DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Hai Đứa Trẻ Vô Tư
Chương 55: Gian xảo!

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Nửa tháng sau khi trở về từ Túc Châu, Nhiếp Duy Sơn đi theo Đinh Hán Bạch tham gia nhiều buổi tụ tập khác nhau, trong lúc đó đã gặp được rất nhiều nhà sưu tầm đồ cổ, cũng dần dần bán ra không ít đồ.

Những thứ như đồ cổ này, càng để lâu thì càng có giá trị, vậy nên nếu như không cần tiền gấp thì mọi người đều sẽ không sang tay hoặc trao đổi đồ.

Đinh Hán Bạch là một ngoại lệ, trên đường về nhà sau bữa tiệc, ông nhìn khung cảnh bên ngoài cửa sổ xe rồi nói: “Ta buôn những thứ này đơn thuần là vì có hứng thú, ban đầu thì cảm thấy mấy món đồ thật đẹp, nhưng sau đó lại phát hiện dường như quá trình tìm kiếm còn thú vị hơn.”

Nhiếp Duy Sơn hỏi: “Có món đồ nào trong kho mà người không nỡ bán không ạ?”

“Không nỡ bán? Không có, tất cả đều không tiếc.” Đinh Hán Bạch trả lời thẳng thắn, “Những thứ này càng giữ càng đáng giá, nhưng ta để lại cho ai đây? Ta cũng chẳng có con cái, vậy nên cứ đổi thành tiền để tiêu là thích hợp nhất. Có một số món có thể tăng giá không ít sau hai năm, nhưng cũng không thể chờ đợi quá lâu, nhỡ đâu có tiền nhưng mạng chẳng còn thì đúng là xui xẻo.”

“Người mới có năm mươi, còn đến mấy chục năm nữa mà.” Nhiếp Duy Sơn không ngờ là Đinh Hán Bạch cũng rất tiếc mạng.

Đinh Hán Bạch liếc xéo hắn: “Năm mươi thì sao? Từ sau năm bốn mốt tuổi thì ta đã chuẩn bị sẵn sàng để ông trời gọi đi rồi.”

“Tại sao ạ, con cảm thấy xương cốt của người rất chắc khỏe mà.” Nhiếp Duy Sơn hơi giật mình. Đinh Hán Bạch lại nhìn ra ngoài cửa xe, “Khi còn trẻ ta quá ngông cuồng, đắc tội với nhiều người, cũng làm khổ nhiều người. Lúc tự gây dựng sự nghiệp suýt chút nữa khiến ông già nhà mình tức chết, anh em chú bác phạm sai lầm cũng không nể tình người thân, còn cả sư thúc con, năm đó ép ông ấy…”

Đinh Hán Bạch càng nói càng nhỏ, bất chợt trong khoang xe trở nên yên tĩnh, một lát sau ông quay đầu nhìn về phía Nhiếp Duy Sơn, mới nói tiếp: “Nghiệp chướng quá nhiều tất sẽ giảm thọ, đợi khi con đến tuổi này của ta thì sẽ hiểu.”

Nhiếp Duy Sơn suy nghĩ trong chốc lát rồi không kiềm chế được mà hỏi một câu: “Sư phụ ơi, vậy người có hối hận không?”

“Hối hận? Xưa nay ta không biết hai chữ ‘hối hận’ viết như thế nào.”

“Cho dù để ta sống lại thêm một lần nữa thì ta vẫn sẽ là cái dạng đó thôi.” Đinh Hán Bạch giãn lông mày ra, sau đó ngậm một điếu thuốc, “Muốn làm nhưng không làm mới phải hối hận, nếu đã làm, đúng, thì tiếp tục, sai, thì tự chịu trách nhiệm, còn nếu làm xong mà vẫn có thì giờ suy xét xem hối hận hay không thì đấy chắc chắn là mấy kẻ vô dụng.”

Thành thật mà nói, so với học tập những kiến thức khô khan thì Nhiếp Duy Sơn thích nghe Đinh Hán Bạch nói chuyện phiếm hơn nhiều. Khi thấy chỉ còn cách Trung tâm đồ cổ một con phố thì hắn nói: “Sư phụ ơi, con có một chuyện muốn làm, nếu không làm thì sẽ hối hận.”

Đinh Hán Bạch nhả khói trong miệng ra: “Chuyện gì mà phải nói với ta?”

“Con muốn xin nghỉ phép ạ.” Nhiếp Duy Sơn mở điện thoại rồi nhìn ngày tháng, “Hôm nay đã là mùng chín, con muốn xin nghỉ mấy ngày để cùng Dương nhi đi huấn luyện, cậu ấy sắp tham gia giải đấu rồi ạ.”

Đã vào tới bãi đậu xe bên cạnh Trung tâm đồ cổ, sau khi tắt máy thì nhiệt độ trong xe lập tức tăng lên, Đinh Hán Bạch mở cửa xe nhưng không nhúc nhích mà ngược lại còn đốt thêm một điếu thuốc, đoạn nói: “Con đã nghĩ xem sẽ làm thế nào với chiếc bát sứ men xanh kia chưa?”

