Ngoài việc thỉnh thoảng lơ mơ và lưng hơi còng thì ông cụ ổn cả. Giọng nói vẫn oang oảng, đanh mặt vẫn rất dữ, vẫn thích xem TV nhất, bao giờ cũng bật kênh an ninh, thời sự và nông nghiệp, TV bị đơ thì giơ tay vỗ vài phát. Nếu có tên nhóc nghịch ngợm nào bò lên nóc nhà như Cao Thiên Dương thì chắc chắn ông vẫn có thể cầm chổi đánh đuổi.
Ban đầu Thịnh Vọng và Giang Thiêm đã bàn bạc chuyện nấu cơm xong xuôi, kết quả vừa rửa tay xong thì bị ông cụ đuổi ra khỏi bếp như lùa vịt. Cụ đanh mặt bảo: “Hai cái đứa nhiễu sự này, ra ngoài mau.”
“Con biết làm thật mà.” Thịnh Vọng giãy giụa: “Không tin ông để con làm thử xem.”
“Ra!” Ông cụ chả thèm nể nang: “Tí nữa lại cho ông cả một nồi sủi cảo bục bụng thì ai ăn?”
“Ông yên tâm, tự cung tự cầu, con ăn.” Thịnh Vọng dứt lời bèn duỗi ngón tay chọc chọc anh cậu.
Giang Thiêm: “…Cháu nữa.”
Ông cụ trợn ngược mắt: “Ngoài Tiểu Thiêm ra thì còn ai thèm để ý đến con nữa.”
Thịnh Vọng khoác vai Giang Thiêm, tựa bên cửa bếp cười. Ông cụ cầm dao phay khua tay múa chân với họ, sau đó gào giọng gọi lão câm – vừa bước vào cổng – mau tới đây.
Thực ra mấy năm nay mỗi lần Thịnh Vọng về quê đều tạt qua Ngoài rặng ngô đồng, ông cụ không có ở đây, ông chủ Triệu cửa hàng Hân Hoan cũng không có ở đây, cậu sợ cuộc sống của lão câm vừa nhạt nhẽo vừa khó khăn. Nhưng lần nào cậu đến cũng chẳng gặp, cổng nhà khóa suốt, cậu vĩnh viễn không biết lão câm đang bận rộn ở đâu, lùng sục phế liệu hay là chăm sóc ruộng rau con con của lão.
Về sau Thịnh Vọng mới nghe Triệu Hi kể, bố mẹ anh ở Bắc Kinh chẳng được bao lâu, sức khỏe khá hơn tí là về Giang Tô ngay, hàng năm có tận mấy tháng ở quê, nửa là không bỏ Hân Hoan được, nửa là vì người bạn câm lẻ loi trơ trọi.
Lúc nghe anh kể, Thịnh Vọng nghĩ, tình cảm và ràng buộc giữa người với người thật thắm thiết và dài lâu hơn những gì ta thoạt nhìn.
Mấy hôm nay lão câm vui lắm, dưới góc nhìn của lão, hàng xóm và người bạn thân thiết đã về, hết người này tới người nọ, náo nhiệt quá đỗi, ấy mới là không khí ngày Tết.
Dạo gần đây lão suốt ngày ở Hân Hoan. Ông chủ Triệu nhập một đống mứt táo và long nhãn hảo hạng, lão giúp phân chia và đóng gói. Hôm nay 30 tết, lão ôm hai túi to về, một túi cho ông cụ, một túi cho 2 bạn trẻ.
Thực ra Thịnh Vọng và Giang Thiêm không thích ăn đồ ngọt lắm, nhưng vẫn vui vẻ nhận lấy. Vì họ biết, đối với những người ở độ tuổi lão câm thì lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất là mỗi một ngày trong tương lai đều trôi qua thật ngọt ngào.
