DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Ngoài Thềm Ai Hát Mưa Bay
Chương 85: Nguy cấp

Trời bắt đầu lạnh, máy sưởi trong nhà được mở hết công suốt. Trong căn phòng của người già đang bệnh, tất nhiên lại càng ấm áp hơn. Dù mới vào đông nhưng trên giường bà nội đã có một chiếc chăn lông rất dày. Bà vùi mình trong chăn, im lặng lim dim. Mái tóc bạc xõa trên gối mềm, trông xa tựa như dòng nước suối trắng xóa.

Lâm Khanh nhẹ nhàng mở cửa đi vào, trên tay cầm theo chén thuốc bắc và đĩa hoa quả tươi. Bà nội Gia Văn rất thính ngủ, chỉ tiếng động nhẹ cũng khiến người đang say giấc thình lình mở mắt. Nhìn lên đồng hồ, thấy vừa đến giờ uống thuốc, bà cũng tự mình chống tay ngồi lên. Lâm Khanh đem bát thuốc sắc còn nóng hổi đến đặt bên giường bà, ân cần lên tiếng.

"Bà dậy rồi, vừa hay đến lúc uống thuốc. Các bác nói bà không thích thuốc Tây nên đã cất công đi tìm thầy lang nổi tiếng mua thuốc sắc cho bà đây. Bà gắng uống một chút, như vậy mới mau khỏi. Bà phải khỏe lại nhanh lên! Mấy hôm nay Gia Văn vì lo lắng mà đã thức trắng đêm."


Bà nội Gia Văn mỉm cười, đáp.

"Cháu thật biết cách an ủi người già. Nếu Gia Văn được khôn khéo như cháu, bà cũng yên tâm. Khổ nỗi, bà cũng biết mình già rồi, nói thẳng ra thì cũng là gánh nặng cho con cháu. Gia Văn không ở bên bà nhiều, dù sao cũng có nhiều cái vướng mắc. Vợ chồng anh nó thường xuyên bị bà trách mắng nên cũng không thích bà."

"Bà, bà đừng nghĩ vậy, mọi người..."

"Bà hiểu mà. Nếu không thì tại sao mấy hôm nay sang thăm bà, đứa cháu dâu đó luôn có vẻ mặt không vui?"

Bà nội nhỏ nhẹ nói, nâng chén thuốc lên nhấp một ngụm. Thuốc rất đắng, lại còn nóng bỏng. Bà chỉ uống một ngụm nhỏ đã khẽ cau mày. Lâm Khanh thở dài vuốt lưng cho bà, cầm lấy con dao bắt đầu cắt gọt mấy thứ quả ngọt trên bàn. Một đĩa quả nho nhỏ ngon mắt, đầy đặn, miếng nào miếng nấy đều như một đã hiện ra. Lâm Khanh cẩn thận đỡ lấy chén thuốc trên tay bà, nói.


"Bà uống hết thuốc, sau đó ăn chút hoa quả, như vậy sẽ thấy ngon miệng hơn. Gia Văn lên chợ cùng bác hai mua một ít đồ rồi, chắc cũng là muốn đi kiếm thuốc cho bà luôn. Bà yên tâm, đợi tối đến, cháu sẽ bảo em ấy sang thăm bà."

Bà nội gật đầu, lẩm bẩm.

"Đúng rồi, Gia Văn...Đứa cháu trai nhỏ ấy, cả các bác gái lẫn chị dâu bao lâu nay đều không thích nó."

Lâm Khanh ngây người, yên lặng để bà chìm trong dòng suy nghĩ mênh mang. Khi chăm chú quan sát một hồi anh bỗng nhận ra điều gì đó không đúng. Bà dù bệnh nặng như vậy nhưng thần trí vẫn rất minh mẫn. Người già ốm yếu, hai má thường hóp lại, trên mặt xuất hiện những khoảng tím xanh, nhưng sắc mặt bà bây giờ thoạt nhìn vẫn hồng hào trắng trẻo. Màu da rất đều, môi có sắc đỏ, không có bao nhiêu dáng vẻ của một người già bệnh nặng sắp nguy kịch. Dù vậy, nhưng anh không tiện hỏi, chỉ có thể coi như mình không biết mà cho qua. Khi nghe bà nói đến Gia Văn, suy nghĩ của anh cũng lập tức bẻ sang một hướng khác.


