DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Hai Đứa Trẻ Vô Tư
Chương 51: Bái sư

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Sau khi Doãn Hướng Đông và Bạch Mỹ Tiên về nhà thì trông thấy Thiên Đao nằm bò trước cửa phòng ngủ kêu gừ gừ, hai người đẩy ra một khe nhỏ rồi nhìn vào, Bạch Mỹ Tiên nói: “Hai thằng bé này ngủ một giấc thôi mà còn phải chen chúc với nhau, cũng không sợ nóng à.”

“Cứ để bọn nó ngủ, đóng cửa lại đi.” Doãn Hướng Đông nhẹ nhàng khép cửa lại, “Lần này Tiểu Sơn phải chịu bao nhiêu khổ vậy chứ, lúc nghe Nhiếp Phong kể lại mà anh cũng muốn rơi nước mắt.”

Bạch Mỹ Tiên cười xì một tiếng: “Anh bớt ở đây làm xấu mặt đi, đi nhìn giúp xem có phòng ở phù hợp không để hai bố con họ sớm có nhà riêng của mình.”

Doãn Hướng Đông và Bạch Mỹ Tiên ngồi trên sô pha phòng khách thảo luận về vấn đề nhà ở, từ nhà tập thể cũ sắp phá dỡ đến chung cư cao tầng mới xây, cuối cùng không thể tránh khỏi mà nhắc tới giá nhà.

“Nếu lúc trước nhà của Tiểu Sơn không bán thì sau này có thể chia thành bốn năm phòng ở, nếu không bị phá dỡ thì loại nhà trệt này sẽ chỉ càng ngày càng có giá.” Bạch Mỹ Tiên nghĩ lại mà thấy tiếc, “Vì trả nợ mà bán gấp quá, người mua đúng là lời to.”

Doãn Hướng Đông không muốn nghĩ tới mấy chuyện đó: “Giờ nói cũng đâu có ích gì, đã bị ép đến bước đường ấy nếu không bán nhà bán sân thì còn có thể làm sao.” Nói xong lại đột nhiên dừng trong chốc lát, “Nếu nhà chúng ta chia ra thì sẽ chia thành năm phòng, trong đó một phòng có diện tích nhỏ thôi là được, hai chúng ta già rồi ở chỗ nhỏ, còn lại thì Thiên Kết và Thiên Dương mỗi đứa hai phòng.”

Bạch Mỹ Tiên cười nói: “Anh cũng nghĩ xa quá, không biết chừng đến khi xuống mồ rồi cũng chưa bị phá dỡ đâu, vậy thì bán sân đi rồi để hai chị em bọn nó chia đều. Haiz, anh nói con anh xem, học hành nát bét như vậy, nếu nó không phải người bản địa, lại cũng không có nhà thì chắc chắn là độc thân.”

Hai vợ chồng trò chuyện say sưa, đến cả cơm tối cũng quên nấu, Doãn Thiên Kết tan tầm về nhà mới nhắc nhở bọn họ. Doãn Hướng Đông nói: “Không làm nữa, buổi tối ra ngoài ăn đi, gia đình chúng ta liên hoan.”

“Vậy để con đi gọi Tiểu Sơn và Thiên Dương dậy ạ.” Doãn Thiên Kết vừa mới đẩy cửa ra thì Thiên Đao đã chạy vọt vào, khi cô đi đến bên giường chuẩn bị đánh thức Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương thì chợt trông thấy một tờ giấy rơi trên mặt đất.

Tiếng kéo rèm cửa sổ và tiếng chó sủa hòa lẫn vào nhau, Nhiếp Duy Sơn mở mắt ra mới phát hiện trời đã tối rồi, bèn xấu hổ nói: “Chị, chị về rồi ạ, em ngủ say quá.”

“Mệt muốn chết rồi đúng không, đi rửa mặt đi rồi chúng ta ra ngoài ăn cơm.” Doãn Thiên Kết buộc rèm cửa xong thì lại đi tới trước giường, sau đó giơ tay bóp mặt Doãn Thiên Dương, “Heo con, tỉnh lại đi, thức dậy ăn cám.”

Doãn Thiên Dương dần dần tỉnh ngủ, nói còn mang theo giọng mũi: “Chị thấy con heo nào gầy trơ xương thế này bao giờ chưa, em chỉ ăn cám hảo hạng thôi.” Cậu liếc mắt nhìn thấy lá thư đặt trên tủ đầu giường thì sợ tới mức ngồi bật dậy, “Chị! Chị ra ngoài trước đi, em không mặc quần!”

Đợi sau khi Doãn Thiên Kết đi ra ngoài thì cậu vội vội vàng vàng cất thư vào trong ngăn kéo rồi khóa lại cẩn thận.

Năm người ra cửa đi ăn lẩu, Nhiếp Duy Sơn không thích ăn thịt dê nên chủ yếu là nhúng dạ dày. Doãn Thiên Dương ngồi bóc tỏi ngâm ăn nhóp nhép y như cắn hạt dưa, rồi chất đống vỏ tỏi vào đĩa thức ăn đặt trước mặt, đoạn nói: “Con cứ cảm thấy mình quên mất chuyện gì đó.”

Bạch Mỹ Tiên nhắc nhở: “Bài tập chưa làm.”

