*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Đó chẳng qua chỉ là một gian nhà ngói bình thường nhất.
Mái ngói cũ kĩ tích thành một tầng bụi mỏng, xám trắng trơ trọi. Chỗ chái nhà kê sát tường hé ra kẽ hở nửa lóng tay cho khói bụi bốc lên, may sao vẫn còn một mặt tường màu phấn trắng, cửa lớn sơn xanh, tay cửa móc một khóa đồng lớn. Một nhánh hòe xanh đầu hạ nhô ra khỏi tường gác lên mỏ diều hâu.
Chủ nhà tên Tiết Tứ thong thả lần xâu chìa khóa lớn trên tay, ngón tay tỉ mỉ lựa từng chiếc từng chiếc: “Ngài chọn đúng rồi đó, nhà tôi đây là khu đất vượng của Quy Khê Thập Nhị Lý, ngõ Nam Kha. Nhà Vinh Phúc nài tôi lâu rồi nhưng tôi vẫn không nỡ cho thuê đi. Nay nể mặt Từ đương gia …. ”
Nói đến đây thì dừng, gã khẽ hạ mắt liếc người nọ.
Ánh mắt đang ngắm nhìn nhành cây đơn độc nọ của Trần Yên ngại ngùng thu lại. Chàng khiêm tốn hạ tầm mắt, khẽ mỉm cười buồn bã. Tay cho vào túi tiền, nằm chặt vài đồng bạc vụn đã thấm đẫm mồ hôi. Lượng vẫn chừng đó.
Chàng đi lính ở Tứ Châu, Hàm Châu nhiều năm, giá cả quê nhà cũng đã lạ lẫm, huống hồ là đất kinh đô xa lạ. Nói ra cũng phải duyên phải cớ. Nếu năm đó trong cơn bạo loạn Thất Thành, Hàm Châu, chàng không cứu được mạng thương gia Từ Hữu Quý, lão Từ cũng sẽ không dặn dò chàng một câu “Ngày sau nếu tới Duyệt Kinh, tất sẽ dốc lòng báo ân”. Chỉ không ngờ cách biệt bao lâu, chàng giải ngũ vào kinh mưu sinh, lại nghe nói lão Từ bệnh tật tạ thế đã hơn nửa năm. Tân đương gia Từ Ký đối đãi với chàng không ngọt không nhạt, sai Tiết Tứ chuyên cho thuê mướn mặt tiền cửa hàng cho chàng thuê một chỗ sinh nhai giá rẻ, cũng coi như tận tình tận nghĩa.
Chẳng còn cách nào, chút tích góp còm cõi khi rời đất Hàm Châu đã đưa gần hết cho vài chú bác anh em ở quê mua ruộng đất. Chàng phen này lên kinh, trong túi chẳng còn là bao.
———-
Tiết Tứ cuối cùng cũng tìm được chìa khóa.
Gã chậm rãi bước lên thềm nhà mở khóa đồng, ai ngờ lúc gã vừa nhấc tay, trong viện cách vách bỗng vọng tới một tiếng gào khóc thảm thiết, đau đớn tột độ: “Giết người rồi!!!”
Trần Yên kinh hãi.
Nhưng không ngờ Tiết Tứ chỉ khẽ cau mày rồi ngó lơ, tiếp tục loay hoay chiếc khóa đồng của gã. Người qua lại trong ngõ cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên, cũng lắm có vài người liếc mắt qua, còn lại thì đến cái mí mắt cũng không hề nhúc nhích khiến Trần Yên càng kinh hãi hơn. Thường nghe Nam châu lừa gạt, Bắc địa cướp giết. Nhưng đất kinh đô dưới chân Thiên Tử dân phong lại lạnh lùng, lòng người tàn nhẫn, rạch ròi sống chết, người qua lại cũng chẳng có nửa lòng cứu giúp, ngoảnh mặt làm ngơ!
Trần Yên nghe tiếng kêu thảm đó thì bụng dạ cuống quít, thấy đám đông đều bình chân như vại thì không kiềm được rảo nhanh lên bậc thềm, mở toang cửa lớn. Không chờ Tiết Tứ rầy rà chàng đã vội vã xông vào trong, lao đến tiền đường, xuyên qua án cơ đằng ỷ , thấy gian phòng ngủ rủ mành tre sắc hương thu, liền hất tung.
Rồi ngây người.
