DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Ngắm Tận Non Sông
Chương 32: Sông máu

Mùng 3 tháng mười hai năm Vĩnh An thứ năm.
Lá quân kỳ đỏ thẫm phập phồng giữa hẻm núi trắng xóa, rực rỡ chói mắt. Binh sĩ đứng đầu hàng nâng cao quân kỳ, mặc trọng giáp màu bạc, chỉ để lộ cặp mắt tối tăm.
Sau lưng hắn là một đội quân mặc trụ giáp xếp hàng ngay ngắn, chậm rãi di chuyển qua hẻm núi. Đây là một nhánh của đại quân gồm năm vạn người, tất cả đều là các thiếu niên trẻ tuổi đến từ cấm quân. Người cầm quân là thống lĩnh Vũ Lâm vệ Trần ngôn. Lần này lão phục mệnh làm Chinh Tây đại tướng quân, đến An Dương ngăn cản quân Yến Ngu xâm lược. Trần gia làm tướng nhiều đời, mang binh nhiều thế hệ, xưa nay đều có tính tình trầm ổn. Lúc này, lão đang dừng ngựa, nhìn qua sườn núi phía xa.
Đã nhiều ngày tuyết lớn liên tục. Gió bắc không ngừng mang theo bông tuyết hỗn loạn ùa vào mặt, vừa lạnh vừa đau rát. Đám thanh niên sống lâu ở Kiến An hoa lệ, chưa từng chịu khổ, kêu oai oái không ngừng, co đầu rụt cổ, không có chút khí thế nào.
Một con tuấn mã màu đen ở cuối đoàn bỗng vượt lên đoàn quân đang thong thả bước, chạy tới đầu hàng, đi song song với binh lính cầm cờ. Người cưỡi ngựa đen bật cười một tiếng dưới tấm mũ giáp, hỏi, "Sao, có muốn đổi chỗ với ta một lúc không? Vị trí kia của ta thoải mái hơn nhiều đấy."
Đây vẫn là lần đầu Vệ Trường Hiên trò chuyện với Trần Thiệu kể từ lúc lên đường. Chàng được phân ngay nhiệm vụ cầm cờ tiên phong, lúc này hai tay đã lạnh cóng, không còn cảm giác gì. Còn Trần Thiệu thì không biết được giao cho nhiệm vụ gì. Chàng tò mò hỏi, "Huynh đi cuối hàng làm gì thế?"
Trần Thiệu cười, vỗ bội kiếm bên hông, "Phụng mệnh cầm kiếm áp trận."
Trong quân bao giờ cũng có một người tiên phong cầm cờ và một người đi cuối hàng cầm kiếm, hễ có ai bỏ trốn là chém không tha. Vệ Trường Hiên nghĩ ngợi, cười khổ, "Hình như đúng là thoải mái hơn so với ta một chút."
"Lần này chúng ta hành quân chậm quá." Trần Thiệu ngừng đùa cợt, nghiêm sắc mặt, "Đại quân Yến Ngu đã vây công An Dương hơn một tháng. Nếu chúng ta còn không nhanh chân lên thì sẽ lỡ mất quân cơ."
Vệ Trường Hiên cũng căng thẳng gật đầu, do dự nói, "Ta thấy hình như tướng quân không nhiệt tình lắm, cho đến giờ vẫn chưa hạ lệnh tăng tốc độ. Ta còn tưởng trước nay đều như thế."
Trần Thiệu nhíu mày, "Thúc thúc trị quân rất nghiêm, đây là lần đầu thả lỏng như vậy, không giống tính ông ấy. Ta nghi ngờ.....có nguyên nhân gì khác ông ấy mới làm vậy."
"Nhưng biên quan gặp nguy cấp, lỡ như Uất Trì tướng quân không chống đỡ nổi, để mất An Dương thì chẳng phải chuyện lớn hay sao?" Vệ Trường Hiên lộ vẻ sầu lo.
Trần Thiệu thở dài, "Cũng chẳng có cách nào. Chúng ta ở trong quân, chỉ có thể làm theo quân lệnh." Hắn ngửa đầu nhìn trời, "Nhưng nhìn bản đồ hành quân thì nhiều lắm là năm ngày nữa sẽ đến được An Dương."
Vệ Trường Hiên gật đầu. Chàng đổi tay, nâng cao lá cờ, dùng chân giục Liệt Phong bước nhanh hơn.