“Không phải bài tập, trong mắt con bài tập sao tính là chuyện được.” Doãn Thiên Dương lau miệng rồi uống một ngụm trà, thấy Nhiếp Duy Sơn vớt được một miếng cá thì há miệng ra, “Cho tớ một miếng với.”

Nhiếp Duy Sơn thổi thổi rồi đút cho Doãn Thiên Dương: “Ăn nữa không để tớ nhúng thêm mấy miếng.”

Doãn Thiên Kết vẫn luôn im lặng rốt cuộc cũng mở miệng: “Thanh niên mười bảy, mười tám tuổi rồi mà không có tay à, tự mày không gắp được à? Có cần đút xong rồi lau miệng cho mày luôn không?”

Nhiếp Duy Sơn khẽ giật mình: “Chị ạ, không sao đâu, cậu ấy bất chợt lười chút thôi.”

“Đúng vậy, em có sao đâu.” Doãn Thiên Dương cầm bánh nướng vừng cắn một miếng, bỗng nhiên ánh mắt sáng rực lên, “Con nhớ ra rồi! Mẹ nó con còn chưa nói chuyện của Bạch gia!”

Cậu không thèm quan tâm đến chuyện ăn bánh nướng nữa mà xắn tay áo lên bắt đầu kể: “Hôm đó con ngồi trước cửa nhà chờ Tiểu Sơn rồi nhìn thấy nhóc mập và nhóc kính mắt, hai đứa bọn nó định ra đầu hẻm đánh cầu lông nên rủ con đi chơi với bọn nó. Đùa à, thanh niên trai tráng mười bảy, mười tám tuổi như con mà còn phải chơi cùng mấy đứa nhóc à.”

Doãn Hướng Đông giơ tay ra ý bảo tạm dừng: “Tóm tắt tình huống quá dài, mời kể từ lúc vị Bạch gia kia xuất hiện đi.”

“Để con sắp xếp lại đã.” Doãn Thiên Dương lại uống thêm một ngụm trà, “Bạch gia xuất hiện, hôm đó ông ấy mặc một chiếc áo gió màu xám khói, bên trong là áo sơ mi gài kiểu Trung Quốc màu trắng(*), bằng vải lanh, quần con không chú ý, giày thì là giày da lười, có lẽ là giày vải giặt chưa khô.”

(*)Áo sơ mi gài kiểu Trung Quốc:

1

“Ôi trời.” Bạch Mỹ Tiên đau đầu, “Sao mà tốn sức vậy chứ, có thể lược bỏ hoàn cảnh rồi ngoại hình gì đó mà nói ý chính được không vậy?”

Doãn Thiên Dương lúng ta lúng túng nói: “Thói quen ạ, con sợ không đủ số lượng từ sẽ bị trừ điểm.”

Phần nước dùng cả cay lẫn không cay trong nồi uyên ương từ lim rim trở nên sôi sùng sục, rồi lại từ sôi sùng sục chuyển sang lim rim, cứ chuyển qua chuyển lại như vậy mấy lần thì rốt cuộc Doãn Thiên Dương cũng nói hết chuyện giữa cậu và Bạch gia.

Trong lúc những người khác còn đang kinh ngạc thì cậu nhỏ giọng nói bổ sung một câu với Nhiếp Duy Sơn: “Nếu hôm đó tớ không tới phố đồ cổ thì có thể sẽ không gặp được ông ấy.”

Nhiếp Duy Sơn biết Doãn Thiên Dương đang tranh công, bèn thì thầm trả lời: “Sẽ ghi nhớ đại ân đại đức của cậu, cá chín rồi đấy, ăn mau đi.”

Doãn Thiên Dương vui vẻ vớt cá, còn chưa cho được vào miệng đã nghe thấy Doãn Hướng Đông nói: “Đừng ăn nữa, chuyện này phải bàn bạc với Nhiếp Phong và cả ông, chúng ta về nhanh thôi, không thể chậm trễ thêm nữa.”

Năm người lập tức quay về nhưng không về nhà mà đi thẳng sang hẻm Nhất Vân. Phòng khách bị người của hai gia đình lấp đầy, đến ghế cũng không có đủ để ngồi, Doãn Thiên Kết thấy thế thì bèn lặng lẽ lui ra, đi về trước.

Cô bước đi từng bước chậm rãi, trong tâm trí đâu đâu cũng là hình ảnh bức thư nhặt được trên mặt đất, nội dung trong thư không hề trực tiếp, càng không thể nói là lộ liễu, nhưng thâm tình ẩn chứa giữa từng câu chữ lại khiến cô cảm thấy trĩu nặng hơn nhiều so với những lời tán tỉnh buồn nôn.

“Chị ơi, chị về nhà ạ?”

Doãn Thiên Kết quay đầu lại, nhìn thấy Nhiếp Dĩnh Vũ đuổi theo ra. Nhiếp Dĩnh Vũ đang làm bài tập thì nghe thấy có người tới nhà, không ngờ còn có cả Doãn Thiên Kết, nhưng ai ngờ còn chưa kịp vui sướng thì đối phương đã lại đi ngay.

“Hôm nay tăng ca hơi mệt, lại có nhiều người cũng không ngồi được nên chị về trước.” Doãn Thiên Kết giải thích xong thì quay đầu tiếp tục đi, mới đi được hai bước thì Nhiếp Dĩnh Vũ lại đuổi theo.