Sau tấm mành bày giường chiếu. Trên chiếu có hai người, một đang nằm một đang quỳ. Người hán tử bên dưới đã trút y sam đến eo để lộ mình đồng da sắt. Trên cơ bắp đen bóng tản ra mùi rượu mật rắn nồng đậm, vai và đầu bị hai tay người còn lại kiềm chặt, cả khuôn mặt bị ép méo mó trên bề mặt giường, hệt như đã cạn kiệt sức lực, mặt mũi gã đã phủ màu tang tóc. Người đang quỳ phía trên mặc thanh sam mùa hè, khuôn mặt lạnh lùng, mắt dài hẹp lúc híp lại giống như một tảng đao nhọn. Phần áo lót trước ngực hắn ướt đẫm một mảng, ống tay áo xắn lên, đầu gối đè lên eo gã hán tử nọ, năm ngón tay chặt xuống cơ bắp gã.
“Ui da! Chết tôi rồi!”. Gã nọ gào lên, bộ mặt sắp chết phút chốc nhăn tít cả. Gã nằm vật ra chiếu, khóc bù lu bu loa.
Trần Yên không nói nên lời. Miệng há ra nhưng cổ họng đắng ngắt như ăn phải Hoàng Liên, cảnh tượng trước mắt khiến chàng quên cả hét.
Thấy chàng còn đang ngây ra đó, nam tử mặc thanh sam dường như đã mất kiên nhẫn, bèn bật ra một câu: “Ra ngoài đợi chữa bệnh!”
Trần Yên thấy hắn chẳng thèm ngước mắt nhìn.
Đúng lúc đó, một tia nắng xuyên qua cửa sổ, chiếu lên vài hạt mồ hôi trước trán người nọ, lấp lánh lấp lánh. Tia sáng yếu ớt như nút thắt trong cổ họng khiến lời nói của chàng bị buộc chặt, chẳng thể đáp nổi nửa lời.
Không thấy tiếng hồi đáp, nam tử mặc thanh sam mới ngẩng đầu nhìn chàng. Đó rõ ràng là một khuôn mặt đoan trang xinh đẹp, lại giống như một nhành mai đẹp mà lạnh lẽo.
“Không mắc bệnh sao?”. Đôi mắt sắc lẻm lúc nhìn thẳng càng bức bách nghiêm nghị hơn: “Không mắc bệnh thì cút…”
Tức thì khuôn mặt Trần Yên đỏ bừng. Da mặt phồng lên bừng bừng, không dằn được vạn phần xấu hổ, chàng vội vã cúi đầu quay đi. Mặt đỏ tía tai, bối rối không ngớt.
Đang lúng túng không thôi, chàng mang máng nghe thấy Tiết Tứ gọi ngoài cửa. Trần Yên mới vội vã kéo mành xuống rồi nhanh chóng lui ra ngoài, chẳng quản tiếng mép mành đập vào tường kêu lên rào rạt. Lồng ngực đập như trống bỏi, lại như thể vừa được giải thoát. Chàng dùng mu tay khẽ run quệt qua má, muốn xóa đi cái nóng bỏng trên đó. Tiếc rằng tiết trời đầu hè, bờ má bỏng rẫy không làm sao lạnh đ được.
Trần Yên chạy ra cửa liền đụng trúng Tiết Tứ còn đang mang vẻ mặt hóng kịch vui, gã săm soi nhìn chàng rồi hời hợt nói: “Chuyện thăm hỏi hàng xóm láng giềng cứ để sau đã. Nhất là vị Tạ đại phu này, nên ít chuyện thôi”
Trần Yên đến giờ mới nghĩ đến, quay đầu nhìn lại biển hiệu trước cửa thì thấy bốn chữ ngay ngắn chỉnh tề chạm bạc lấp lánh “Hồi Xuân Thảo Đường”. Trong lòng mới hối không kịp, giận mình chỉ là một tên lính quèn thô lỗ, ngay cả biển hiệu nhà người ta cũng không thèm nhìn đã xông bừa. Thật mất mặt.
May sao Tiết Tứ cũng ý nhị không nhắc lại chuyện này nữa, chàng mới nguôi ngoai phần nào.
