nói rõ một điều trung lập nhất, không thiên vị.

Arthur kính trọng cha? Chưa chắc.

Arthur muốn có người cha có trách nhiệm? Hẳn rồi.

Không phải Vitalie không muốn có một người cha có trách nhiệm, cũng không phải chỉ có con trai mới cần sự hướng dẫn của người cha. Chỉ là khi gia đình “không trọn vẹn”, không giống như những gia đình khác có cha và mẹ, không thể bù đắp được vào khuyết điểm thì bạn sẽ nghĩ “Nếu nhà mình không giống như bây giờ, mình sẽ làm gì?”. Đây là một suy nghĩ dựa trên sự không hài lòng với thực tế.

Arthur tức giận khi biết Louis suýt bóp cổ Vitalie – anh biết điều này từ mẹ. Bà Rimbaud phàn nàn với đứa con yêu quý của mình về việc đại úy Rimbaud không đáng tin như thế nào, không những không bảo vệ Vitalie mà trái lại, ông ta gần như để con trai của tình nhân giết con gái của mình. Anh nói với em gái, thằng nhãi Louis chết chắc rồi, sau này anh sẽ đến Marseille để tìm Louis, đánh cho nó một trận nên thân.

Anh cũng nói với em gái là anh muốn ra nước ngoài, nói ngắn gọn là Châu Á hoặc Châu Phi, đến một nơi xa xôi với bầu không khí dị quốc mạnh mẽ. Đối với anh, những đất nước nơi xa có một vị trí rất đặc biệt, đầy kịch tính và cực kỳ quyến rũ.

Cần gì cho một chuyến đi dài? tất nhiên thứ quan trọng nhất là tiền rồi.

Lợi nhuận của siêu thị nhỏ không thể đáp ứng được nhu cầu của Arthur, anh không có bằng tốt nghiệp trung học thì không thể tìm được việc làm, đã không tìm được việc thì sao có thể kiếm tiền cho bản thân. Vitalie đã không do dự chỉ ra vấn đề này.

Chủ đề trở lại “tiền”.

Nhưng làm thế nào để kiếm tiền, Arthur vẫn cứ ngay ngáy chuyện này.

***

Vitalie cũng đang cân nhắc vấn đề ấy, đối với cô siêu thị nhỏ chỉ là giai đoạn sơ cấp, có thể đảm bảo sinh hoạt phí. “Ngựa không cỏ tối béo sao nổi”, muốn kiếm tiền thì phải dựa vào những thứ khác.

Ngành xây dựng đang bùng nổ ở Charleville và Mezieres, nhưng tốt nhất đừng tham gia vào ngành này nếu không có kinh nghiệm; ngành cung cấp dịch vụ ăn uống khác cũng thế, đại chúng đã bắt đầu hiểu được “thương hiệu”, các tiệm bánh cũng vậy, tất cả tiệm bánh ở Charleville đều đã tồn tại mấy thế hệ, bà Rimbaud cũng chỉ là tự học làm bánh ở nhà chứ chưa bao giờ học chuyên môn, thế nên muốn cạnh tranh với những tiệm khác thì rất khó;

Hiệu sách? Cũng phù hợp với Arthur đấy, nhưng dân cư ở thành phố nhỏ rất ít, nhu cầu sách không lớn. Trong thành phố đã có hai hiệu sách rồi, nếu giờ mở thêm một hiệu sách, chắc hẳn lợi nhuận sẽ không được tốt; không như siêu thị nhỏ, hàng tiêu dùng thì luôn luôn mua, gia đình nào cũng cần;

Rồi còn rất nhiều công việc yêu cầu tay nghề kỹ thuật, gia đình Rimbaud không làm được.

Arthur vô cùng thất vọng. “Thật sự không có cách nào được để kiếm tiền à?”

“Có,” Vitalie bình tĩnh nói, “Cướp ngân hàng.”

Cả Arthur và De Laet đều trừng mắt nhìn cô.

“Sao? Cướp ngân hàng là cách kiếm tiền nhanh chóng và có lợi còn gì.” Cô nghiêm túc đề nghị, “Cân nhắc thử xem.”

Cả hai chàng trai thị trấn nhỏ nhìn cô với ánh mắt “em đúng là đứa có tham vọng”, không xem là thật.

Vitalie mỉm cười, “Hoặc, anh có thể cân nhắc đến việc viết tiểu thuyết.”

“Viết tiểu thuyết?” Arthur nghi ngờ nhìn cô.

“Victor Hugo.” Cô đưa ra một ví dụ đơn giản. Hugo vừa là thi nhân vừa là tiểu thuyết gia, là hình mẫu của danh vọng và tài sản.

Arthur trầm ngâm, De Laet cũng trầm ngâm.

Tất nhiên mọi người đều đã nghe nói đến vị đại lão này, Vitalie lấy Hugo làm ví dụ, điều đó đã khiến Arthur sốc: Thì ra em gái lại coi trọng mình đến vậy!

