CÙNG LÚC ĐÓ, TỪ PHÍA NGỤY CUNG CÁCH ĐÓ KHÔNG XA, RỀN VANG MỘT HỒI CHUÔNG BUỒN BÃ, BỊ NUỐT CHỬNG DƯỚI BẦU ÂM THANH PHẤN KHÍCH CỦA TIẾNG NGƯỜI VÀ TIẾNG SÓNG DỒN.
________________________________________________________________________________
Rốt cuộc Trịnh Uyên cũng tìm được cuộc sống mà cậu hằng ao ước, là không cần rúc trong phòng đọc kinh Phật tẻ nhạt cả ngày mà có thể ra vào bất cứ nơi nào ở Đông Cung, mở cửa sổ ra ngắm bóng núi biêng biếc màu xanh. Nhưng khác với trong tưởng tượng, cậu cũng không quá hào hứng. Niềm vui hay nỗi buồn của cậu như hiển hiện trong ánh mắt, mỗi ngày qua cứ in rõ thêm hình dáng một người. Phần lớn thời gian, cậu hài lòng ngồi trong phòng học, nghe Ngụy Ly tùy hứng bình cổ luận kim, mặc kệ bình luận của hắn thông thường đều ngược ngạo.
Như một lần kia, Thiếu sư giảng sử cho Thái tử nghe, rằng thời kỳ Xuân Thu có Sở Hoài Vương thèm muốn sáu trăm dặm đất Thượng Ư mà nhà Tần cướp được, nghe theo xui khiến của Trương Nghi mà tuyệt giao với Bắc Tề, kết minh với Tần. Hậu quả bị Tần phản bội, Hoài Vương nổi giận dấy binh phạt Tần thì chuốc lấy thất bại, sáu trăm dặm đất Hán Trung đều bị Tần cướp đoạt. Từ đó về sau nguyên khí nước Sở tổn hao nghiêm trọng. Thiếu sư chậm rãi giảng, đã có vết xe đổ của Sở Vương như vậy, kẻ làm vua không thể vì tham lam mà bội tín, Thái tử nên khắc ghi thật rõ.
Nhưng Ngụy Ly chỉ giương mày lên cười, xua xua tay: "Tiên sinh chỉ thấy một mà không thấy hai. Kẻ làm vua nhìn vào tấm gương của Sở Hoài Vương không phải vì hắn tham lam phản bội. Như thế tồn tại của lục quốc bây giờ thì mạnh nhất chỉ có hai nước Ngụy – Tề. Còn Vệ - Trần vốn là ngang hàng với Tề, nhưng nay thành chư hầu của Tề, Tề đế liên tục phát binh đoạt chiếm đất nên càng lúc càng yếu ớt. Ta cũng nhìn lại lịch đại quốc quân nước nhà đều phải tranh lấy từng tấc thước đất đai mới dần dần tích góp xây dựng được khí phái to lớn của nước Ngụy như hiện tại. Vậy mới thấy, kẻ làm vua không được tham tiền tài của dân chúng, nhưng cương thổ thì không thể không tham."
Hắn dừng một nhịp, cố tình mặc kệ biểu hiện không hài lòng của Thiếu sư, "Còn nữa, giữa thời loạn, có thể tin được bất kỳ ai nhưng không thể tin ai hoàn toàn. Bắc Tề giữ chữ tín mà chưa từng phụ Sở, cuối cùng thì bị Sở dối gạt rồi cũng chịu cùng kết cuộc bị Tần tiêu diệt.. Nhược bằng Bắc Tề kết minh với Tần mà cùng chống lại Sở thì sẽ cố gắng kéo được chút tàn dư qua ngày. Nên phản bội không phải là không thể." Cuối cùng hắn nói, "Cái sai của Hoài vương không phải vì tham lam phản trắc, mà là ngu xuẩn vô mưu tin dùng bọn tiểu nhân. Đường đường làm vua một nước mà không biết lời nói đầu môi há có giá trị gì."
Về sau, có người biên lại lập luận hoang đường khiến Thiếu sư nổi giận gần như muốn từ quan hồi hương này vào trong sử sách nước Ngụy. Sử quan bình thêm, khi ấy Cẩn Hâm đế chưa đăng cơ, tuổi trẻ bốc đồng, dùng lời lẽ bài bác Thiếu sư có rất nhiều chỗ suy nghĩ chưa thấu đáo. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, từ khi đó rõ ràng Cẩn Hâm đế đã hình thành thứ xác tín trị quốc sắt đá tới tận mai sau: Giữa thời loạn, thứ mà kẻ trị vì cần có không phải là nhân đạo lễ nghĩa, mà chỉ có thể là thủ đoạn bất chấp tất cả, cùng với cơn thèm khát tham lam được chinh phục vĩnh viễn không có điểm dừng.