Câu hỏi này không phải quan tâm, lại càng không phải tò mò mà là đưa ra đề bài cho Nhiếp Duy Sơn. Bát sứ men xanh là món đồ đầu tiên tự bản thân Nhiếp Duy Sơn mua vào, phải bán ra thế nào, bán ra bao nhiêu, cũng giống như bài kiểm tra cuối kỳ, tất cả sẽ phản ánh một cách trực quan rằng hắn đã học được bao nhiêu, có năng lực đến đâu.

Nhiếp Duy Sơn nói một cách từ tốn: “Đợi một thời gian nữa ạ, mấy ngày tới con muốn khắc vài thứ.”

Xuống xe rồi thì mỗi người đi một ngả, Đinh Hán Bạch đi thẳng tới quán trà Trân Châu để ngủ trưa, còn Nhiếp Duy Sơn thì lang thang trong Trung tâm đồ cổ, hắn đi thẳng tới khu tập trung tương đối nhiều đồ sứ, sau đó dạo quanh một vòng tốn hết gần nửa buổi chiều.

Đi tới bên ngoài một cửa tiệm, hắn trông thấy có một ông cụ đang lời qua tiếng lại với chủ tiệm, vì vậy bèn đứng lại nghe xem người ta nói cái gì. Ông cụ chống gậy, nghe giọng thì không phải người địa phương, ông nói: “Sứ men xanh ở đây của cậu vốn không phải thời Bắc Tống, tôi không cần.”

Chủ tiệm thấy phiền nói: “Không cần thì đi đi chứ, ngài đừng làm ảnh hưởng đến việc buôn bán của tôi.”

“Vậy cậu nói cho tôi biết tiệm nào có đi, tôi chạy khắp mấy chợ đồ cổ rồi, mọi người đều chỉ đến nơi này của các cậu.” Ông cụ khá lớn tuổi, quần áo trên người rất cũ, có lẽ toàn bộ tiền đều dùng để gom đồ cổ.

Chủ tiệm hiểu ra: “Thứ ngài tìm là bát sứ men xanh thời Ngũ Đại xuất hiện ở Túc Châu năm nay chứ gì? Nó là do đồ đệ của ông chủ chúng tôi thu mua, mấy ngày nay đã có rất nhiều người đến hỏi rồi, cũng không biết tại sao lại lan truyền trong giới.”

Nhiếp Duy Sơn ở bên ngoài lén vui mừng, nửa tháng nay chỉ cần hắn đi cùng Đinh Hán Bạch thì sẽ nhắc tới món đồ kia, dần dần đã lan truyền được chút tin tức trong giới, cũng càng lúc càng thu hút được nhiều người yêu thích. Nhưng với mức độ hiện tại thì còn lâu mới đủ, đồ đệ của Đinh Hán Bạch là cái gì, hắn có họ có tên, nếu nhiều người còn chưa biết vậy thì hắn sẽ đánh một trận thành danh.

Có tên tuổi rồi, thì làm cái gì cũng dễ.

Ở trong Trung tâm đồ cổ đến khi trời sẩm tối, buổi tối hắn mua thức ăn về nhà làm cơm, trong nhà không bật đèn, vào khoảnh khắc mở cửa hắn còn tưởng Nhiếp Phong không có nhà. Nhìn kỹ lại thì thấy có chút ánh sáng hắt ra từ cửa phòng ngủ, hắn nhẹ nhàng bước tới rồi đẩy cửa ra thì trông thấy Nhiếp Phong đang ngồi trước bàn làm việc.

“Bố, con về rồi đây, bố làm bao lâu rồi ạ?”

Mũi dao trên tay Nhiếp Phong dừng lại, ông ngẩng đầu nói: “Ăn xong bữa sáng là ngồi ở đây luôn, bố quên mất.”

Nhiếp Duy Sơn nói cảnh cáo: “Bố lại muốn mệt nhọc quá độ à? Mau bỏ sang một bên rồi nghỉ ngơi đi ạ, khắc cái bát rửa bút thôi thì gấp làm gì chứ, cũng không phải đồ làm theo yêu cầu có thời hạn, coi như giết thời gian là được rồi.”

Hắn xách đồ ăn đi vào bếp, sau khi Nhiếp Phong ra ngoài thì hai bố con cùng ngồi trước bàn nhặt rau. Nhiếp Duy Sơn liếc nhìn đồng hồ rồi nói: “Hôm nay cũng đừng đi tản bộ nữa, cơm nước xong thì bố ngủ sớm chút đi ạ.”

Nhiếp Phong nói với vẻ tiếc nuối: “Nếu có máy mài thì tốt rồi, nếu không đánh bóng sẽ rất bất tiện.”

“Máy của Nhĩ Ký con vẫn còn giữ đây ạ, để trong nhà kho ở nhà chú ba.” Nhiếp Duy Sơn nhìn ra bố hắn vui mừng trong tức khắc, “Có phải có máy mài rồi thì càng làm mất ăn mất ngủ không đấy ạ?”

Nhiếp Phong khoát tay: “Trong lòng bố vui thôi, tay nghề đã bỏ nhiều năm như vậy mà vẫn chưa quên, xem ra ông trời cũng quan tâm đến bố lắm.” Nhặt được một rổ rau đầy thì ông mang ra bồn rửa, rồi nói dự tính của mình: “Bố nghĩ thế này, bây giờ con hay tới Trung tâm đồ cổ nên bố làm mấy thứ rồi con có thể đem bán, coi như là trợ giúp phí sinh hoạt.”