“Chị ơi, tâm trạng chị không tốt à?” Nhiếp Dĩnh Vũ hơi sốt sắng, “Có phải gặp rắc rối trong công việc không ạ, chị nói một chút cho em nghe đi. Hay là… cãi nhau với bạn trai ạ?”

Đã rẽ vào hẻm Nhị Vân, Doãn Thiên Kết nói: “Em cũng tò mò quá nhỉ, công việc của chị rất tốt, bạn trai cũng coi như xong rồi.”

Nhiếp Dĩnh Vũ dừng chân, mãi đến tận khi đối phương đi cách xa nửa mét mới hỏi ra lời: “Bạn trai xong rồi là sao ạ? Người đó bắt nạt chị à? Chị nói cho em biết anh ta ở đâu đi, em sẽ đánh chết anh ta!”

Trong đầu Doãn Thiên Kết đều là chuyện về bức thư nên nói gì cũng không chú ý, lúc này mới chợt nhận ra không đúng lắm, cô giải thích: “Lúc trước thì đang phát triển nhưng kết quả lại không phát triển nữa, chỉ là như vậy thôi. Tiểu Vũ à, em về học bài đi, sắp thi giữa kỳ rồi, cố lên.”

Cô nói xong thì vẫy vẫy tay, lúc đi tới trước cửa nhà thì dừng bước, lại nhớ tới Doãn Thiên Dương đã từng đứng tại đây hỏi “Bao giờ Tiểu Sơn mới về ạ”. Doãn Thiên Dương luôn suy nghĩ rất đơn giản, vô tâm và dường như chỉ có chuyện của Nhiếp Duy Sơn mới cực kỳ để ý.

Nhiếp Dĩnh Vũ bước giật lùi lại nhưng ánh mắt vẫn nhìn chăm chú vào bóng lưng của Doãn Thiên Kết, trái tim cậu ta đang đập thìch thịch, nhưng lại không thể xác định rốt cuộc đây là tình cảm gì. Bước lùi đến đầu hẻm thì cậu ta đụng phải người khác nên quay người lại nói xin lỗi: “Dì Lưu với dì Hứa ạ, hai dì đi dạo về ạ, ngại quá cháu đi mà không nhìn đường.”

Hai người phụ nữ đi ngang qua cậu ta mà vẫn còn thảo luận, “Tiểu Vũ đã cao vậy rồi cơ đấy, sắp đuổi kịp Tiểu Sơn rồi.”

“Hai đứa nó đều đẹp trai, Tiểu Vũ lại học giỏi nữa.”

Gương mặt Nhiếp Dĩnh Vũ dần dần đỏ bừng cả lên, sau khi đỏ đến đỉnh điểm thì đột nhiên nghĩ ra, cậu ta quay người nhìn bóng lưng Doãn Thiên Kết ở sâu trong con hẻm rồi rảo bước đi ngược trở lại.

Cậu ta vừa cao vừa đẹp trai, học hành cũng tốt.

Doãn Thiên Kết lại không có bạn trai.

Kim đồng phối với ngọc nữ, chính là bảo tháp trấn hà yêu!

“Thiên Kết!” Nhiếp Dĩnh Vũ gọi to một tiếng. Doãn Thiên Kết quay người lại, trên gương mặt vương đầy nước mắt, ánh đèn đường mờ nhạt chiếu lên mái tóc dài và quần áo của cô khiến hình ảnh hiện lên đẹp đến mức không chân thực.

Sự tự tin của Nhiếp Dĩnh Vũ sụp đổ trong chớp mắt, cậu ta hoảng loạn sờ khắp người để tìm giấy ăn: “Sao thế này? Sao lại khóc vậy, rốt cuộc là có chuyện gì không vui chị cứ nói cho em đi, tuy em nhỏ hơn vài tuổi nhưng vẫn có thể gánh vác phần nào giúp chị.”

Doãn Thiên Kết hiếm khi mất bình tĩnh, cô mở cửa rồi vội vàng đi vào nhà. Nhiếp Dĩnh Vũ nắm chặt túi giấy ăn đứng tại chỗ, cuối cùng lại dùng để tự lau nước mắt cho chính mình, cậu ta đi ra khỏi hẻm một lần nữa, vừa đi vừa gọi điện thoại.

Vừa mới kết nối đã mở miệng hỏi tội: “Mẹ nó rốt cuộc lý luận đêm đó của cậu có đúng không đấy?”

Tần Triển đang nấu mì ăn liền trong ký túc xá, ngồi xổm trước nồi lơ ngơ hỏi: “Lý luận nào cơ, tôi không nhớ lắm.”

“Đệch, cậu là tên truyền giáo phi pháp.” Giọng Nhiếp Dĩnh Vũ đặc giọng mũi, “Tôi nhìn thấy Thiên Kết thì tim vẫn đập nhanh, chị ấy không vui thì tôi lại khó chịu, chị ấy rơi nước mắt thì tôi cũng muốn khóc.”

Tần Triển cho gói gia vị vào trong nồi: “Chị Thiên Kết khóc á? Ai bắt nạt chị ấy, có phải cái thằng ở sân trượt băng hồi trước bắt cá hai tay không? Đệt! Không thì tôi dẫn anh em đi đánh nó nhớ!”