Chàng trai rất tự tin vào tài năng của mình, nhưng “tự tin” vẫn cần người khác tán thành mới được, đây là một loại “tự nhận định có được nhờ sự khẳng định của người khác”, cho nên anh mới viết thư gửi đến một số nhà thơ có tên tuổi, đính kèm thơ mình sáng tác, tất nhiên mục đích là để được người khác công nhận, Arthur là một nhà thơ xuất sắc, chưa chắc đã là một nhà văn tiểu thuyết xuất sắc, nhưng chuyện tài năng thiên phú mà,, nếu anh chịu viết tiểu thuyết thì ắt sẽ viết rất hay.

Về phần Arthur Rimbaud, anh lại không nghĩ đến chuyện có thể kiếm tiền từ việc viết tiểu thuyết, hơn nữa anh không bao giờ tự nhận mình là “không được”.

Đây có thể là một ý kiến ​​hay.

Vitalie tiếp tục thuyết phục, “Byron có thể sống tốt chỉ nhờ xuất bản một tập thơ. Mà dân số Pháp lớn hơn nhiều so với dân số Anh đấy! Anh thử nghĩ xem, nếu anh trở thành một nhà văn nổi tiếng thì chắc chắn anh sẽ được sống ở nước ngoài mấy năm, rồi sẽ có người tranh nhau để đài thọ cho anh!”

Cảnh tưởng tượng này khiến Arthur thích thú, “Thật không?”

“Chắc chắn rồi!” Vitalie gật đầu cái rụp, “Em đã nhờ người hỏi Paul Verlaine ở Charleville rồi, anh rất thích thơ của ông ta đúng không?”

Arthur gật đầu, “Thơ ông ấy viết cũng được.”

“Bây giờ ông ta đã nổi tiếng Paris, cưới một cô gái giàu có và sống trong nhà vợ.”

Arthur nghĩ mà buồn cười. “Ông ta không thể nuôi vợ và bản thân mình à?”

“Em không quan tâm đến khả năng kiếm tiền của ông ta. Anh có để ý không? Đối với những nhà thơ đã thành danh hoặc bắt đầu trở nên nổi tiếng, ‘tiền bạc’ không phải là vấn đề to tát. Em còn nghe nói, trong cung điện, là cung điện của Napoleon, có rất nhiều nhà văn nổi tiếng. Hoàng đế và hoàng hậu mời họ đến dự tiệc trong cung điện, lại còn dẫn họ theo khi đi săn, bọn họ còn được cung điện trợ cấp đó!”

Cả Arthur và De Laet đều mở to mắt, thể hiện sự kinh ngạc, “Sao em biết?”

“Những người giàu ở Paris đều thích khoe về dịp trọng đại được tháp tùng gia đình hoàng gia. Anh có biết hoàng đế chi bao nhiêu franc một năm không?”

Cả hai chàng trai đều lắc đầu.

“2500 vạn.”

Hai chàng trai tròn mắt ngạc nhiên: 2500 franc đã là một số tiền quá lớn đối với họ rồi, thế mà đằng sau lại còn thêm vào mấy con số 0! Con số này thật là khổng lồ! Nhiều vô kể!

“Ông ta thật sự tiêu nhiều tiền như vậy trong một năm sao!” Arthur kinh ngạc, “Thế thì, ông ta là hoàng đế cực kỳ tội lỗi!”

“Em còn tưởng anh rất ngưỡng mộ hoàng đế.”

“Ngưỡng mộ?” Arthur làm vẻ mặt khinh thường cùng bất mãn. “Đó là trước đây! Trước đây ai mà không sùng bái hoàng đế, nhưng là bây giờ!”

“Anh cũng đã viết thư cho hoàng tử còn gì.”

“Hoàng tử có thể là chàng trai tốt, nhưng cậu ta* là con trai của tội nhân, anh không thích cậu ta nữa!”

(*Theo dòng thời gian lịch sử và mạch truyện thì hoàng tử lúc này là Napoleon Prince Imperial, con trai của Napoleon Đệ tam, ông chào đời sau Arthur Rimbaud 2 năm.)

“Là bởi vì hoàng đế phát động chiến tranh*?”

(*Napoleon Đệ tam đã tuyên chiến rất nhiều lần trong lúc tại vị, cụ thể ở đây là tuyên chiến với Phổ và bị thua tại trận Sedan năm 1871, bối cảnh ở đầu truyện.)

“Chiến tranh thật khủng khiếp.” De Laet nói: “Có chiến tranh là chết chóc.”

Mezieres gần như bị phá hủy bởi hỏa lực pháo binh, đồng thời cũng lưu lại những tàn tích nhà lầu ở Charleville – nơi gần Mezieres. Thậm chí, thỉnh thoảng người ta vẫn có thể nhìn thấy binh lính Phổ ở hai thành phố nhỏ này. 

Mà quốc gia Phổ – à, bây giờ hẳn nên gọi là Đức* – các quận quân sự, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thanh toán mọi chi phí của quân đội Đức đóng tại đó: doanh trại, các chi phí bảo trì, lương thực quân đội, phụ cấp quân đội. Điều này tất nhiên đã gây áp lực lên tài chính địa phương.

(*Vương quốc Phổ thống trị miền bắc nước Đức về mặt chính trị, kinh tế, và dân số, và là trụ cột của Liên minh Bắc Đức thành lập vào năm 1867, trở thành Đế chế Đức (Deutsches Reich) vào năm 1871.)

Đọc truyện chữ Full