Nhiếp Duy Sơn đang bóc tôm bỗng khựng lại, rồi giả vờ thờ ơ nói: “Vậy không phải là bán hàng tận cửa à, trước tiên cứ để dành đi ạ, đợi sau này con mở cửa hàng thì đỡ phải làm nữa.”

“Cái gì, mở cửa hàng?” Nhiếp Phong đóng vòi nước lại, sợ bản thân nghe không rõ, “Con định mở cửa hàng? Được không?”

“Sao lại không được ạ, trên đời này không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền.” Nhiếp Duy Sơn lấy dao rạch một đường trên lưng tôm rồi rút chỉ tôm ra, “Bố ơi, con muốn nói trước với bố một tiếng, khi mở cửa hàng thì con muốn thêm tên của Dương nhi vào, đây là dự tính từ lâu của hai bọn con.”

Nhiếp Phong hơi giật mình, trong chốc lát không lên tiếng trả lời. Nhiếp Duy Sơn đeo tạp dề vào chuẩn bị nấu cơm, lại bổ sung thêm hai câu: “Con đã xin sư phụ nghỉ mấy ngày, ngày mai sẽ bắt đầu đi huấn luyện cùng Dương nhi, trận đấu tới rất quan trọng với cậu ấy, nếu lấy được huy chương thì có thể vào thẳng Học viện Thể thao.”

“Nếu không lấy được thì sao?”

“Nếu không lấy được thì phải tự thi.” Nhiếp Duy Sơn đập hai quả trứng, vừa đánh vừa đổ vào nồi, “Yêu cầu về điểm số của học sinh thể thao khá thấp nên cũng không phải là vấn đề lớn. Cứ xem tình hình rồi tính, cho dù tình huống xấu nhất là cậu ấy không thi đậu thì có thể thử thông qua huấn luyện viên để tìm gặp lãnh đạo gì đó rồi bỏ chút tiền.”

Nhiếp Phong nói với vẻ trầm ngâm: “Đây là chuyện mà chú Doãn của con sẽ phải cân nhắc, không phải điều con nên nghĩ.”

“Không có gì nên hay không ạ, lúc trước khi con đi đua xe vào buổi tối để kiếm mấy trăm đồng thì cậu ấy nói với con, trong tương lai cậu ấy sẽ luôn kiếm được cơm ăn, chỉ cần có cậu ấy thì con sẽ không bị chết đói.” Nhiếp Duy Sơn ngước mắt nhìn chiếc quạt thông gió đang chuyển động, có cảm giác như tâm tư cũng bị hút vào vòng xoáy, “Hai bọn con tuy hai mà một, tách cũng không thể tách rời.”

Nhiếp Phong đi ra ngoài, trong phòng bếp chỉ còn lại Nhiếp Duy Sơn cùng mùi khói dầu thoang thoảng, hắn cầm xẻng xào đảo mấy con tôm đang dần dần chín tới rồi nhớ lại chuyện đêm đó Doãn Thiên Dương chờ hắn dưới nhà.

Hắn lờ mờ cảm thấy, đến một ngày kia khi phải thú nhận, chắc chắn Doãn Thiên Dương sẽ vừa mạnh mẽ vừa lỗ mãng đứng chắn trước mặt hắn, nhưng sau đó lúc chỉ còn lại hai người họ thì khuôn mặt nhỏ nhắn kia sẽ lại cúi gằm xuống rồi bắt đầu tủi thân mà càu nhàu.

Nấu cơm xong, Nhiếp Duy Sơn chia sẵn một phần vào hộp giữ nhiệt, hắn rất muốn cười, đâu chỉ là suy nghĩ hộ chú Doãn mà quả thật còn làm thay cả việc của dì Tiên luôn rồi.

Càng tiến gần đến giải đấu thì đội điền kinh gần như bao thầu cả phòng tập luyện của trường Thể thao, mỗi ngày đúng tám giờ có mặt rồi bắt đầu khởi động, hạng mục huấn luyện lấp đầy cho đến trưa, cường độ còn nặng hơn so với khi tập huấn.

Doãn Thiên Dương đầm đìa mồ hôi, áo thun dính chặt cả lên người, lúc ngồi xổm xuống buộc giây giày thì bắp chân run rẩy rồi lảo đảo ngã ngồi xuống sàn. Cậu lau mồ hôi, híp mắt nhìn thấy có một anh chàng đẹp trai đi vào cửa, sau đó anh chàng đẹp trai đi thẳng lên khán đài.

Cậu đã mệt đến mức sinh ảo giác rồi, cảm thấy người ta trông rất giống Nhiếp Duy Sơn.

“Anh Sơn!” Tần Triển cũng nhễ nhại mồ hôi, lúc này đang vén áo phơi cơ bụng, cậu ta vừa lia mắt nhìn thoáng qua khán đài thì trông thấy Nhiếp Duy Sơn bèn tí tởn chạy tới, rồi ném một chai nước mát cho Nhiếp Duy Sơn.

“Cảm ơn.” Nhiếp Duy Sơn vặn chai nước uống một hớp, “Có phải huấn luyện mệt lắm không, nhìn bộ dạng của mấy người kìa.”

Tần Triển kéo ống tay áo ra lau mồ hôi: “Mệt đến mức em muốn mua vé máy bay về Thiệu Hưng luôn rồi! Huấn luyện viên đúng là không phải người, cầm còi thổi bíp bíp cả buổi sáng, không để cho người ta kịp thở.”