Nhiếp Dĩnh Vũ gào lên mắng: “Còn cần cậu đánh à! Tôi chỉ muốn biết rốt cuộc tôi có thích chị ấy hay không!”

“Chuyện này…” Tần Triển cũng không tiện đoán mò linh tinh nữa, dù sao cũng liên quan đến hạnh phúc cả đời của người ta, “Hiện giờ tôi không nghiên cứu vấn đề tình cảm nữa mà khá hứng thú với phương diện ẩm thực, tôi đang muốn làm kiểm tra đánh giá về mì tôm cá tươi(*), nói chuyện sau nhé.”

(*)Mì tôm cá tươi là một sản phẩm mì ăn liền của hãng Khang sư phụ.

Điện thoại đã vang liên tiếng báo máy bận, Nhiếp Dĩnh Vũ lau khô nước mắt rồi quay về nhà, lại phát hiện nhóm người kia đã bàn bạc xong.

Doãn Thiên Dương cố gắng hết sức tường thuật lại rõ ràng mọi chuyện thêm lần nữa, sau khi trao đổi thì quyết định mau chóng đi tìm Bạch gia một chuyến, chẳng qua tất cả mọi người đều cho rằng chuyện Bạch gia nói sẽ trả nợ chỉ là chuyện cười mà thôi. Thế nhưng không cần biết những chuyện khác, tượng Quan Âm vẫn còn ở chỗ đối phương, Nhiếp Duy Sơn muốn lấy về cho Doãn Thiên Dương.

Trước khi đi ngủ thì trải sẵn chăn đệm cho ông Nhiếp và Nhiếp Phong, sau khi thu xếp mọi thứ xong xuôi thì Nhiếp Duy Sơn mới quay về phòng nghỉ ngơi, hắn đi tới cửa thì dừng lại, chợt nhớ tới lúc ăn lẩu Doãn Thiên Kết đã dạy bảo Doãn Thiên Dương, vì vậy lại quay đầu đi tới phòng Nhiếp Dĩnh Vũ. Gõ cửa rồi đi vào, thấy Nhiếp Dĩnh Vũ ngồi ngẩn người trước bàn học hắn hỏi: “Nghĩ cái gì đấy, vừa nãy ra ngoài làm gì?”

Nhiếp Dĩnh Vũ thành thật trả lời: “Đuổi theo Thiên Kết thôi ạ, tâm trạng chị ấy không tốt.”

Nhiếp Duy Sơn thản nhiên hỏi: “Sao tâm trạng lại không tốt, mày không hỏi xem sao à?”

“Em có hỏi, nhưng mà chị ấy không nói.” Nhiếp Dĩnh Vũ rất thất vọng, “Chị ấy còn khóc nữa, lần đầu tiên em thấy chị ấy khóc.”

Nhiếp Duy Sơn an ủi đối phương một chốc rồi mới đi, vừa về đến phòng thì ngay lập tức gửi tin nhắn cho Doãn Thiên Dương: “Cất thư đi rồi chứ?” Doãn Thiên Dương còn chưa ngủ nên trả lời: “Vừa ngủ dậy là cất trong ngăn kéo khóa lại rồi, nếu không thì nó vẫn còn đặt trên tủ đầu giường nữa ấy.”

“Ừ, ngủ ngon.” Nhiếp Duy Sơn nhắn lại rồi hít sâu một hơi, buổi chiều trước khi đi ngủ hắn nhớ rõ ràng trên tủ đầu giường không có thứ gì.

Chọn một ngày ấm áp rồi Nhiếp Duy Sơn đẩy ông Nhiếp ngồi trên xe lăn, còn Doãn Thiên Dương thì đỡ Nhiếp Phong, bốn người muốn tới trung tâm đồ cổ tìm Đinh Hán Bạch. Doãn Thiên Dương đi cùng ba người nhà họ Nhiếp thì cảm thấy có phần không tiện, bèn nói: “Không phải cháu vô giúp vui đâu ạ, chủ yếu là bởi vì cháu là nhân chứng quan trọng nên cháu phải đi theo thôi ạ.”

Ông Nhiếp nói: “Biết rồi, buổi trưa ba đời nhà họ Nhiếp chúng ta sẽ mời cháu ăn cơm.”

Trung tâm đồ cổ cách Ủy ban thành phố không xa, môi trường xung quanh rất tốt, nhất là tình trạng xanh hóa rất thích hợp. Đi đến cửa lớn, Doãn Thiên Dương vỗ trán một cái: “Cháu quên hỏi ông ấy tên cửa hàng là gì rồi, bên trong lớn như vậy làm sao tìm đây ạ.”

Nhiếp Phong nói: “Hỏi bảo vệ là được, trung tâm đồ cổ này là do Đinh Hán Bạch mở.”

Bảo vệ thấy bọn họ đi thành một nhóm, còn có ông lão ngồi xe lăn nên gọi giám đốc đến. Sau khi giám đốc tìm hiểu tình hình thì liên lạc với Đinh Hán Bạch, rồi nói cho bọn họ biết: “Ông chủ Đinh đang ở quán trà đối diện, mọi người qua thẳng đó tìm ông ấy là được.”