Nhánh quân này phần lớn là bộ binh nhẹ. Có hơn một ngàn kị binh nhẹ và vạn bộ binh nặng đang ở doanh trại quân nhu đằng sau để áp trận. Hành trình không quá nhanh, từ Kiến An đến An Dương mà mất hơn một tháng. Nếu là lúc trước thì còn hiểu được, nhưng trong thời chiến thì nhất định là cố ý kéo dài.
Hai ngày như thế tiếp tục trôi qua, một con sông nước đục ngầu xuất hiện trước mắt. Trần Ngôn chỉ về phía con sông đằng xa, quay đầu nói với các cấm quân trẻ tuổi, "Đó là sông Vô Định. Qua sông là đến được An Dương."
Vệ Trường Hiên hốt hoảng, cảm thấy tên sông có chút quen thuộc, hình như từng nhìn thấy trên bảng chữ mẫu mà Dương Diễm tiện tay viết ra. Đó là một câu thơ mãnh liệt nhưng đầu ai oán : Thề quét Hung Nô chẳng tiếc thân, chết vùi trong cát mấy nghìn quân, Nắm xương Vô Định bên sông lạnh, người ở trong mơ vẫn nhắc thầm. (Bài Lũng Tây hành kỳ 2 của Trần Đào) Nhớ đến câu thơ này, chàng lại thấy bối rối trong lòng, vội lắc đầu, xua đi tạp niệm.
Khi đại quân đến gần bờ sông, hóa ra nước sông không chỉ đục ngầu do bùn đất mà còn lẫn màu đỏ thẫm. Vệ Trường Hiên nâng mắt, cưỡi ngựa về phía trước mấy bước men theo bờ sông, thấy màu đỏ càng lúc càng đậm, cuối cùng lan khắp mặt sông. Nước sông đỏ thâm dập dềnh chảy, nhìn cũng đau con mắt.
Trái tim Vệ Trường Hiên đập dữ dội. Sau lưng chàng có người nói chuyện, lại hô lớn gì đó, nhưng chàng không nghe thấy, chỉ giục Liệt Phong chạy tới như bay, đến tận khúc ngoặt của bãi sông.
Rất nhiều năm sau, chàng vẫn không thể quên cảnh tượng mình thấy khi ấy. Hàng trăm hàng ngàn thi thể chồng chất tại một khúc sông hẹp. Máu dưới thân họ chảy ồ ồ, hòa vào làn nước, nhuộm đỏ một dòng.
"Đây là thi thể của các chiến sĩ tử trận, theo nước sông ở thượng du chảy về đây, đến khúc ngoặt thì mắc kẹt, chồng chất ở đó." Không biết Trần Thiệu đã đi theo chàng từ lúc nào, thì thầm nói phía sau, "Vệ Trường Hiên, huynh ngửi thấy mùi máu tươi nồng nặc kia không? Cho đến giờ ta mới cảm thấy mình thật sự sắp ra chiến trường rồi."
Nhìn thấy đồng loạt nhiều xác chết như vậy, đám thiếu niên trẻ tuổi thoạt trông oai hùng, bỗng nhiên xanh mét mặt mày, tay cầm trường thương cũng run rẩy. Thậm chí có người từ chối băng qua sông Vô Định, cứ như thể đó là sông Hoàng Tuyền.
Phía sau bọn họ, đại tướng quân Trần Ngôn nghiêm sắc mặt. Lão nhìn chằm chằm dòng sông máu phía trước thật lâu, thấp giọng thở dài, "Với đám công khanh vương hầu trong thành Kiến An thì trận chiến này cùng lắm chỉ ảnh hưởng đến chuyện buôn quan bán tước của bọn họ, chứ không biết tướng sĩ ngoài kia phải trả giá bao nhiêu. Máu chảy thành sông, xương chất thành núi.
Lời cảm thán ấy chỉ lầu bầu trong miệng. Lão thấy quá nhiều cảnh tương tự trên chiến trường rồi, lòng không mấy gợn sóng. Cuối cùng, lão nhướn mi, ý nhắc truyền quân lệnh, "Qua sông."
Mùng tám tháng mười hai, tại Vân Hạp quan.