"Bà đừng lo! Gia Văn rất rộng lượng, cũng rất vô tư. Tính cách em ấy hào phóng như vậy, chắc chắn sẽ không so đo những chuyện kia. Chỉ là..."

"Bà biết. Gia đình cũng như xã hội. Bà vì không được ở gần thằng bé nên luôn muốn thiên vị nó hơn. Chỉ hiềm nhiều khi dâu con cũng là người ngoài về ở chung. Cái tình cảm thân thiết như ruột thịt, không phải cứ muốn là sẽ có được."

Lâm Khanh thở dài, mở nắp hộp sữa bột pha một cốc sữa ấm cho bà nội của Gia Văn. Bà vừa uống xong chén thuốc, ăn vài miếng quả, sau đó uống thêm một cốc sữa cũng coi như là bụng ấm dạ êm. Lâm Khanh nhìn động tác chậm rãi của bà, trong lòng có chút mông lung. Bằng giọng dè dặt, anh khẽ hỏi.

"Bà ạ, cháu vẫn không hiểu, tại sao bà lại kể chuyện này cho cháu nghe?"

Bà nội ngẩng lên nhìn anh, chiếc thìa kim loại gõ nhẹ lên thành cốc. Bà nghiêng ánh mắt nhìn, trìu mến đáp.
"Cháu cũng đã đứng tuổi, suy nghĩ cũng chín chắn, chẳng lẽ không hiểu hay sao. Tình cảm của cháu với thằng bé thế nào, bà cũng đã nhìn ra. Dù vậy, chắc cháu cũng hiểu được câu mưa dầm thấm đất. Để mọi thứ hoàn toàn như ý, cần phải có thời gian. Chắc cháu cũng hiểu được sự có mặt của cháu sẽ gây ra sự xáo trộn trong gia đình này. Để có thể vượt qua tất cả, cái cần thiết nhất chính là kiên nhẫn, nín nhịn. Cái bà mong mỏi nhất chính là như vậy. Tính tính Gia Văn như con ngựa bất kham. Dù bây giờ đã điềm tĩnh đi nhiều, vẫn cần có người ở cạnh cầm cương để kìm chế nó lại."

Lâm Khanh đưa tay lên che miệng, tia sáng hình ngôi sao trong đôi mắt xoay chuyển như con thoi. Những lời này, nếu nghĩ lạc quan một chút chính là ngầm mở ra cho anh một cánh cửa chính thức bước chân vào dòng họ của Gia Văn. Bà nội nói vậy, không những dặn anh phải nín nhịn, thay cậu giảng hòa với họ hàng mà còn như đang dặn anh phải luôn luôn bình tĩnh để làm chỗ dựa cho cậu về sau. Một người phụ nữ trạc 90 tuổi có thể nói như vậy với người đàn ông là người yêu của cháu trai mình, đủ hiểu bà đã suy nghĩ, đấu tranh nhiều như thế nào.
"Bà..."

"Bà hiểu cháu đang nghĩ gì. Thực lòng mà nói, nếu được ước, bà sẽ không ước rằng tương lai của Gia Văn là như vậy. Nhưng vì người nó thích là cháu, là ông trời ấn định duyên số cho nên người thường như bà cũng chỉ biết làm theo. Bà chỉ có một ước mong rằng thằng bé hạnh phúc. Hy vọng cháu cũng như vậy, sẽ luôn vì nó mà không nề hà bất cứ việc gì."

Bà hơi ngừng lại, đôi mắt long lanh nói.

"Lâm Khanh ạ, sắp tới sẽ còn có chuyện cần nhờ đến cháu. Việc này, dù bà không nói ra, nhưng bà tin cháu hiểu và chắc chắn sẽ làm tốt."

Lâm Khanh gật đầu, cổ họng lập tức nghẹn đi. Anh xúc động đến lặng người, ngơ ngẩn nhìn theo động tác bà nội từ từ uống hết cốc sữa mình pha. Sau khi lau miệng, bà kiếm cớ đuổi anh ra ngoài, trước lúc khuất bóng, đôi môi ấy vẫn nhàn nhạt vẽ nên một nụ cười dịu dàng với anh. Lâm Khanh cầm cốc đi ra ngoài, trong lòng ôm theo rất nhiều suy nghĩ, không để ý có bóng người đang từ sau vách cửa dõi mắt theo anh.
Người kia nắm tay nghiến răng, móng tay cắm vào da thịt tạo nên những vệt đỏ kì quái.