Đối diện bên kia đường có một “Quán trà Trân Châu”, lúc nhóm người bọn họ đi qua thì phát hiện không mở cửa kinh doanh. Nhiếp Duy Sơn gõ cửa, sau đó có một người phục vụ dẫn bọn họ đi vào phòng khách ở tầng một.

“Đúng là chậm chạp, làm tôi chờ đến sắp đổi ý rồi.” Đinh Hán Bạch bê ấm trà đi tới, đầu tiên là chào hỏi ông Nhiếp, “Năm nay bác trai thọ bao nhiêu rồi ạ? Việc đi đứng không tiện sao?”

Ông Nhiếp nói: “Lúc trước phải cắt một khối u trong phổi, còn chưa khỏe hẳn ấy mà.”

“À, vậy thì hút thuốc ít thôi.” Đinh Hán Bạch bỏ lại một câu như vậy, sau đó gọi phục vụ rót trà, ông quay đầu liếc nhìn Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương, “Đám trẻ không thích uống trà thì có cà phê và nước trái cây đấy.”

Hai bên cùng ngồi xuống chiếc trường kỷ lớn kiểu Trung Quốc, Đinh Hán Bạch cười nói: “Bốn người các ông và một mình tôi thì có vẻ bên tôi không đủ khí thế.” Ông ta cười xong thì quay đầu gọi, “Thận Ngữ, ra gặp khách này.”

Ở một góc quán có một người đang ngồi, thế nhưng chỉ có thể nhìn thấy được bóng lưng, lúc này người kia nghe tiếng gọi thì đứng dậy, quay người lại thì mới nhìn rõ được dáng dấp. Doãn Thiên Dương quan sát người kia thì phát hiện chiếc áo sơ mi mặc trên người đối phương giống hệt chiếc áo sơ mi của Đinh Hán Bạch, chỉ là khi mặc vào thì lại toát lên một cảm giác rất khác biệt.

“Đây là người nhà tôi, Kỷ Thận Ngữ.”

Kỷ Thận Ngữ nhìn qua trông trẻ hơn Đinh Hán Bạch, khí chất cũng nho nhã nhã nhặn hơn rất nhiều, ông gật đầu cười rồi ngồi xuống đối diện, đoạn nói: “Sư ca, anh đừng làm ra vẻ gây khó dễ nữa, đã để người ta tới tìm mình rồi thì mau nói cho rõ ràng đi.”

Bấy giờ Đinh Hán Bạch mới đặt ấm trà xuống, sau đó lấy miếng ngọc Quan Âm kia ra khỏi túi, rồi hỏi Nhiếp Duy Sơn: “Đây là tự cậu khắc? Không ai hỗ trợ?”

Nhiếp Duy Sơn nói: “Vâng, đẽo gọt chừng mấy ngày ạ.”

“Cậu cũng biết cân nhắc đấy.” Tựa như là không nỡ mà Đinh Hán Bạch cứ nắm rồi lại siết, sau đó ông ta đặt xuống mặt bàn, “Bác trai, Nhiếp Phong, chắc hẳn hai người biết ‘trả nợ’ là có ý gì, thôi thì tôi nói luôn, trả nợ chính là Đinh Hán Bạch tôi sẽ trả hết tất cả các khoản nợ của gia đình hai người.”

Nhiếp Phong hỏi: “Vậy anh có điều kiện gì?”

Đinh Hán Bạch gãi gãi thái dương, đoạn nói: “Mấy trung tâm đồ cổ trong thành phố này đều là tôi mở, khoản nợ mấy triệu kia của nhà anh trong mắt tôi chỉ là giá của hai bức tranh, nhưng tôi là người làm ăn, không phải nhà từ thiện, cho nên tôi muốn trao đổi đồng giá.”

Kỷ Thận Ngữ nghe thấy vậy thì khẽ nghiêng đầu sang một bên rồi nở nụ cười.

“Nhà tôi không có thứ gì đáng giá mấy triệu, ngay đến cửa hàng cũng đã sang nhượng để trả tiền phẫu thuật.” Ông Nhiếp nói.

Đinh Hán Bạch như nghe thấy được chuyện gì hiếm lạ mới rũ mắt xuống bắt đầu cười, cười xong thì giơ tay chỉ vào Nhiếp Duy Sơn: “Bác trai ạ, tôi muốn cháu trai cưng của bác.”

Nhiếp Duy Sơn đã ngờ tới từ lâu cho nên vẫn trầm mặc không có phản ứng gì. Đinh Hán Bạch tiếp tục nói: “Có lời này khó nghe, nhà họ Nhiếp các người ở trong nghề này giống như phù dung sớm nở tối tàn, Nhiếp Tùng Kiều còn tại thì hoang phí hết của cải, tay nghề của bác thì không được, Nhiếp Phong anh thì có nghệ không có đức, bỏ bê nhiều năm như vậy rồi có lẽ cũng hết cách. Thế nhưng không ngờ trong đám con cháu lại có một miếng báu vật, mà báu vật này là tôi nhìn thấy, tôi phải nhặt.”

Lời này đâu chỉ khó nghe, từ việc gọi thẳng họ tên của bố đẻ ông Nhiếp đã có thể thấy gần như không tôn trọng người khác, thế nhưng từng câu từng chữ đều là sự thật. Nhiếp Phong tái mặt, hỏi với vẻ không chắc chắn: “Anh muốn nhận Tiểu Sơn làm đồ đệ?”