Vân Hạp quan là nơi có địa hình sông nước hiểm trở, là môn hộ An Dương. Còn chưa đến được dưới chân Vân Hạp quan, nhiều người đã bị cửa khẩu này làm cho kinh hãi. Hai cánh cửa lớn kẹp ngay giữa vách núi, nước sông uốn lượn chảy quanh, cứ như nối liền trời đất.
Người đến nghênh đón cũng không quả tướng quân trấn thủ nơi này Uất Trì Hiền mà là con trai lão, Uất Trì Phong. Vị thiếu tướng quân trẻ tuổi gương mặt đầy bụi đất, thoạt nhìn có chút mệt mỏi, vội hành lễ với Trần Ngôn, "Thân phụ còn đang bận chỉ huy kháng địch ngoài tiền tuyến, xin Trần tướng quân dẫn binh đến doanh trại đợi. Sau khi thu binh, mời tướng quân đến chủ trướng cùng bàn bạc chiến sự."
Trần Ngôn cũng không khách sáo, chỉ gật đầu, "Vậy cũng được. Binh sĩ của ta đã hành quân nhiều ngày, đang cần chỉnh đốn lại."
Uất Trì Phong còn trẻ, không giỏi che giấu thái độ. Hắn nhìn lướt quan đám binh sĩ cấm quân co đầu rụt cổ vì lạnh, trong mắt lộ vẻ khinh thường, chỉ lạnh lùng nói, "Đã lâu không công phá được Vân Hạp quan, Khả Hãn Yến Ngu rất tức giận, mấy ngày nữa sẽ gửi thêm binh mã tới. Thế địch hung mãnh, chư vị mới từ Trung Nguyên đến đây, chắc sẽ hoảng sợ. Nếu không ngại thì ở trong doanh trại mấy ngày để chỉnh đốn."
Trần Thiệu ít kiên nhẫn, tranh nói, "Chúng ta đều là tướng sĩ Đại Chiêu, đều muốn ra trận giết kẻ địch. Ngươi cho là chỉ người Đông Hồ các ngươi dám đánh nhau à?"
Uất Trì Phong bình tĩnh. Cặp mắt trắng đen rõ ràng của hắn nhìn thẳng về phía Trần Thiệu. "Ta cũng muốn biết, đều là tướng sĩ Đại Chiêu mà vì sao mỗi lần ra chiến trường thì máu đổ xuống đều là của người Đông Hồ." Nói xong những lời này, hắn dứt khoát quay đầu bước đi, không thèm đôi co nữa.
Trần Thiệu nghe vậy cũng không biết phản bác làm sao, kinh ngạc nhìn cái lưng ngạo nghễ của Uất Trì Hiền. hắn sực tỉnh, vội nhìn Trần Ngôn, "Thúc thúc !"
Trần Ngôn lạnh nhạt khoát tay với hắn, "Không cần nhiều lời. Dẫn người vào doanh dựng trại đi."
Trần Thiệu chỉ đành cúi đầu nói, "Vâng."
Hai ngày tiếp theo, Vệ Trường Hiên không nhận được lệnh ra trận. Quân của họ đóng trong hang núi phía sau Vân Hạp quan, cách chỗ giao chiến chỉ hơn mười dặm. Ngày nào cũng có vô số thương binh được đưa về, mà mấy vạn người bọn họ cứ như bị bỏ quên, phụng mệnh ngoan ngoãn đóng ở cửa khẩu, không đi đâu được.
Trong một góc hẻo lánh của quân doanh, hai thiếu niên trẻ tuổi cao lớn đứng cạnh nhau, nhỏ giọng trò chuyện.
"Nghe nói mấy ngày trước, Trần tướng quân và Uất Trì tướng quân chỉ vội vàng bàn bạc với nhau mấy câu đã rời đại doanh, nhìn có vẻ như không có ý định cho chúng ta ra trận." Vệ Trường Hiên vuốt ve chuôi đao bên hông, do dự nói, "Lần này chúng ta được cử đến An Dương không phải để ngăn Yến Ngu xâm lược hay sao? Mấy ngày này, quân Đông Hồ tổn thất thảm trọng, mà chúng ta cứ sống chết mặc bây, khiến ta có cảm giác mình thật dư thừa."