Ánh mắt của Nhiếp Duy Sơn dính chặt vào cái người tên Doãn Thiên Dương đang ngồi sững sỡ trên sàn, nói với vẻ khó hiểu: “Tên kia tập đến ngáo rồi à? Há miệng như trẻ bại liệt thế.”

“Anh nói Thiên Dương ấy hả?” Tần Triển quay đầu gọi Doãn Thiên Dương, “Thiên Dương! Anh Sơn đến!”

Doãn Thiên Dương há miệng ngẩn người, hồn bay phách lạc không biết đâu mà lần, cơ bắp trên đùi cậu như súng bắn giật giật liên hồi, còn cẳng chân thì run lẩy bẩy nên hiện tại cậu chỉ có thể ngồi, đứng lên một cái thì sẽ nhảy trong vô thức.

Nhiếp Duy Sơn thấy đối phương không có phản ứng thì đứng dậy nhảy xuống khán đài, sau khi đến gần thì lấy lọ tinh dầu trong túi ra rồi mở nắp đưa đến trước mũi Doãn Thiên Dương, đoạn hỏi: “Anh Dương, tỉnh chưa?”

Ánh mắt ngây dại của Doãn Thiên Dương dần dần tập trung lại, cậu nhíu mũi một cái rồi hắt xì, còn hắt mạnh quá đà mà chúi đầu vào ngực Nhiếp Duy Sơn. Nhiếp Duy Sơn đổ một chút tinh dầu lên đầu ngón tay rồi xoa hai bên thái dương cho đối phương, đoạn nói: “Huấn luyện hay là chịu cực hình vậy, đừng để đến lúc thi đấu lại phải tạm dừng giữa chừng.”

“Huấn luyện viên nói đợi đến mai là quen rồi, nhưng mà tớ đoán chắc đến ngày mai thì không chỉ xoa thái dương thôi đâu, mà còn phải ấn huyệt nhân trung nữa ấy.” Trên mặt Doãn Thiên Dương nồng nặc mùi tinh dầu, chính cậu cũng cảm thấy nức cả mũi, “Đúng rồi, sao hôm nay cậu lại rảnh rỗi mà tới tìm tớ thế?”

Nhiếp Duy Sơn ngồi bệt xuống tại chỗ, sau đó xoa bóp cẳng chân cho Doãn Thiên Dương: “Tớ xin nghỉ phép, mấy ngày tới đều sẽ có thời gian rảnh để tìm cậu.” Nắn bóp xong còn dùng bàn tay đỡ lấy, sau khi xác định không còn run nữa thì mới đổi sang chân khác, “Kết thúc huấn luyện buổi sáng thì tớ sẽ mang cơm trưa đến cho cậu.”

Doãn Thiên Dương vén tóc mái lên: “Những người khác chẳng ai có người nhà đến chăm sóc đâu.”

“Thật à?” Nhiếp Duy Sơn giả vờ ngạc nhiên, “Vậy thì liên quan gì đến tớ chứ.”

Hai người nhìn nhau cười nhưng chưa vui được bao lâu thì huấn luyện viên lại thổi còi, Doãn Thiên Dương đứng dậy: “Tập thêm một lượt nữa là xong, cậu nhìn đây xem tớ có mạnh không!”

Nhiếp Duy Sơn đứng bên cạnh đút một tay vào túi, một tay kia thì siết chặt bình tinh dầu nho nhỏ. Trên sân huấn luyện viên thổi còi ra lệnh, các vận động viên thực hiện động tác rất đồng đều.

Chỉ cần có người lười biếng hoặc phản ứng chậm thì huấn luyện viên sẽ đi tới cho một đá. Doãn Thiên Dương mím chặt môi, mắt nhìn chằm chằm xuống đất, mồ hôi hột rơi tí tách tí tách, mí mắt cũng bị nóng đến đỏ bừng, nhưng khi chạy ngang qua chỗ Nhiếp Duy Sơn thì lại đột nhiên như được kích hoạt, hai mắt sáng ngời nở một nụ cười rạng rỡ.

Nhiếp Duy Sơn cảm thấy thỏa mãn chưa tới nửa giây thì đã nghe thấy một tiếng hét thảm thiết.

“Chú cmn ý vào cho tôi!” Huấn luyện viên đã rút chân về, trên lưng Doãn Thiên Dương hằn lại hai dấu chân. Nhiếp Duy Sơn chẳng thèm nghĩ ngợi đang định xông tới thì Tần Triển hét to: “Anh Sơn! Bỏ đi bỏ đi!”

Tiếng còi lại vang lên, buổi tập luyện cuối cùng cũng kết thúc. Doãn Thiên Dương có chiều cao ngang tầm Côn Bằng nhưng hình dáng thì thuộc dòng Hỉ Thước, cậu vui vẻ chạy tới, sau đó vươn đầu vẩy một cái, bắn hết mồ hôi lên người Nhiếp Duy Sơn.





“Cậu học Thiên Đao đấy à, rũ lông tung tung.” Nhiếp Duy Sơn cười mắng một câu, sau đó đưa tay ôm trọn khuôn mặt của Doãn Thiên Dương lắc lắc mấy cái, “Lau khô mồ hôi đi rồi ăn cơm, buổi chiều mấy giờ huấn luyện?”