“Phải, làm đồ đệ.” Đinh Hán Bạch nhìn Nhiếp Duy Sơn, “Làm đồ đệ của tôi, trước hết không nói đến chuyện tôi có dạy cậu tay nghề hay không, nhưng tôi chỉ Đông cậu không được đi Tây, nếu tôi cáu lên thì cậu phải đứng im đó để tôi chửi cho sướng miệng, tôi bị bệnh thì phải bưng trà rót nước hầu hạ, đến khi già rồi vào những dịp lễ tết cậu phải dập đầu trước tôi, cho dù tôi chết thì cậu cũng phải mặc áo tang đưa quan tài của tôi đi hết phố!”

Doãn Thiên Dương đứng bật dậy: “Đây là đồ đệ hay là con trai vậy!”

Nhiếp Duy Sơn kéo Doãn Thiên Dương về bên người rồi ấn ngồi xuống, đoạn hỏi: “Bạch gia, không phải chỉ những điều này thôi đúng không ạ?”

Đinh Hán Bạch bưng chén lên, dùng nắp trà gạt bề mặt trà, sau đó nhẹ nhàng thổi một hơi, đoạn nói: “Những điều này là cơ bản nhất, về phần ngày thường làm đồ đệ tôi phải học cái gì, làm cái gì, thì phải chờ sau khi cậu đưa ra quyết định rồi mới nói sau.”

“Nói đến thế rồi mà còn chưa vào nội dung chính! Hiến pháp cũng không nhiều yêu cầu như ông đâu á!” Doãn Thiên Dương cảm thấy Nhiếp Duy Sơn bị ức hiếp, người lớn không tiện mở miệng nên cậu bèn há mồm nã pháo, nã xong thì mới phát hiện Kỷ Thận Ngữ nhìn cậu cười nên bất chợt có phần ngại ngùng, đành đổi thành nhỏ giọng lầm bầm, “Ngày thường tám giờ mới tan học, học gì với làm gì được chứ? Kể chuyện trước khi đi ngủ cho ông ạ?”

Nhiếp Duy Sơn đặt tay xoa xoa sau gáy Doãn Thiên Dương rồi hỏi: “Bạch gia, còn yêu cầu nào khác không ạ?”

Đinh Hán Bạch thờ ơ nói: “Nghỉ học.”

Ông Nhiếp và Nhiếp Phong đều sững sờ, Nhiếp Duy Sơn cũng không ngờ đối phương lại nói thẳng như vậy, không những nói thẳng mà giọng nói kia âm điệu kia thậm chí còn có chút tàn nhẫn. Trong phút chốc cả phòng khách trở nên yên lặng, tựa như tất cả đều đang cố tiếp thu hai chữ này.

Ai ngờ là chưa tới năm giây, Doãn Thiên Dương đã kích động hỏi: “Ông chỉ thiếu một đồ đệ thôi ạ? Tôi cảm thấy tôi cũng được lắm!”

Đinh Hán Bạch cho bọn họ hai ngày suy nghĩ, lúc gần đi ông ta vỗ vai Nhiếp Duy Sơn, đoạn nói: “Ông nội và bố cậu cả đời này đều quá nhàm chán cho nên bọn họ không có tư cách quyết định thay cậu. Con đường là con đường của cậu, quyết định cũng phải do chính cậu đưa ra, tôi chờ cậu đến kính trà cho tôi.”

Nhiếp Duy Sơn gật đầu: “Vậy trước tiên trả Quan Âm lại cho tôi.”

“Nhóc con,” Đinh Hán Bạch nhét Quan Âm vào trong túi Nhiếp Duy Sơn, “Bạn trai nhỏ kia của cậu không đeo một ngày cũng không chết được đâu, có phẩm giá chút đi.”

Nhiếp Phong đã đẩy ông Nhiếp ra ngoài, Doãn Thiên Dương còn đang chờ Nhiếp Duy Sơn, lúc này Kỷ Thận Ngữ đưa cho cậu một hộp trà túi lọc, đoạn nói: “Dùng để nâng cao tinh thần, buổi chiều uống thì lên lớp không buồn ngủ.”

Cậu gật đầu nói cảm ơn, có cảm giác bản thân cũng trở nên nho nhã.

Đợi đến khi mọi người đã đi hết, Đinh Hán Bạch bỗng nói: “Hai bên đối lập nhau mà em còn chủ động tặng quà, có thể có chút kiêu ngạo không vậy?” Kỷ Thận Ngữ quay lại góc phòng tiếp tục chạm khắc một miếng mã não Nam Hồng, trả lời: “Nhờ phúc đứa trẻ kia mà em có thể vui vẻ cả ngày, món quà này tặng đi em rất vui lòng.”

Đinh Hán Bạch đi tới bên cạnh nhìn đối phương xuống dao: “Vậy sao em không tặng đồ đệ của anh?”

Kỷ Thận Ngữ cười: “Anh cũng đã nói là đồ đệ anh, vậy mà còn lo sau này thằng bé không có trà uống à?”