Trần Thiệu im lặng hồi lâu, nặng nề gật đầu, "Tuy đám Đông Hồ ăn nói khó nghe nhưng bọn họ không sai. Chúng ta lặn lội ngàn dặm đến đây đâu có giống đến để đánh nhau, nhìn như kéo bầy đi xem kịch ! Ngươi thấy ánh mắt khinh khỉnh của tên Uất Trì Phong kia không? Nhìn chúng ta như lũ phế vật tham sống sợ chết vậy."
Vệ Trường Hiên rầu rĩ nói, "Hắn nhìn thế cũng chẳng có gì đáng trách. Hôm qua vừa mới huyết chiến một hồi, quân đóng ở An Dương chết mấy nghìn người, ngay cả đệ đệ ruột của Uất Trì tướng quân cũng tử trận ở quan ngoại. Chúng ta lại cứ ngồi đây, không có chút động tĩnh nào, ngay cả một kị binh nhẹ cũng chưa từng được phái ra."
Trần Thiệu đương nhiên cũng đã nghe chuyện đó, "Thế cục ở Vân Hạp quan đã như chồng trứng sắp đổ. Chúng ta không thể cứ khoanh tay đứng nhìn như thế nữa." Hắn bỗng ngẩn đầu lên, "Ta muốn đến hỏi thúc thúc xem rốt cuộc ông ấy nghĩ cái gì."
Hắn nói rồi xoay người chạy về phía chủ trướng. Vệ Trường Hiên hơi sửng sốt nhưng cũng nhanh chân đi theo.
Trong trướng, Trần Ngôn không nhàn hạ chút nào. Lão nhìn chằm chằm sa bà (bản đồ cát) trước mặt, tựa như vô cùng phiền não. Thấy đứa cháu tùy tiện xông vào, lão cáu kỉnh nói, "Không được gọi thì không tự ý đột nhập quân trướng. Trần Thiệu, ngay cả cái quy tắc này mà con cũng quên à?"
"Thúc thúc!" Trần Thiệu cúi xuống hành quân lễ, "Con nghĩ mãi không thông, nhất định phải đến hỏi thúc thúc."
Trần Ngôn ngẩn lên, nhìn hắn một lát, rồi nhìn Vệ Trường Hiên phía sau, khoát tay bảo bọn họ đến gần, sau đó nói, "Con muốn hỏi gì?"
"Con chỉ muốn biết, lần này hoàng thượng lệnh cho thúc thúc mang cấm quân đến đây, rốt cuộc là để bảo vệ An Dương hay là ngồi chờ An Dương rơi vào tay địch? Giống như mấy năm trước, chúng ta đã chắp tay dâng Tây Bắc đô hộ phủ cho chúng vậy." Hắn cắn răng, lạnh giọng hỏi.
Trần Ngôn lập tức trách mắng, "Nói hươu nói vượn! Chúng ta đến đây đương nhiên để bảo vệ cương thổ, sao có thể dâng đất đai cho kẻ địch?"
"Nếu là bảo vệ cương thổ thì sao còn hành quân lề mề như thế? Mãi mới đến được An Dương, vây mà cứ rụt đầu trong Vân Hạp quan không chịu ra, để cho quân đội Đông Hồ khánh địch bên ngoài. Trần gia chúng ta đời đời làm tướng, nói về tài năng, nói về vũ dũng, chúng ta thua người Đông Hồ chỗ nào!" Trần Thiệu bước lên một bước, "Chẳng lẽ trong lòng thúc thúc xem người Đông Hồ là ngoại tộc nên mới khinh thường, không chịu sóng vai chiến đấu với họ sao?"
Thấy vẻ mặt đầu căm phẫn của đứa cháu, Trần Ngôn lại rất ung dung khoanh tay hỏi, "Vậy ý con là muốn ra trận ngay lập tức?"
Trần Thiệu ngẩn cao đầu, "Đương nhiên rồi. Chúng ta phụng hoàng mệnh đến đây không phải để ra trận thì còn làm gì?"
Trần Ngôn nhìn hắn cười khổ, "Đứa cháu ngốc của ta, con có biết hoàng mệnh mà chúng ta nhận được là cái gì không?"
Sắc mặt Trần Thiệu hơi biến đổi, dường như hiểu ra phần nào, nhưng vẫn khó có thể tin, "Hóa ra lần này thúc thúc chậm chạp không chịu lãnh binh ra trận là do phụng ý chỉ sao?"