—–
Khóa đồng đã tháo xuống, bước vào bậc cửa, chỗ bày mặt tiền cửa hàng đã được dọn dẹp rồi, đi tiếp vào trong là một khoảng sân cách giữa cổng với nhà trong, trong sân chỉ còn sót lác đác vài chiếc ghế đẩu mà thôi, một cây cổ thụ nghiêng ngả dựa vào tường, bên góc tường mọc lên một hai bông hoa xuân nở muộn. Tiết Tứ mở cửa nhà trong để chàng xem qua, bên trong chỉ kê một cái bàn, một chiếc giường đất, vô cùng giản dị. Nhưng chàng tòng quân đã quen, cũng không khắt khe chuyện bày biện trang trí, chỉ cần quét sạch bụi là ở được.
Tiết Tứ dẫn chàng dạo quanh một vòng, tỉ mỉ giao từng thứ một cho chàng rồi chắp tay, khép vạt áo, đứng yên một chỗ im lặng.
Trần Yên thấy vậy hiểu rằng gã đang đợi tiền thuê tháng đầu, chàng ngập ngừng mở túi bạc, một tầng lụa phủ lên vài mẩu đá, bên trong chứa khoảng năm lượng, chất bạc không tốt, vụn lại xấu xí. Tiết Tứ khẽ nhíu mày. Chàng đang cúi đầu nên không nhìn thấy vẻ mặt gã, ôn tồn nói: “Ông chủ, vãn bối mới tới, không hiểu chuyện kinh đô, nếu có chỗ nào đắc tội mong ông chủ lượng thứ. Ta làm ăn nhỏ lẻ, chỉ có hai bàn tay trắng đi lên, lại có nhiều đồ đạc phải sắm sửa, tháng sau…. Giả như tiền thuê không thể lập tức kiếm đủ, mong ngài thư thả cho vài ngày.
Nói đến đây, mặt Tiết Tứ đã nặng đến tám chín phần. Trần Yên ngừng nói, đưa ra vài cắc bạc trong khăn lụa, nín khe đợi gã lên tiếng.
Sau cùng Tiết Tứ vươn tay nhận lấy bọc khăn trên tay chàng, cuộn lại rồi nhét vào tay áo, miệng gã càu nhàu: “Lão Từ gia đã giới thiệu, ta có thể thư thả cho ngươi, chỉ có điều nếu tháng nào cũng vậy, đừng trách ta không nể mặt mũi. Làm ăn không thể như thế, việc nào đều có quy củ của việc đấy, bao nhiêu người còn mong mỏi cái mặt tiền này đây. Vốn không phải nói lúc ngươi giải ngũ lĩnh kha khá lương bổng, là một khách hàng lớn, ta thấy….”
Tiết Tứ không nói tiếp.
Trần Yên chỉ khẽ mỉm cười buồn bã. Lời lẽ chua cay này chàng cũng thầm hiểu. Dẫu sao, chàng thực sự không phải khách hàng lớn gì đó.
Tấm thân này có chỉ là thanh trường kiếm trên eo đã sớm mất hết tác dụng. Tự chàng lui khỏi quân tịch, thanh kiếm này, e là không thể dùng được nữa.
Không dùng được nữa rồi.
Gió lất phất thổi tới, mang theo hơi thở nồng đậm của cây cỏ đầu hè, ngẫu nhiên vén lên góc áo chàng. Gió khẽ khàng thổi qua. Vạt áo trái lay động tựa con diều giấy mất nan.
———
Giáo dài ngựa sắt, thuyền đập sóng trào, chỉ còn gặp được trong giấc mộng.
Lúc tỉnh giấc, chàng đã không còn ở thủy quân Nam Châu. Trước mặt chỉ là một đống gỗ vụn, một ngọn nến tàn, một nghiên mực và một cây bút mà thôi.
Trên giấy đầy chữ xiêu vẹo.
Chàng thở dài, nhặt giấy lên, vỗ cho thẳng, vuốt phẳng từng tờ. Mực trong nghiên vẫn chưa cạn hết, gạn ra còn được nửa chén nhỏ, bút chấm cầm trên tay, đầu bút run run trên trang giấy nhàu nhĩ, hồi lâu, chàng mới hạ xuống một đường thẳng.
Ông chủ hiệu buôn gỗ thấy chàng chỉ là một gã thợ mộc đơn độc, lại đến từ châu thứ mười sáu, Đồ Nam, ở kinh thành không thân thích bằng hữu, nên khinh thường chàng, cố tình hoạnh họe, bắt chàng liệt kê ra giấy toàn bộ chất, tuổi, đường vân của gỗ thành đơn hàng mới cho chàng nhập hàng.