Hai người không giỏi chuẩn bị quà mừng năm mới cho bậc cha chú, ban đầu định đi theo lề thói cũ mua đồ bổ, vì điều họ hy vọng nhất là các ông sống lâu trăm tuổi. Nhưng trong lúc chờ cơm lại đổi ý, lén lút đến trung tâm thượng mại gần đây, mua hai chiếc điện thoại thông minh dành cho người già.
Cụ Đinh thì khỏi phải nói, trước giờ vẫn dùng suốt, chẳng qua đổi cho cụ cái mới thôi. Còn lão câm…
Họ không muốn thấy dáng vẻ cô đơn lẻ loi của lão, nhất là khi náo nhiệt vơi dần, mình lão đứng đó ê ê a a vừa khua tay múa chân vừa vẫy chào tạm biệt, người trông thấy không đành lòng đi. Tuy lão cầm di động cũng chẳng thể gọi điện nhưng ít ra có thể gõ chữ.
Thịnh Vọng hướng dẫn lão từng bước gửi tin nhắn: “Muốn nói gì thì nói đó, có thể gửi cho ông chủ Triệu, gửi cho ông cụ, cho cháu hoặc cho Giang Thiêm.”
Lão câm và ông cụ có đồ chơi mới hưng phấn không thôi, ngồi đối diện nhau trên ghế mây con con gửi tin nhắn cả buổi chiều, hiệu quả cao hơn ngôn ngữ tự nghĩ ra của lão câm nhiều.
Giang Thiêm chỉ vào bóng lưng ông cụ và nói: “Thấy quen không?”
Đầu Thịnh Vọng đầy dấu hỏi chấm: “Không, sao thế?”
Giang Thiêm: “Anh thấy quen lắm.”
“Tại sao?” Cậu chủ nhỏ nghiêm túc hỏi.
Kết quả tiến sĩ Giang bình tĩnh nói: “Hồi còn đi học em cúi đầu gửi tin nhắn với tư thế y hệt.”
Thịnh Vọng: “…”
Cậu im lặng hai giây, nhét hết quả quýt vừa bóc vào miệng, sau đó ném vỏ quýt đuổi đánh anh cậu ra ngoài.
Bữa cơm tối nay được đặt tại một nhà hàng tư nhân, ông chủ là người gốc Bắc Kinh, hồi bé Thịnh Vọng cực kì thích món mứt sơn tra, tôm rim chua ngọt và bánh đậu hà lan ở đây, ba ngày hai lần ban chiếu chỉ muốn ăn. Thịnh Minh Dương ngoài việc không có thời gian bên cậu thì yêu cầu gì cũng có thể thỏa mãn, đến ăn nhiều lần thành ra quen biết ông chủ.
Thực ra sau khi lớn lên khẩu vị của Thịnh Vọng đã thay đổi, nhưng tốc độ làm mới thông tin của đồng chí già y như rùa bò, bao giờ cũng đi sau lớp trẻ, hiện vẫn đang dừng lại nhiều năm trước, khăng khăng nhớ kỹ ba món ấy.
Đây là bữa cơm tất niên đông người nhất trong mấy năm qua, Thịnh Vọng đưa cả ông cụ và lão câm theo, nhưng chẳng hề náo nhiệt, dù gì trong lòng đồng chí Thịnh Minh Dương vẫn còn đôi chút vướng mắc chưa tiêu, nói chuyện dựa hết vào EQ cân, nội dung trò chuyện chả có gì hay ho, không vui quá, không nặng nề quá, phần lớn là vài điều lặt vặt.
Đồng chí già đi xã giao nhiều quá nên mắc “bệnh nghề nghiệp”, ông nghĩ không thể để bữa cơm uổng phí được, ít nhiều gì cũng phải thúc đẩy chút gì đó. Thế là gần đến phút cuối, ông vẫn chưa chịu dừng, thử đẩy một phát —-
Ông lắc lư hớp rượu cuối cùng trong chén, hỏi như vô tình: “Có phải Tiểu Thiêm vẫn chưa tốt nghiệp đúng không?”