“Ba giờ, tớ muốn ra bể bơi tắm cái đã.” Doãn Thiên Dương lấy đồ dùng vệ sinh và quần áo sạch ở trong túi ra, “Đi cùng đi, bể bơi mát mẻ còn có bàn để nghỉ ngơi.”

Buổi trưa ở bể bơi chỉ có dì quét dọn, Nhiếp Duy Sơn mở hộp cơm, đồ ăn xếp chồng thành mấy tầng, Doãn Thiên Dương tắm xong cởi trần đi ra rồi hít sâu một hơi ngửi mùi thơm: “Thịnh soạn quá đi! Cậu còn ruột hơn cả mẹ ruột tớ nữa ấy!”

Nhiếp Duy Sơn lại lấy một hộp hoa quả đã rửa sạch ra: “Từ mai sẽ không rửa nữa, trời nóng rửa dễ hỏng.” Hai người động đũa ăn cơm, Doãn Thiên Dương ăn ngấu ăn nghiến, đợi đến khi cơn đói qua đi thì mới giảm bớt tốc độ, đoạn nói: “Ngày mai cậu đừng đến thì hơn, nắng thế này đi lại nhiều làm gì, hơn nữa lúc huấn luyện tớ cũng không nói chuyện  được với cậu, chán lắm á.”

“Cậu khỏi phải quan tâm đến tớ, tớ có việc để làm.” Nhiếp Duy Sơn vỗ vỗ chiếc túi đặt trên bàn, “Tớ mang theo giấy bút, buổi chiều tớ sẽ ngồi trên khán đài vẽ.”

Doãn Thiên Dương kích động nói: “Cậu muốn điêu khắc à? Bạch gia dạy cậu hả?”

“Cái đấy thì không, thật sự thì tớ hơi nghi ngờ rốt cuộc ông ấy có biết điêu khắc hay không.” Nhiếp Duy Sơn kể lại chuyện xảy ra hai ngày trước ở Túc Châu nhưng không nói cụ thể kế hoạch của mình, “Tớ chưa từng khắc món đồ lớn nào, định chuẩn bị thử xem sao, dù sao nếu có thắc mắc gì thì cứ hỏi bố tớ là được.”

Ba giờ chiều mới băt đầu huấn luyện tập thể nhưng sau khi cơm nước xong rồi nghỉ ngơi một lát thì Doãn Thiên Dương đã bắt đầu tự tập luyện một mình, mà cậu không tập trong phòng tập luyện có điều hòa mà chạy thẳng về phía sân thể dục.

Một, hai giờ chiều là thời điểm nóng nhất, sân thể dục và đường băng đều bị ánh nắng rọi chói lòa, Nhiếp Duy Sơn có cảm giác không đội mũ thì không thể mở nổi mắt, hắn cầm mấy chai nước đứng dưới bóng cây rồi nói: “Cái tên ngốc nhà cậu, đang giữa trưa có thể yên phận nghỉ ngơi một lát không hả? Tớ chỉ sợ cậu phơi nắng thành một vũng nước nhỏ bốc hơi cmnl thôi.”

Làn da của Doãn Thiên Dương đã chuyển từ trắng sang hồng, đoán chừng đợi thêm một lát thì sẽ biến thành da đỏ, cậu bật nhảy hai cái tại chỗ rồi nói: “Sân thi đấu ở ngoài trời, đến lúc đó chắc chắn sẽ càng nắng càng nóng hơn, người khác chạy cự li ngắn thì còn đỡ chứ tớ chạy cự li dài nên nhất định phải làm quen sớm. Cậu bấm đồng hồ cho tớ đi, tớ chạy một vòng.”

Nhiếp Duy Sơn miễn cưỡng lấy điện thoại ra xem đồng hồ: “Một vòng là bao nhiêu?”

Doãn Thiên Dương sải chân chạy đi: “Năm nghìn mét!”

Nắng nóng như đổ lửa, Doãn Thiên Dương cũng giống như đạp Phong Hỏa Luân ở dưới chân, Nhiếp Duy Sơn đi qua đi lại trong bóng râm giống như phụ huynh đứng chờ bên ngoài phòng thi đại học. Đường băng phủ nhựa nóng muốn bỏng rát, Doãn Thiên Dương chạy từng vòng từng vòng như không biết mệt, ban đầu còn nhớ thỉnh thoảng lau mồ hôi nhưng một lúc sau thì cũng mặc kệ luôn.

Chạy xong năm nghìn mét cậu giảm tốc độ đi tới chỗ râm mát, cả khuôn mặt ngoại trừ hai con ngươi màu đen thì những nơi còn lại đều đỏ đến mức đáng sợ. Nhiếp Duy Sơn đưa nước và giấy tới, đau lòng nói: “Mấy ngày tới đều luyện như vậy à? Luyện đến tận khi tổ chức giải đấu hả?”

Doãn Thiên Dương gật đầu, há miệng thở hắt ra: “Tớ còn có thể tập nặng hơn nữa, tớ muốn lấy được huy chương!”