Cha Trần Yên vốn là thợ lão luyện làm gỗ, thuở nhỏ chưa tòng quân, chàng thường theo cha học nghề, nhưng tay chàng hiện giờ tuy có thể làm vài ba việc nặng lại không thể làm được những việc tinh tế như viết chữ. Ba trang giấy chàng viết đến canh ba đã thảm đến không thể nhìn nổi. Cuối cùng chàng mệt mỏi mà lăn ra ngủ.
Vốn không muốn phiền hà người khác nhưng cứ thế này cũng không phải là cách.
———-
Trời vừa hửng sáng, chàng chải rửa qua loa rồi ôm một cuộn giấy tạm đọc được trong ngực, mong đợi người hàng xóm biết đọc sách viết chữ kia thay chàng sao lại một phần ngay ngắn.
Tiết trời cuối xuân lập hạ vừa nóng vừa lạnh. Một cơn gió nhập cốt cuốn theo cái giá rét căm căm của vùng phương bắc luồn vào trong áo choàng rộng lớn, chỗ nứt trên vai phải chợt thít lại, cơn đau từ xương cốt tràn ra, lạnh lùng thấm vào máu thịt.
Trần Yên bất giác cau mày thở dốc, lấy tay trái ấn lên vai, cuộn giấy trước ngực liền bị gió cuốn đi, “lộp bộp” lăn xa vài trượng, rơi thẳng xuống đất, men theo con đường gạch màu xanh.
Cuộn giấy theo chân gió trải dài trên đất, lại bị một góc bạch sam của ai đó chặn lại, vạt áo dưới đè lên trên.
Trần Yên ngạc nhiên ngước nhìn theo, lại trông thấy khuôn mặt như phủ sương tuyết ngày đó. Chàng ngẩn người, nỗi xấu hổ tức thì lan từ đầu đến chân. Lại bị người ta chế nhạo rồi.
Tạ đại phu nọ liếc mắt nhìn xuống trang giấy bên chân, nhếch miệng cười giễu chàng: “Thư sinh trói gà không chặt, ngươi trông tướng tá tốt, hóa ra ngay cả tờ giấy cũng không giữ nổi. Thật vô dụng”.
Hai má chàng từ từ nóng lên, nhưng trong cơn xấu hổ lại chứa vài phần buồn bã. Chàng đã là một kẻ tàn tật, nói không chừng thật sự còn không sánh bằng một gã thư sinh.
Người nọ khẽ nghiêng đầu tỉ mỉ nhìn trang giấy dưới chân, chân mày chênh chếch. Hắn cúi đầu nhặt cuộn giấy lên đọc một lượt, vừa thong thả hỏi: “Người là thợ mộc?”
Trần Yên gật đầu.
“Chữ viết xấu thật”. Hắn cứ thế nói thẳng, chẳng hề úp mở hay ậm ờ khách khí. Trang giấy trắng bất chợt bị vất trở lại lồng ngực Trần Yên, chủ nhân của bàn tay nọ đã nghênh ngang rời bước vào y quán nhà hắn, không có nửa lời hàn huyên khách sáo.
Sao có thể không xấu chứ. Trần Yên buồn bã thở dài, cười lắc đầu. Chữ viết bằng tay trái có thể không trúc trắc nặng nề sao?
Nó cũng tàn phế như chàng, khiến người ta nhìn liền khó chịu.
Chú thích:
Mỏ diều hâu: Kiến trúc nhà Trung Quốc, nằm phía trên nóc nhà. (ND)
Mỏ diều hâu
Đương gia: Người làm chủ, đứng đầu trong gia đình.
Thiên Tử: chỉ Vua.
Án cơ: Bàn nhỏ.
Bàn nhỏ
Đằng ỳ: Ghếgỗ
Ghế gỗ
Hoàng Liên:: Một vị thuốc đông y, bổ, đắng, có tác dụng kiện vị, thường được dùng điều trị tiêu hoá kém, viêm dạ dày, trị oẹ khan, tả lỵ, bệnh trĩ, uống nhiều vật vã, mất ngủ, hôn mê nói cuồng.
Hoàng Liên
Vãn bối: Cách xưng hô khiêm tốn của người ít tuổi với người lớn tuổi hơn.
Tháng 3 âm lịch.
Trượng: 丈:đơn vị đo lường, 1 trượng = 3.3 mét.
Bảng hiệu