Giang Thiêm gật nhẹ đầu đáp: “Còn hai năm ạ.”
“Thế cậu hoàn thành dự án xong thì phải đi à?”
“Vâng.”
Đồng chí già “ồ” lên, nhấp hớp rượu, đưa mắt nhìn con trai đầy ẩn ý, kết quả con trai ruột bỗng mở miệng: “Nếu đã nhắc đến thì con muốn nói với bố trước một tiếng.”
Thịnh Minh Dương linh cảm có điều không lành, bàn tay cầm chén khựng lại, ông hỏi: “Nói gì?”
Thịnh Vọng đáp: “Đến lúc đó có khi con cũng ra nước ngoài một chuyến.”
Thịnh Minh Dương sốc nặng: “Cũng ra nước ngoài một chuyến là sao hả? Con ra nước ngoài làm gì?”
“Công ty điều ra nước ngoài.” Thịnh Vọng nói: “Trước đó con đã nói chuyện với họ…”
Trong lòng Thịnh Minh Dương phun ra một búng máu, lặng lẽ đặt chén xuống. Trò chuyện cái cứt, đồng chí già không muốn nghe nữa, ông chỉ biết mình đang hối hận xanh ruột.
Ông thấy mình như đang chơi một ván bi-a vô nghĩa, đầu gậy đánh vào bi đen, nó va phải mép bàn bắn bật cả buổi trời, cuối cùng đập trúng bi trắng và cả 2 lọt vào túi. Dạo xưa ông tống Giang Thiêm ra nước ngoài, con mẹ nó ai ngờ được quanh đi quẩn lại 5 – 6 năm sau đủn cả Thịnh Vọng đi mất.
Nhưng ông không thể thốt ra lời phản bác, vì người chọc gậy đầu tiên là chính ông.
Ông chủ nhà hàng tặng họ một suất lẩu xương sống cừu đủ vị, đồng chí già bèn vừa ăn vừa nói, ăn xong bị nóng trong, nhiệt miệng. Đặc biệt về đến nhà trông thấy hai bạn trẻ bước vào một căn phòng thì miệng ông càng đau hơn.
So ra thì Thịnh Vọng vui tươi lắm.
Tuy rằng bầu không khí trong bữa cơm tất niên chưa được tới mức “vui vẻ hòa thuận”, nhưng cũng nằm trong dự kiến. Thực tế, họ có thể ngồi chung bàn ăn trọn vẹn một bữa cơm đã chứng tỏ rằng băng bắt đầu tan rồi.
Hơn nữa đúng Giao thừa 12 giờ đêm, Giang Thiêm nhận được tin nhắn của Giang Âu, nội dung đơn giản lắm – Chúc con trai năm mới vui vẻ, và bảo hắn chú ý nghỉ ngơi. Nhưng cuối câu chúc có thêm một câu nữa.
Cô nói: Con uống rượu phải không, nhớ pha nước mật ong mà uống kẻo ngày mai đau đầu.
Tuy rằng chỉ gửi cho một người, nhưng hiển nhiên tin nhắn này không chỉ nhắc một người. Có lẽ chỉ đơn giản là dặn dò, không liên quan đến chuyện khác. Nhưng khi Thịnh Vọng thấy những lời này, cậu chợt nghĩ có khi một hai năm nữa, họ thực sự có thể ngồi chung bàn đánh một bữa sủi cảo ngon lành như buổi tối nhiều năm trước ở Ngoài rặng ngô đồng.
*
Sáng mùng 2 Tết, Thịnh Vọng đã đặt báo thức rồi nhưng vẫn ngủ quên mất.
Lúc cậu tỉnh dậy là hơn 8 giờ, phòng ngủ tầng dưới mở toang cửa, đệm chăn gọn gàng, Thịnh Minh Dương đã lên đường cho kịp chuyến bay sáng, không có thời gian ăn sáng với con trai.