“Lấy lấy lấy, không lấy được thì tớ mua miếng vàng rồi khắc huy chương vàng Olympic cho cậu.” Nhiếp Duy Sơn ngốc nghếch phụ họa theo, sau đó ôm đối phương đi về phía phòng tập luyện. Trên đường không có ai, Doãn Thiên Dương lấy lại sức rồi nói: “Lần này tớ nhất định phải dốc hết sức mình, đến lúc đó cậu sẽ biết.”

Nhiếp Duy Sơn nói: “Tớ biết, cậu muốn được tuyển thẳng vào Học viện Thể thao, nhưng sang năm chúng ta vẫn còn cơ hội, lần này thất bại cũng không sao.”

Doãn Thiên Dương không nói gì, tuy đúng là cậu rất muốn vào Học viện Thể thao nhưng thật ra cậu cũng không lo lắng về chuyện đó quá nhiều. Lúc trước cậu đã từng nói, nếu thắng được huy chương thì sẽ làm nóng chảy để đánh nhẫn, cậu muốn tới lúc đó sẽ cùng Nhiếp Duy Sơn đeo chiếc nhẫn kiếm được bằng chính sức của cậu để thú nhận với gia đình.

Để người lớn biết rằng, hai người họ không hề chơi đùa.

Tuy cậu thường hi hi ha ha nhưng sẽ có thể cố gắng để tạo ra thành quả.

Mấy ngày sau đó mỗi ngày Nhiếp Duy Sơn đều đến trường Thể thao đưa cơm, lúc Doãn Thiên Dương huấn luyện thì hắn ngồi trên khán đài vẽ phác thảo, một bức phác thảo mà phải sửa đi sửa lại đến mấy lần, rốt cuộc đến khi hoàn thành thì cũng vừa lúc nhận được cuộc gọi của Nhiếp Phong.

“Tiểu Sơn à, bố chọn vật liệu cho con xong rồi, con muốn làm cỡ nào thì bố sẽ qua nhà chú ba con lấy máy cắt.”

Nhiếp Duy Sơn nghe thấy thế thì hơi sốt ruột: “Không phải trước khi ra cửa con đã dặn hôm nay bố đừng tới chợ vật liệu à, bố mau về uống chút canh đậu xanh rồi nghỉ ngơi đi ạ, hôm nay nóng và oi lắm.”

Nhiếp Phong lờ đi nói: “Không sao, già rồi không còn nhạy cảm với nhiệt độ nữa, thế bố qua thẳng nhà chú ba con đây, buổi tối con tiện đường về cùng Thiên Dương nhớ.”

Nhưng không đợi được đến buổi tối, lúc Doãn Thiên Dương chạy được ba nghìn mét trên sân thể dục thì run chân một cái rồi ngã lăn quay, đến khi đứng dậy thì bịt miệng xông vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo.

Nhiếp Duy Sơn không để ý được điều gì khác, cõng đối phương chạy về phía phòng tập luyện, vừa chạy vừa mắng: “Chắc chắn là say nắng rồi! Này thì chạy lung tung, đợi huấn luyện viên đến thì xin nghỉ về nhà!”

Các đồng đội khác đến sớm hơn huấn luyện viên, Tần Triển vừa ngủ trưa dậy nên còn lơ mơ, rề rà đi tới chào hỏi: “Anh Sơn, anh không buồn ngủ à, không thì tới ký túc xá của bọn em ngủ một lát đi. Này Thiên Dương, ông dậy được rồi đấy, đi rửa mặt đi.”

Doãn Thiên Dương ôm cặp sách cuộn mình nằm trên ghế, mở mắt rồi dụi dụi: “Huấn luyện viên tới chưa?” Nhiếp Duy Sơn vặn mở chai nước đút cậu uống mấy ngụm, “Chưa, có thấy nóng không?”

“Không nóng.” Doãn Thiên Dương lắc đầu, toàn thân tựa như cọng cỏ nhỏ phơi nắng héo rũ, “Mà còn thấy hơi lạnh nữa.”

Các đồng đội đến gần hỏi thăm, không ai chú ý tới huấn luyện viên vừa bước vào cửa, mãi đến tận khi tiếng còi vang lên thì cả đám mới bị dọa cho giật mình. Huấn luyện viên đi tới liếc mắt nhìn, trông có vẻ như đã tương đối có kinh nghiệm, hỏi thẳng: “Có chóng mặt không?”

Nhiếp Duy Sơn nói: “Có chóng mặt ạ, còn ngã cả ra, ngã xong thì nôn.”

“Say nắng rồi.” Dường như huấn luyện viên biết Doãn Thiên Dương tự tăng thêm khối lượng tập luyện cho mình, ông cúi người sờ trán cậu, “Hơi nóng, về uống thuốc hoặc tiêm rồi ngủ một giấc xem ngày mai thế nào.”

Nhiếp Duy Sơn hỏi ngay: “Huấn luyện viên ơi, cậu ấy tập luyện với cường độ cao như thế có khoa học vậy?”

Huấn luyện viên nói: “Làm sao tôi biết được, tôi dạy thể dục chứ có nghiên cứu khoa học đâu. Nhưng mà giờ chóng mặt chắc chắn nặng hơn khi trên sân đấu, đợi cơ thể cậu ta thích nghi hoàn toàn với cường độ này rồi thì đến lúc đó sẽ được thoải mái.”