-------------------------

Nhiều ngày sau đó, vì bà nội không muốn ra viện nên ông cả đích thân mời bác sĩ lớn ở trên thành phố về. Dù vậy, mỗi lần bác sĩ khám, bà đều đòi khám riêng, không cho phép ai vào theo. Mọi người nghĩ bà lớn tuổi khó tính nên cũng không ai nói gì. Bác sĩ nhiều ngày không chẩn ra được bệnh chính xác, chỉ nói là do bà đã lớn tuổi, thời tiết thất thường nên bệnh người già cũng kéo về theo như tằm ăn dâu. Bác sĩ kê thuốc, phần nhiều là thuốc bổ. Ông cả ông hai vì lo cho mẹ nên cũng không dám yêu cầu thêm thuốc đặc trị hay kháng sinh. Bà nội luôn thích thuốc lá sắc hơn nên hai ông cũng thay nhau đi kiếm thầy lang giỏi mà mua về.

Gia Văn và Lâm Khanh đều nhìn ra mọi thứ không ổn nhưng lại chẳng biết góp ý ra sao. Thời gian trôi mau, chẳng mấy chốc đã vào đến thời kì đại hàn của mùa đông giá.
Trời trở rét đậm, thân thể người già càng như chiếc lá đầu cành mùa thu. Dù sức khỏe bà nội không có gì diễn biến quá xấu nhưng hết thảy vẫn đủ khiến cả gia đình lo lắng không yên. Suốt một tuần nay, ngày nào ông Lâm cũng gọi điện cho Gia Văn và Lâm Khanh, thông qua hai người mà liên lạc với gia đình dưới đó.

Nhờ có lời dặn của cha nên mấy ngày nay Gia Văn và Lâm Khanh đều thay phiên túc trực bên giường bà nội. Không những người khác cảm động mà Gia Văn cũng thấy cảm động trước cách đối xử của Lâm Khanh. Nhiều ngày qua, anh dần có tình cảm với bà cụ. Hơn nữa, cũng vì tương lai của hai người mà dốc lòng chăm sóc bà như ruột thịt. Từ nấu cháo cho đến sắc thuốc, Lâm Khanh đều lo rất chu đáo. Thậm chí, bà nội còn hài lòng với anh hơn cả cháu dâu và hai đứa con dâu.
Điều này, thực ra cũng không hẳn là tốt. Vốn sẵn có hiềm khích sẵn với Gia Văn, đã vài lần mọi người nhìn nhau cau mày nặng mặt. Nếu không phải Lâm Khanh gàn lại, không biết chừng Gia Văn đã vì ngứa mắt nhức tai mà lao vào đôi co với bọn họ.

Ngày hôm ấy, như thường lệ, Lâm Khanh cùng Gia Văn nấu cháo mang lên mời bà nội cậu. Gần đây, bà kêu thân thể mệt mỏi nên đã hoàn toàn không ra khỏi giường suốt mấy hôm. Ăn uống, giặt giũ đều do một tay con cháu lo liệu. Thường thường buổi sáng, Lâm Khanh sẽ dậy sớm nấu cháo cho bà ăn. Đã vài ngày nay, ngoài sữa và cháo nóng anh làm, bà cụ gần như không thể nuốt trôi bất cứ thứ gì.

Lâm Khanh bưng tô cháo nóng đi đến trước cửa, Gia Văn ở sau chống gậy đi tới, giúp mở ổ khóa cho anh. Khi bước vào trong, cả hai đều nhận ra khung cảnh yên ắng rất khác lạ, cái ấm áp trong phòng mọi khi, hôm nay tựa như không còn át nổi khí lạnh mùa đông. Lâm Khanh đặt tô cháo xuống, đi đến bên giường, liền nhận ra bà nội đang nằm cuộn mình trong chăn. Tấm thân già yếu của bà hơi run rẩy, chăn đắp trên người cũng có vẻ nhàu nhĩ, lộn xộn. Bà hôm nay không ngồi sẵn trên giường đợi bọn họ như mọi ngày mà lúc này lại đang nằm quay lưng về phía họ. Thân thể gầy gò của bà vùi sâu trong chăn bông. Bà dường như đang không ngủ, nhưng cũng không lên tiếng gì trước sự xuất hiện của họ. Khi Lâm Khanh vươn tay tới, rụt rè chạm lên bờ vai mỏng gầy, bà mới quay ra, nhăn mặt nói.
"Nhanh, nhanh lên...."