Đương nhiên, cũng có thể là ông cố tình không ăn, đồng chí già vẫn đang tức mà, mép nổi bọng nước to đùng.
Điều hòa vừa tắt không lâu, Thịnh Vọng lại bật lên, cậu mặc áo hoodie quần dài xuống nhà tìm đồ ăn. Cậu vò vò tóc mở hết lượt nồi niêu trong bếp, rồi chuyển sang tủ lanh, trông thấy một tờ giấy dán bên trên.
Thịnh Minh Dương để lại lời nhắn, nét chữ nắn nót không di truyền được cho Thịnh Vọng, so với Giang Thiêm thì chữ viết của ông đậm và tròn hơn, nhìn là biết tác phong thương vụ:
“Đi cho kịp chuyến bay, ngày về không biết chắc, nếu mùng 7 chưa về đến nhà thì con và Tiểu Thiêm tự đi Bắc Kinh nhé. —- Bố.”
Thịnh Vọng cầm tờ giấy trong tay, Giang Thiêm vừa rửa mặt xong thoang thoảng mùi bạc hà bước tới. Cậu chủ nhỏ nào đó thích bật điều hòa cả đêm, sáng dậy cổ họng vừa khô vừa rát, bật thêm máy tạo ẩm cũng chẳng ích gì.
Giang Thiêm lấy một chai nước trong tủ, vặn nắp uống vài hớp thấm giọng, bấy giờ mới hỏi: “Bố em để lại lời nhắn à?”
“Ò.” Giọng Thịnh Vọng hẵng còn khàn khàn ngái ngủ: “Anh chưa đọc lời nhắn của bố em bao giờ đâu nhỉ? Để em phiên dịch cho, ý của bố em là bố đi rồi, hai đứa tự giải quyết, hết kì nghỉ thì phắn nhanh.”
Giang Thiêm ậm ờ đáp lời, rồi đụng đụng miệng bình lên môi dưới ai đó và hỏi: “Em chưa uống nước đúng không?”
“Ớ, quên mất.” Thịnh Vọng bèn cầm tay hắn uống vài hớp: “Bảo sao khô họng thế, em còn tưởng anh nhân lúc em ngủ say lén lút làm gì đó.”
Cậu dứt lời bèn há miệng định uống tiếp, nhưng Giang Thiêm đã rút chai lại quay người bỏ đi.
Cậu chủ nhỏ tợp phải không khí, mỉm cười đuổi theo: “Đừng chạy mà tiến sĩ Giang ơi, sao mới đùa mấy câu mà anh đã không chịu được thế.”
Giang Thiêm bật tivi, xách nửa chai nước ngồi xuống sô pha, cầm điều khiển chọn app: “Có giỏi thì đùa ngay trước mặt bố em đi.”
“Thế không được đâu, người trung niên và cao tuổi tim mạch kém, tức lên xuất huyết thì khổ.” Thịnh Vọng rút chai nước trong tay hắn, nói: “Chưa kể trong mắt đồng chí Thịnh Minh Dương, con trai ông là một người lịch sự lễ phép, không bao giờ đùa bậy đùa bạ. Chẳng may có đùa thì chắc chắn là vấn đề của người khác.”
Cậu dứt lời bèn suy tư, nói với Giang Thiêm: “Em gần như có thể tưởng tượng ra hình ảnh của anh trong mắt bố em.”
Giang Thiêm: “…”
Cậu chủ nhỏ ngậm miệng chai nghĩ ngợi và nói: “Anh oan quá đi, để đền bù tổn thất, em quyết định tự tay làm bữa sáng cho anh, vui không?”
Tiến sĩ Giang chả vui tí nào, hắn đưa mắt nhìn ai đó, lôi điện thoại ra bắt đầu xem đồ ăn ngoài. Thịnh Vọng đặt chai nước xuống bên cạnh, tì một đầu gối lên sô pha nhào tới siết cổ hắn: “Anh xem đồ ăn ngoài là có ý gì hả?”