Doãn Thiên Dương bị vác về nhà, buổi chiều ở nhà không có ai, Nhiếp Duy Sơn lấy thuốc hạ sốt cho cậu uống rồi nấu một nồi canh đậu xanh. Ở hẻm kế bên Nhiếp Phong đã lau chùi xong máy móc, đang đo đạc rồi đánh dấu chuẩn bị cắt gọt vật liệu.

Vì nghĩ tới việc ban ngày mọi người đều phải đi làm nên sau khi Nhiếp Duy Sơn và Doãn Hướng Đông bàn bạc đã quyết định đưa Doãn Thiên Dương về khu tập thể cũ. Doãn Thiên Dương nằm trên giường nghỉ ngơi, hắn ngồi trước bàn chạm khắc ngọc, còn Nhiếp Phong thì cầm cốc trà ngồi bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật.

“Chú Nhiếp ơi, cậu ấy đang khắc hoa mẫu đơn ạ?” Doãn Thiên Dương ngó đầu sang nhìn, “Lúc trước cũng từng khắc hoa mẫu đơn, vật liệu lần đó là Đường Tâm, đẹp lắm ạ.”

Nhiếp Phong thì thầm trả lời: “Mặt này là Phượng hoàng mẫu đơn, cháu nói xem có phải nó muốn thách thức chú không?”

Nhiếp Duy Sơn bật cười: “Con nghe thấy hết đấy, ai muốn thách thức bố chứ, đây là con kế thừa tay nghề của bố. Vua của trăm hoa và vua của muôn chim mới tràn ngập khí thế, khắc chim sẻ và hoa bìm bìm(*) thì còn gì là mới lạ.”

(*)Chim sẻ và hoa bìm bìm:

3

Doãn Thiên Dương ở bên cạnh nhìn rất vui: “Chú Nhiếp ơi, vừa nãy chú nói là ‘mặt này’ ấy ạ?  Chẳng lẽ còn có mặt sau à?”

“Có chứ, đây là bình phong trang trí bằng ngọc.” Nhiếp Duy Sơn đóng dao điện lại, phủi phủi vụn ngọc rồi tiếp tục, “Mặt trước là mẫu đơn phượng hoàng, mặt sau là dãy núi tùng bách, phong cách khác nhau.”

Làm việc đến tận đêm khuya mà mặt trước vẫn chưa ra phôi xong, Nhiếp Duy Sơn xoay vai rồi ngồi xuống bên giường, sau đó vươn tay sờ trán Doãn Thiên Dương, xác định không còn nóng nữa thì mới yên tâm. Doãn Thiên Dương nắm ngón trỏ của đối phương trong lòng bàn tay, đoạn nói: “Bụng ngón tay méo cả rồi, cậu không thể nghỉ một lát à?”

Nhiếp Duy Sơn nằm phịch xuống, gối lên chân Doãn Thiên Dương nghỉ ngơi: “Thời gian eo hẹp, mấy ngày nữa là sư phụ có một buổi gặp gỡ, tớ phải dùng thứ này làm nổi bật hình ảnh.” Doãn Thiên Dương cúi đầu nhìn hắn, đoạn nói: “Hai chúng ta hiếm khi cùng nhau cố gắng, hiện tại cậu cố gắng khắc ngọc, vì để tạo dựng tên tuổi trong nghề, tớ thì cố gắng tập luyện, vì để thi đấu đoạt huy chương, có cảm giác cuộc sống vô cùng có ý nghĩa.”

Nhiếp Duy Sơn nắm lại tay Doãn Thiên Dương thật chặt: “Cậu quên rồi à, khi còn đi học chúng ta đã từng cùng nhau cố gắng học tập đấy.”

Lúc đó cùng nhau cố gắng học tập, sau đó cùng nằm trong ba mươi vị trí đầu.

Vậy bây giờ cũng cùng nhau nỗ lực, thì chắc hẳn kết quả sẽ không quá kém.

Sau hai ngày nghỉ ngơi thì Doãn Thiên Dương quay lại sân tập nhưng cũng không hề giảm bớt cường độ tập luyện. Còn Nhiếp Duy Sơn mỗi ngày ngoại trừ ăn và ngủ thì về cơ bản tay không rời dao, trên ngón tay xuất hiện thêm không ít vết chai.

Chạng vạng ngày cuối tuần, hắn tắm rửa thay quần áo, Nhiếp Phong giúp hắn đóng gói bức bình phong ngọc trong phòng ngủ, sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ thì hắn đón xe đi tới quán trà Trân Châu.

Lúc này quán trà Trân Châu khác hẳn với ngày thường, tầng một và tầng hai rực rỡ ánh đèn, tiếng cười nói vang lên không ngớt, khách khứa thoải mái đi lại để giao lưu, nhân viên phục vụ cũng liên tục rót trà. Nhiếp Duy Sơn đi thẳng lên tầng ba, trên tầng ba cũng có khoảng chừng mười người, Đinh Hán Bạch vẫy tay: “Ta còn tưởng con mất tích sau mấy ngày nghỉ nữa chứ, lại đây chào hỏi mọi người.”

Tầng một, tầng hai đều là những người bạn trong hội sưu tầm có chút danh tiếng, còn có thể lên tầng ba thì phải là bạn tốt của Đinh Hán Bạch, hắn đi tới chào hỏi, có mấy vị đã từng gặp trong các buổi tụ tập trước đó.