Trần Ngôn im lặng một hồi, chậm rãi bước ra khỏi bóng tối trong quân doanh, "Ta biết con thắc mắc. Trường Hiên cũng không phải người ngoài, nói cho hai đứa cũng chẳng sao."
Lão đã nói vậy thì chắc hẳn có nguyên nhân sâu xa. Trần Thiệu và Vệ Trường Hiên lập tức im thít, cúi đầu ra vẻ cung kính lắng nghe.
"Lần này, chúng ta lĩnh mệnh xuất chinh từ Kiến An. Trước khi đi, hoàng thượng đã triệu mình ta đến tuyên mật chỉ." Trần Ngôn nhìn gương mặt ngơ ngác của hai người trẻ tuổi, khẽ lắc đầu, "Yến Ngu xâm nhập An Dương hoàn toàn nằm trong dự đoán của hoàng thượng và các vị đại nhân. Ý họ muốn để quân Đông Hồ đóng tại An Dương tổn thất mấy vạn, sau đó mới lệnh cho ta sai cấm quân tùy cơ mà hành động."
Trần Thiệu trợn to con mắt. Hắn hiểu chữ tùy cơ mà hành động này có nghĩa lui binh, không khỏi thắc mắc, "Chúng ta nhất định phải làm vậy sao?" Hắn chỉ tay ra ngoài trướng, "Thúc thúc, chẳng lẽ người quên đây là đâu? Đây là nơi đại ca chôn mình năm xưa!"
Sắc mặt Trần Ngôn chấn động. Lão nhớ đến huynh trưởng của Trần Thiệu, một thanh niên anh dũng quả cảm, là người lão ưng ý nhất trong đám con cháu, nhưng bất hạnh thay, hắn lại tử trận ở Tây Bắc ba năm trước khi còn đang tuổi tráng niên, xác bị quân Yến Ngu treo trên rào, không thể lấy về an táng.
Khóe mắt Trần Thiệu đã đỏ hoe, run giọng nói, "Thúc thúc, đại ca đang nhìn chúng ta đấy ! Huynh ấy hy sinh thân mình bảo vệ quốc thổ, không phải để cho hoàng thượng và mấy vị đại nhân kia hơn thua với đám đô hộ Đông Hồ!"
Dường như đã biết Trần Thiệu sẽ rất xúc động sau khi nghe về mật chỉ, sắc mặt Trần Ngôn vẫn lạnh lùng, thấp giọng nói, "Trần Thiệu, ta đã bói bao nhiêu lần, trong quân không được để tình cảm của bản thân ảnh hưởng đến đoán định thế cục."
Nghe lão nói mình như vậy, Trần Thiệu càng tức giận, định mở miệng cãi nhưng bị Vệ Trường Hiên phía sau kéo lại, thì thầm, "Huynh xem, tướng quân đang nhìn sa bàn mà."
Trần Ngôn quay đầu lại, quả nhiên thấy sa bàn vẫn còn nguyên đó. Lão vẫy tay, bảo hai người trẻ tuổi lại gần, "Theo các con, đợi khi quân Đông Hồ tổn thất một vạn, chúng ta sẽ tiếp quản trận chiến, hay lui binh?"
Trần Thiệu có chút hờn dỗi, cắn răng ngậm miệng, không chịu trả lời.
Vệ Trường Hiên cúi đầu quan sát thật cẩn thận, hơi do dự nói, "Tướng quân, đến lúc đó, chúng ta thật sự có thể chọn tiến hay lùi sao?"
Trần Ngôn có chút ngạc nhiên với câu hỏi này, nhưng ánh mắt lại lộ vẻ khen ngợi. Lão gật đầu, chỉ vào giữa sa bàn, "Ngươi hỏi đúng chỗ rồi đấy. Hôm nay, quân Đông Hồ đóng mười vạn, đám văn thần trong triều không rõ thế cục, tưởng rằng tổn thất một vạn là chỉ mất một phần mười, có đáng gì đâu. Nhưng họ không biết, trên chiến trường, bịnh bại như núi đổ. Đến khi một vạn binh sĩ ngã xuống thì tinh thần chiến đấu của quân đội cũng tụt dốc không phanh, thế cục khó mà chống đỡ. Đến lúc ấy, Vân Hạp quan chắc chắn bị phá. Mà năm vạn người chúng ta, dù tiến hay lùi cũng chỉ có một đường chết mà thôi."

Đọc truyện chữ Full