Sau khi về nhà, Nhiếp Duy Sơn kể lại đầu đuôi mọi chuyện cho chú ba và thím ba, Doãn Thiên Dương thì thêm mắm dặm muối nói cho Doãn Hướng Đông và Bạch Mỹ Tiên, người lớn hai nhà tụ tập lại cùng bàn bạc, cuối cùng thống nhất là nên từ chối.

Chỉ có ông Nhiếp và Nhiếp Phong là chưa đưa ra ý kiến, bởi vì cả hai đều là thợ thủ công, người trong nghề và người thường có suy nghĩ khác nhau, ở trong lòng bọn họ có tay nghề là có bản lĩnh an cư lập nghiệp. Nhưng người bình thường thì không hiểu được những điều đó, họ cảm thấy đọc sách thi đại học mới là con đường đúng đắn.

Nhóm người lớn thì như mở buổi họp tranh luận, còn Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương thì ngồi ở ngưỡng cửa chơi điện thoại, một người chơi đấu địa chủ, một người chơi cờ caro. Điện thoại đã sắp hết pin mà trong phòng vẫn chưa thảo luận được ra kết quả.

Doãn Thiên Dương hỏi: “Trong lòng cậu nghĩ thế nào?”

Nhiếp Duy Sơn đáp: “Cậu đoán xem.”

“Tớ đoán là bái sư, đầu tiên không nói những thứ khác nhưng ít nhất không cần đi học, cũng không cần phải thi nữa.” Doãn Thiên Dương cất điện thoại đi, “Chỉ là cứ có cảm giác như làm trâu làm ngựa ấy, nhưng dù sao làm trâu làm ngựa cho một người cũng hơn gánh một khoản nợ đi khắp nơi chịu khổ, hơn nữa sóng sau xô sóng trước, sau khi học thành nghề cậu hãy trâu bò hơn ông ấy!”

Nhiếp Duy Sơn khoác tay lên vai Doãn Thiên Dương, rồi ngửi tóc Doãn Thiên Dương: “Cậu cảm thấy làm trâu làm ngựa có thể có giá mấy triệu sao? Đúng là Bạch gia là một thợ thủ công nhưng hiện tại ông ấy còn là người làm ăn, cho nên chắc chắn ông ấy sẽ không làm một vụ mua bán lỗ vốn.”

Doãn Thiên Dương hoảng sợ: “Đệch, chắc không phải ông ấy để cậu cưới con gái ông ấy đấy chứ?”

“Gì đấy, nghĩ đi đâu vậy.” Nhiếp Duy Sơn xoa xoa bả vai Doãn Thiên Dương, “Nếu tớ không đoán sai thì dạy cho tớ tay nghề không phải là chuyện chính, ông ấy muốn tớ học buôn đồ cổ.”

Trong phòng đột nhiên yên tĩnh, Nhiếp Duy Sơn đứng dậy sải bước đi vào, hắn mở cửa rồi đứng dưới ánh đèn, nói với các bậc cha chú: “Không cần thảo luận nữa ạ, cháu muốn bái sư, dù cho con đường sau này có thẳng hay gập ghềnh thì cháu cũng sẽ đi đến cùng.”

Doãn Thiên Dương chạy tới ủng hộ: “Cháu đi cùng cậu ấy!”

Hai ngày sau, Nhiếp Duy Sơn một mình tới quán trà Trân Châu, tầng một có khách ngồi uống trà nên hắn được dẫn lên tầng ba. Dường như tầng ba không mở cho người ngoài, cách trang trí sắp xếp giống như một gian phòng để nghỉ ngơi, Kỷ Thận Ngữ ngồi khoanh chân trên một chiếc giường nhỏ ăn bánh ngọt, trên tấm lụa vàng phủ lên đệm mỏng bị rơi đầy vụn bánh.

Đinh Hán Bạch ngồi ở đối diện khắc mã não, lẩm bẩm: “Em chán thì vứt sang cho anh, còn mình thì ngồi ăn bánh cũng chẳng thèm đút cho anh nếm thử.”

Nhiếp Duy Sơn đến gần chào hỏi, Đinh Hán Bạch chẳng thèm giương mắt: “Ngồi đại đi.” Đợi Nhiếp Duy Sơn ngồi xuống thì ông ta ném miếng mã não và dao sang, đoạn sai khiến: “Con khắc đi, coi như là lễ bái sư.”

Nhiếp Duy Sơn tiếp nhận: “Ngài cứ vậy mà khẳng định tôi tới bái sư?”

“Không phải à?” Đinh Hán Bạch giả ngu, “Thế cậu đi đi, không giữ cậu lại ăn cơm nữa.”

“Con để bụng rỗng mà đến, thôi thì ở lại ăn đi ạ.” Nhiếp Duy Sơn cười rồi quan sát bán thành phẩm trên tay, sau đó quay sang hỏi Kỷ Thận Ngữ, “Sư thúc ơi, hoa lan này định làm gì ạ? Để con cân nhắc nên xử lý mặt sau như thế nào.”

Kỷ Thận Ngữ đáp: “Định khảm vào đế để làm ghim cài áo.”

“Vâng, vậy con khắc thêm hai chiếc lá.” Nhiếp Duy Sơn cầm dao rồi chạm khắc, hết thảy đều đã nắm chắc trong lòng. Đinh Hán Bạch yên lặng ăn bánh ngọt,  trong vòng nửa chén trà nhỏ đã quan sát triệt để người đồ đệ vừa mới nhận này.