Đợi đến khi mọi người đã đông đủ thì tất cả mọi người cùng đi xuống tầng, ngay chính giữa sảnh trước có hai bàn trà được kê ghép lại thành bàn trưng bày, Kỷ Thận Ngữ đứng ở phía trước nói: “Mọi người đều là người quen, quy trình cụ thể cũng không cần phải nói nhiều, chỉ có một điều, có thể đồ sưu tầm của người khác không gây được sự hứng thú nhưng không được bàn luận ngông cuồng, đều là người lành nghề cả, cũng chỉ vì giao lưu, đừng làm như thể ra chợ mua hàng.”

Buổi giao lưu đồ sưu tầm này là do Đinh Hán Bạch tổ chức, đến đây đều là người trong nghề, mỗi người được mang một món đồ ra triển lãm, nếu ai vừa ý thì có thể hỏi thăm để giao dịch, trả tiền hay trao đổi đồ là tùy thích.

Tất cả mọi người tự động trưng bày món đồ của mình, sau đó lần lượt đánh giá từng món, rồi lại trò chuyện về những tích truyện xưa và dã sử, trong chớp mắt đã đến hơn mười giờ. Đinh Hán Bạch là chủ nhà nên sẽ thực hiện màn then chốt cuối cùng, ông nhìn về phía Nhiếp Duy Sơn: “Không phải con thu về được một vật báu à, cũng lấy ra cho mọi người cùng xem đi.”

Rốt cuộc lúc này mọi người mới chú ý tới cậu thanh niên đứng bên cạnh Đinh Hán Bạch, tất cả đều thi nhau hỏi người đồ đệ này là ai, dù sao Đinh Hán Bạch từng này tuổi mới nhận đồ đệ thì có thể thấy yêu cầu đối với đồ đệ rất cao.

Đinh Hán Bạch chỉ nói ba chữ: “Nó họ Nhiếp.”

“Họ Nhiếp? Không biết người nào như vậy cả.”

“Không phải trong giới đồ cổ, nghe nói là cùng nghề với nhà họ Bạch.”

“Họ Nhiếp thì có Nhiếp cái gì đó Kiều là có chút danh tiếng, nhưng chưa từng nghe nói tay nghề được truyền lại.”

Chắt trai của cao thủ cùng nghề lại là đồ đệ của mình, Đinh Hán Bạch chỉ là đang kiếm chút thể diện cho bản thân. Đợi mọi người đoán già đoán non đủ rồi thì Nhiếp Duy Sơn lên tầng mang món đồ của mình xuống. Đinh Hán Bạch cau mày nhìn, dù nghĩ thế nào cũng cảm thấy bát sứ men xanh không thể bọc được to đến vậy.

Từng lớp từng lớp giấy báo cũ được tháo mở, Nhiếp Duy Sơn nhẹ nhàng đặt bức bình phong ngọc lên mặt bàn, trong tức khắc đã cảm nhận thấy có một vòng người vây xung quanh, hắn nói với vẻ đúng mực: “Đây là bình phong ngọc Hòa Điền chạm khắc hai mặt, mặt trước là Phượng hoàng mẫu đơn, mặt sau là Núi cao xanh thẳm.”

Đinh Hán Bạch bước tới nhìn chăm chú bức bình phong, đoạn hỏi: “Bố con có động tay vào không?”

“Không ạ.” Nhiếp Duy Sơn trả lời, “Vật liệu là ông ấy chọn.”

Mọi người cùng nghiên cứu đường nét chạm trổ, cuối cùng mới mời người trong nghề là Đinh Hán Bạch tới nhận xét. Đinh Hán Bạch đeo kính vào rồi quan sát thật tỉ mỉ, ngay cả ngôi đình trên dãy núi có bao nhiêu góc cạnh cũng phải đếm thử, xem xong thì ông đưa tay ra sờ, nhưng chỉ sờ một vài chỗ quan trọng nhất.

Mãi một lúc sau, ông tháo kính ra rồi nói: “Có ai ra giá không? Nếu không thì tôi sẽ giữ lại cho mình.”

Trước khi những người khác phản ứng lại thì Nhiếp Duy Sơn đã lên tiếng: “Đây là món đồ đầu tiên con đề tên, vậy nên con sẽ không bán cho bất cứ ai.”

Mọi người nhao nhao nhìn về phía nơi đề tên, chỉ trông thấy ở một góc có khắc ba chữ “Nhiếp Duy Sơn”. Đã không còn ai quan tâm đến Nhiếp cái gì đó Kiều hay con cháu của nhà họ Nhiếp nữa, từ đây người trong nghề sẽ chỉ biết đến một mình Nhiếp Duy Sơn.

Lúc này Nhiếp Duy Sơn mới lấy một món đồ ra khỏi túi xách, sau khi mở ra thì cười nói: “Tôi còn có một vật báu, là bát sứ men xanh thời Ngũ Đại thu mua ở Túc Châu, mọi người cùng xem chứ?”

Đinh Hán Bạch hất tay đi lên tầng, bực bội mắng một câu “Gian xảo”!

Hết chương 55.

__________________________

Tác giả có lời muốn nói: “Này Dương nhi, cho cậu xem thử của quý của tớ!”

“Là bình phong ngọc hả!”

“Không phải!”

“Là bát sứ men xanh à!”

“Không phải!”

“Đệch! Cậu cởi quần làm gì!”

Đọc truyện chữ Full