Cả Trịnh Uyên và Viên Duẫn Đàn đều nghe được thiên lập luận to tát của Ngụy Ly. Viên Duẫn Đàn chỉ cười trừ, như đã quen với chuyện thái tử thao thao bất tuyệt những suy nghĩ khác thường. Nhưng Trịnh Uyên thì nhìn không chớp mắt, rồi cậu vỡ lẽ, hóa ra trước đây cậu từng thấy chỉ là một mặt rất đơn giản, rất nhỏ bé của Ngụy Ly mà thôi.
Lúc không cần đọc sách, Trịnh Uyên sẽ ngồi bên cạnh xem Ngụy Ly luyện võ. Người nước Ngụy bắt nguồn từ tộc người nơi quan ngoại tiến vào cương thổ, vốn kiêu dũng thiện chiến, đề cao võ hơn văn, trang phục bình thường cũng có kiểu tay áo hẹp, vai thu lại, còn hình dáng bên ngoài thì giống người Hồ hơn là người trung Nguyên như các nước khác. Vương thất quý tộc nhà Ngụy ai cũng luyện võ, Ngụy Ly càng phải luyện tập thường xuyên hơn. Trịnh Uyên không hiểu biết về võ, chỉ ôm gối ngồi cạnh bên xem Ngụy Ly múa may mười tám màn võ nghệ. Cũng chỉ trong những lúc như vậy, khuôn mặt của Ngụy Ly mới xuất hiện vẻ tự nhiên hoạt bát mà Trịnh Uyên thân thuộc.
Có một dạo, sau khi Trịnh Uyên dọn đến Đông Cung không lâu lắm, Ngụy Ly vờ lơ đãng hỏi có phải cậu còn tiếc nhớ tên nhóc Tiểu Viên vô tư nói cười không. Trịnh Uyên gật đầu bảo có. Cậu thấy Ngụy Ly chợt cứng đờ, có một tia bất đắc dĩ khẽ lóe lên trong ánh mắt cậu ta. Ngụy Ly hỏi tiếp, vì sao cậu thích tên nhóc kia hơn?
Trịnh Uyên luôn luôn nhớ, đó là lần đầu tiên Ngụy Ly nói ra chữ "thích" với cậu, mặc dù vào thời điểm đó từ này có ý nghĩa rất khác so với những gì cậu hiểu sau này.
"Vì cậu ấy vui vẻ hơn điện hạ." Trịnh Uyên đã học được cách khi nói chuyện sẽ ngước lên nhìn thẳng Ngụy Ly, "Trịnh Uyên, chỉ hy vọng điện hạ được vui."
Cửa sổ song hoa che đi cái nắng chói chang bên ngoài, nhưng Trịnh Uyên vẫn thấy rõ sắc xanh sâu thẳm thấp thoáng ánh lên trong đôi ngươi của Ngụy Ly, trở thành sức hấp dẫn đến chết cũng không phai mờ. Ngụy Ly nhìn cậu mỉm cười, nói có cậu ở Đông cung, ta đã vui hơn trước đây nhiều, nhiều lắm.
Những lời này lọt vào tai của Viên Duẫn Đàn lúc y vâng lời Thiếu sư đến tìm Thái tử. Y gật đầu chào Trịnh Uyên, vẫn giữ một nụ cười điềm đạm như trước giờ vẫn thế.
Sau đó Ngụy Ly bước theo Viên Duẫn Đàn. Nhưng đột ngột hắn quay lại hấp háy mắt nhìn Trịnh Uyên: "Mà này, về sau lúc chỉ có ba chúng ta cậu không được gọi ta là điện hạ nữa đâu đấy." Hắn còn nghịch ngợm nói thêm: "Nhưng cậu không được để cho người ta biết nghe chưa."
...Thật nhiều, thật nhiều năm sau đó - như một sự trùng hợp đầy bất chợt – ba con người xa cách ấy đều thường xuyên nhớ về quãng thời gian được vô tư gần gũi, dắt tay nhau chơi đùa khắp Đông cung. Mà mỗi một lần hồi ức, đều cứ ngỡ như choàng tỉnh khỏi giấc mộng vàng son.