Lâm Khanh hoảng hốt ngồi xuống trên giường, lập tức cố gắng trấn tĩnh mà phất tay ra hiệu với Gia Văn.

"Gia Văn, em lại đây! Bà em hình như có chuyện rồi."

"Sao, anh..."

"Đừng có đứng đực ra đấy nữa! Lại đây đi!"

Gia Văn cuống cuồng tập tễnh đi đến chỗ Lâm Khanh. Lúc này, anh đang nhẹ nhàng đỡ đầu bà lên, cả hai đến giờ mới nhìn rõ bà đang ôm người rêи ɾỉ, mặt mày dường như vì đau đớn mà trở nên vặn vẹo nhăn nhó. Gia Văn vừa thương vừa hoảng, vội vàng lục tìm mãi mà chẳng thấy điện thoại đâu. Lâm Khanh nhìn thấy cảnh đó vội lên tiếng, một tay lấy dầu xoa ấm tay chân bà, một tay vẫn phân phó nhiệm vụ cho Gia Văn.

"Gia Văn, máy ở trong túi anh. Em lấy ra gọi xe nhanh lên, sợ muộn một chút là sẽ không kịp mất. Nhanh lên! Để xe cứu thương đến rồi nói tiếp. Bác cả bác hai đi vắng, mấy bác và anh chị em vẫn đang ở bên nhà. Đến lúc đó chúng ta sẽ nói với họ sau."
"Vă...Văn,...bà đau...đau."

"Bà ơi, bà gắng chịu một chút! Để cháu xoa cho bà. Xe sẽ đến nhanh thôi."

Lâm Khanh vừa thúc giục Gia Văn, một bên vẫn nhẹ giọng an ủi. Chẳng mấy chốc, xe cứu thương đã đến nơi. Ngày hôm ấy, cư dân trong xóm nhỏ bị một phen tiếng còi inh ỏi dọa cho giật mình. Mấy bác gái của Gia Văn cho đến lúc ấy mới biết mẹ chồng mình bị làm sao. Khi tất cả lập cập lên đến nơi, đã thấy Lâm Khanh đang bế thốc bà Gia Văn ra khỏi phòng. Vì chân tay Gia Văn bị thương nên đích thân anh quấn bà trong chăn ấm, bế bà đi từ tầng ba cho đến lúc ngồi trên xe cấp cứu. Lâm Khanh thư sinh khi ấy bỗng trở nên cực kì sức vóc. Bàn tay suốt quá trình không hề có một chút run rẩy trực buông. Khung cảnh khiến cho mấy người bác dâu lẫn chị dâu của Gia Văn đều cảm thấy hổ thẹn, tuy vậy vì chỉ còn anh là đàn ông duy nhất đang ở trong nhà có thể làm việc này nên cũng không thể phản đối nổi một câu.
Bà nội đau đến nhíu mày, lúc này đã không còn sức để lên tiếng. Lâm Khanh đặt bà lên xe rồi, cũng tự biết mình đang làm cho người ta ngứa mắt nên đã nhường cho Gia Văn và mấy bác dâu theo bà ra viện. Bản thân anh ở lại thu dọn đồ đạc, thông báo cho hai ông lớn rồi cùng với chị dâu của cậu ra sau. Chẳng bao lâu sau khi ông cả ông hai trở về liền không nói không rằng mà khóa hết cửa nhà lại, thu xếp tiền bạc rồi lập tức lái xe ra bệnh viện huyện. Lâm Khanh và con dâu ông cả cũng đi theo. Trước đó, Lâm Khanh đã kịp nhấc máy thông báo cho ông Lâm. Người con trai nghe tin mẹ mình nguy kịch, lập tức dặn dò anh rất kĩ lưỡng, sau đó hẹn rằng đúng hai hôm sau sẽ nhanh chóng có mặt dưới quê. Nếu bệnh nặng đến mức phải đưa lên bệnh viện tuyến trên, bản thân ông cũng sẽ đích thân đưa lên cùng.
Ngày hôm ấy đối với Lâm Khanh là một ngày bận rộn và gấp gáp hơn bao giờ hết.

End chap 85

Đọc truyện chữ Full