Vừa đến giờ cơm trưa, trên chiếc bàn tròn trong phòng ăn đã bày đủ thức ăn, ba người ngồi xuống, Đinh Hán Bạch mở miệng nói: “Ăn cơm trước, quy củ thì vừa ăn vừa nói.”

Nhiếp Duy Sơn chăm chú lắng nghe, chỉ chờ đối phương sắp xếp. Sau khi uống một bát canh nóng, Đinh Hán Bạch nói: “Nhà họ Đinh chúng ta có một bộ kỹ năng chạm khắc ngọc riêng, từ từ ta sẽ dạy cho con, nhưng không phải để con vứt bỏ những gì đã biết mà là muốn kết hợp cả hai, tự con phải mày mò.”

“Vâng, con biết rồi ạ.” Nhiếp Duy Sơn đáp một tiếng, “Có phải người còn có thứ khác muốn dạy con đúng không?”

Đinh Hán Bạch hỏi ngược lại: “Con muốn học cái gì?”

Nhiếp Duy Sơn trả lời: “Có nghề trong tay không lo chết đói, cái gì con cũng muốn.”

“Khẩu khí cũng không vừa.” Đinh Hán Bạch đặt bát cơm xuống, “Từ năm hai mươi tuổi ta tự gây dựng sự nghiệp đã bắt đầu buôn đồ cổ, cái nghề này có người thuần túy là vì hứng thú, lại có kẻ hoàn toàn chỉ vì tiền. Một món đồ trị giá một trăm nghìn có thể bán đi với giá một triệu, mà với một triệu cũng có thể chỉ mua được một miếng sắt vụn. Cho nên không chỉ cần hiểu mà còn phải biết mua đi bán lại, nghề này so với việc buôn bán bình thường thì cần phải có kiến thức, nhưng con chỉ có kiến thức thì cũng chưa chắc đã kiếm được tiền.”

“Không khó để dạy một người gia nhập giới đồ cổ, chỉ cần cố gắng học nhiều quan sát nhiều thì sớm muộn gì cũng có thể học thành nghề. Chuyện con chạy tới Quảng Châu ta đã nghe qua và một trong những điểm ta đánh giá cao ở con đó là gan lớn, chịu được khổ. Lại thêm thiên phú thì con sẽ dễ thành công hơn người bình thường rất nhiều.” Đinh Hán Bạch ăn xong rồi, ông ta đặt đũa xuống rồi lau tay, “Còn có một điểm quan trọng nhất, có lẽ chính bản thân con cũng không biết, đầu óc con rất nhanh nhạy, so với việc làm một nghệ nhân thì rõ ràng con hợp làm kinh doanh hơn.”

Nhiếp Duy Sơn chưa từng nghĩ nhiều đến vậy, từ trước tới nay hắn đi bước nào thì tính bước đó, có thể trải qua từng ngày thật tốt là được rồi.

“Được rồi, ra phòng ngoài chờ đi, đợi lát nữa kính trà cho ta.” Đinh Hán Bạch phẩy tay. Phòng ăn chỉ còn lại ông ta và Kỷ Thận Ngữ, Kỷ Thận Ngữ thong thả dùng bữa, lẳng lặng không gây ra âm thanh gì, đến khi ăn xong thì rốt cuộc mới mở miệng: “Rất hài lòng à? Chưa từng thấy anh khen người khác như thế.”

Đinh Hán Bạch nói như đã tính trước mọi việc: “Không tới hai năm là nó có thể kiếm về mấy triệu cho anh, coi như tiền trả nợ không phải bỏ ra, còn tự nhiên kiếm được một đồ đệ dưỡng lão đưa ma, em nói xem buôn bán không mất vốn thì có hài lòng không?”

Kỷ Thận Ngữ cười nói: “Thật sự không tới hai năm?”

“Nói thừa, nghề này một lần đập vào mắt là đã hơn triệu, cũng đâu phải bán khăn quàng hay bán kẹo hồ lô.” Đinh Hán Bạch đứng dậy đi ra ngoài, “Để người vào thu dọn thôi, chúng ta uống trà bái sư nào.”

Ánh nắng chiếu vào bên cửa sổ, Đinh Hán Bạch và Kỷ Thận Ngữ mỗi người ngồi xuống một chiếc ghế bành, trên thảm trải sàn trước mặt được đặt một tấm đệm mềm, Nhiếp Duy Sơn nâng chén dâng trà, sau đó gập chân quỳ xuống.

“Đồ đệ Nhiếp Duy Sơn xin dâng trà.”

Sau khi dập đầu ba cái, Đinh Hán Bạch đặt chén trà lên mặt bàn, đoạn nói: “Gia huấn của nhà họ Đinh ta cũng chính là sư huấn, tổng cộng có hai điều, con phải khắc ghi trong lòng.”

Lúc này Kỷ Thận Ngữ đưa tới một miếng ngọc bội, Nhiếp Duy Sơn nhận lấy rồi đọc thành lời dòng chữ khắc trên ngọc bội.

“Đã nói là làm, đã làm phải được.”

“Thà làm ngọc nát, còn hơn ngói lành.”

Đọc truyện chữ Full