Cùng lúc đó, tại Tề quốc phì nhiêu giàu có ở phía tây Ngụy quốc, một nhân vật cũng có tầm quan trọng rất lớn trong lịch sử lục quốc đã bắt đầu bước lên vũ đài của chính mình.
Năm Ngụy Thiên Kỳ thứ mười bảy, Tề đế Chiêu Hòa băng tại Tề đô Dao Kinh. Cũng trong năm đó, tam tử Hiển Dương kế vị khi chỉ mới được mười tuổi, xưng là Tuyên Minh đế. Trong di chiếu, Chiêu Hòa đế còn phong đích danh thất đệ, tức hoàng thúc của Tuyên Minh đế, Hoàn vương Tề Hoàn Duyên làm Giám quốc, phụ tá ấu chủ. Theo sách sử nhà Tề chép lại, Tề Hiển Dương tính tình nhu nhược yếu ớt, từ lúc còn nhỏ đã không có chí làm vua. Mặt khác, mẫu thân của Hiển Dương là Diêu Thái hậu thì vây cánh trong cung rộng lớn, xưa nay thị luôn sủng ái anh ruột của Hiển Dương là Hiển Tư. Từ lúc Chiêu Hòa đế bệnh nặng, Diêu Thái hậu đã hao tổn mọi tâm cơ hòng thay đen đổi trắng, lập lại Đông cung. Sau khi Chiêu Hòa đế băng hà, chư quốc tọa sơn quan sát, còn hai nước kế cận Tề là Vệ, Trần thì bắt đầu rục rịch manh động, rình rập chờ lúc nội bộ nhà Tề sinh cơn hỗn loạn là lúc khả dĩ tấn công đòi đất.
Song, như các nhà nghiên cứu chuyên sâu về sử nước Tề có nói, Chiêu Hòa đế văn thao võ lược một đời, đến giây phút sống cuối cùng vẫn không đánh mất đi nản năng nhìn xa trông rộng. Ông đã có một quyết định sáng suốt bậc nhất, là đưa thất đệ Tề Hoàn Duyên lên đỉnh cao của quyền lực. Chỉ trong vòng nửa năm từ sau khi Tề Tuyên Minh kế vị, thế lực của Diếu Thái hậu ở trong cung gần như bứt gốc sạch sẽ, Kính thân vương Hiển Tư cũng lùi về ở ẩn. Dưới sự che chở của hoàng thúc, Tuyên Minh đế dần dần để lại một dấu ấn sâu sắc trong lịch sử lục quốc – Chỉ sáu năm sau khi đăng cơ, lá cờ hình phụng hoàng bạc cháy rực trong lửa đỏ của nhà Tề đã phất phới bay trên đỉnh kinh thành của nước Trần.
Thời điểm đó, cũng giống như bốn nước khác, Ngụy quốc cũng xem tin tức Tề Chiêu Hòa chết là cơ hội ngàn năm có một. Ngụy – Tề mỗi nước xưng hùng một phương, nước nào cũng có các quốc gia phụ thuộc của riêng mình. Hai bên trước giờ vẫn cẩn thận dè chừng lẫn nhau. Nếu chiến tranh giữa hai nước này nổ ra, tình thế nước Trịnh bị kềm kẹp ở chính giữa càng như ngàn cân treo sợi tóc. Không ai ngờ tới được kẻ được thừa kế ngôi vua nước Tề lại là Hiển Dương – kẻ không hề tỏ ra thèm khát danh vọng trong đám chư hầu. Do đó, Ngụy quốc mới thấp thoáng nuôi hy vọng sẽ chấm dứt được tình trạng cát cứ đã đã kéo dài quá lâu.
Sau khi trở về từ điện Thanh Hoa chỗ phụ hoàng, Ngụy Ly kéo Trịnh Uyên sóng vai ngồi xuống khoảnh sân nơi hắn luyện võ hằng ngày. Bốn bề vắng lặng, cơ hồ nghe thấy từng nhịp thở phập phồng. Trịnh Uyên mờ mịt nhìn Ngụy Ly. Cậu biết Ly không được vui, nhưng không biết phải nói gì để an ủi hắn. Ngụy Ly cầm lấy bàn tay cậu đặt vào lòng bàn tay mình, khẽ dùng ngón tay cái mân mê lên mu bàn tay cậu. Ngón tay của Ngụy Ly thô ráp hơn trước, mà cũng dài hơn, mạnh mẽ hơn trước. Trịnh Uyên chợt tưởng tượng là đôi tay này có thể nắm giữ được mọi thứ trên đời.