Giang Thiêm bị cậu kẹp cổ giữa khuỷu tay, bật cười khẽ khàng, hầu kết lăn nhẹ.
Tuy Giang Thiêm không trông chờ gì vào tài nghệ nấu nướng của ai đó nhưng vẫn gắng gượng đồng ý làm chuột bạch một lần, dù gì năm xưa người nào đó và cụ Đinh liên thủ bắt hắn nếm thử đủ các món kì quặc cũng không khác gì lần này.
Nói chung là bạn trai mình tự chọn, biết làm sao giờ.
Giang Thiêm vốn định lấy cớ “giúp đỡ” để vào bếp giám sát, nhưng người nào đó khóa chặt cửa, cách lớp kính chìa tay tỏ ý “mời”, ý bảo hắn phắn ra đừng có nhúng tay vào, nên hắn đành thôi.
Thực ra Thịnh Vọng làm vậy cũng có nguyên nhân, Giang Thiêm vừa đi, cậu lập tức lôi điện thoại trong túi quần ra, mở wechat tranh luận với bọn Cao Thiên Dương.
Mấy hôm nay nhóm chat lớp A trường trung học trực thuộc vui như trẩy hội, vì ngày về trường chưa chốt được. Phần đông lớp rảnh từ mùng 3 đến mùng 5, càng nhiều lựa chọn thì càng khó quyết thời gian.
Thịnh Vọng xuất phát từ tình riêng, bảo Cao Thiên Dương và Tống Tư Duệ lặng lẽ dẫn dắt trong nhóm chat, tốt nhất chốt thời gian gặp lại vào ngày mai, vì mai là sinh nhật Giang Thiêm.
[Cao Thiên Dương giản dị đơn sơ: Dễ ẹc! Nói luôn trong box mai là sinh nhật anh Thiêm không phải xong à?]
[Tôi không cần cái tay này nữa: Đừng, thế phô trương quá. Tôi sợ cậu ấy biết thì sẽ không đi.]
[Đại Tống: Vì sao? Sinh nhật vui quá còn gì?]
Ngón tay Thịnh Vọng dừng trên bàn phím, nhớ lại những gì nghe được trước khi về Giang Tô —–
Họ chỉ về một tuần, con trai mèo đổi môi trường sống gấp quá dễ bị bệnh nên trước khi đi họ đã giao thẻ ra vào cho đàn anh của Giang Thiêm – tiến sĩ Trần Thần. Hàng ngày Trần Thần cho mèo ăn sẽ gửi họ một đoạn video ngắn, nhờ đó mà thân quen với Thịnh Vọng hơn, thỉnh thoảng nói chuyện dăm câu. Hôm đó nói đến nói đi vừa hay nhắc tới chuyện sinh nhật, Trần Thần đã nói một cậu khiến Thịnh Vọng lặng lẽ đau lòng thật lâu.
Hắn nói: Giang Thiêm không đón sinh nhật đâu, càng chuẩn bị thì cậu ấy càng tránh, bình thường trước mấy hôm đã mất dạng rồi, chẳng biết vì sao mà ghét cay ghét đắng thế.
Thịnh Vọng cụp mắt đứng đó chốc lát, miết các đốt ngón tay gõ chữ tiếp: Nói chung đừng nhắc đến là được.
May mà Cao Thiên Dương và Tống Tư Duệ hiểu họ, có một số việc không cần nói cũng đoán được 70-80 phần trăm. Hai người không hỏi nhiều nữa, cũng không khăng khăng lằng nhằng. Gửi cho Thịnh Vọng icon “” rồi quay về nhóm lớp, sau một hồi nói dông nói dài thì đã chốt được ngày trở về trường.
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Ai Đó (Mỗ Mỗ)
Chương 111
Chương 111