Đúng lúc đó, Viên Duẫn Đàn cũng bước tới, nhưng không ngồi xuống cùng họ mà đứng ở sau lưng Ngụy Ly. Phụ thân của y vừa mới khuất núi, vừa lúc y mười bảy tuổi nên được thừa hưởng Hầu vị, trở thành Bình Loạn hầu trẻ tuổi nhất trong ba đời dòng họ. Trịnh Uyên không có tư cách đến dự tang lễ của lão Hầu gia, chỉ được nghe loáng thoáng từ lời xầm xì kinh ngạc của bọn hoạn quan mà biết rằng tang lễ tổ chức long trọng chưa từng có. Nghe nói, đến chính bản thân Thiên Kỳ đế cũng sẽ mặc màu trắng trong nửa năm sắp tới. Trịnh Uyên cứ nhìn Viên Duẫn Đàn mãi mà không thấy y tỏ vẻ gì là đau buồn vì phụ thân tạ thế, cũng không mừng rỡ vì được kế thừa Hầu vị. Viên Duẫn Đàn vĩnh viễn là như vậy, ôn tồn và bình tĩnh hơn hết thảy. Từ đó về sau, Viên Duẫn Đàn chính thức trở thành trọng thần, là cánh tay phải được vua coi trọng. Y rời khỏi Đông cung dọn về Hầu phủ, theo nếp tiên phụ mà mỗi ngày vào chầu triều sớm, đôi khi được gọi tới điện Thanh Hoa để nghị sự riêng. Thời gian y ở bên cạnh Ngụy Ly càng lúc càng ít đi, mà mỗi lần gặp thì càng thêm cung kính. Không biết bắt đầu tự bao giờ, y đã mãi mãi đứng ở sau lưng Ngụy Ly, không còn ở bên cạnh hắn như xưa. Vì thế, những năm sau này, khi y được phong là Bình Loạn vương, thì còn được xưng là "Người thứ nhất sau vua."
Trịnh Uyên muốn rút tay về, nhưng Ngụy Ly không muốn buông ra. Hắn phóng tầm mắt về phương xa, phía nước Tề mà nói: "Tiểu Viên, phụ hoàng hỏi đệ chuyện phạt Tề chưa?"
"Có hỏi."
"Đệ đáp thế nào?"
"Không được."
Ngụy Ly siết chặt bàn tay Trịnh Uyên: "Tại sao? Quốc quân tân tang, ấu chủ vô năng, chư vương bất đồng, đây là kiếp nạn do trời giáng xuống Tề quốc. Trong Tề cung, không chỉ có Thái hậu mà Bình vương, Kí vương là huynh đệ của Chiêu Hòa hoàng đế đều nhìn Hoàn vương không vừa vào mắt. Ngoài biên cảnh lại có hai nước Vệ, Trần như hổ đang rình mồi chờ chực cướp lại đất đai đã mất. Nếu có thể liên hợp với Vệ, Trần mà kích động cho Tề quốc nội loạn, tiến thì đoạt được thiên hạ, lùi cũng có thể giữ vững được uy thế của Ngụy quốc ta."
Viên Duẫn Đàn vẫn điềm đạm nói: "Điện hạ, bây giờ Tề Thái hậu thất thế, bọn người còn lại đều đã gộp thành một phe. Bình vươg bị giam lỏng trong vương phủ ở Dao Kinh, Kí vương bị điều ra biên cảnh phía Tây trấn thủ, xung quanh đều có quân thân cận của Tề đế canh chừng. Ba người này đều không có binh quyền trong tay, dù có liên thủ với nhau cũng không thể đọ nổi với một cái cười khẩy của Hoàn vương, huống hồ giữa hai kẻ này cũng còn xích mích đấu đá lẫn nhau. Vệ, Trần hai nước chỉ rón rén xem chừng từ biên cảnh, không dám hành động gì. Thiết nghĩ, lúc này mà thôn tính nước Tề không phải chuyện dễ dàng, Tề giám quốc Hoàn vương cũng không phải kẻ ta có thể khinh thường."
"Ta biết." Ngụy Ly thản nhiên nói: "Chính vì Tề Hoàn Duyên lợi hại như vậy nên mới nhân lúc chim non chưa đủ lông đủ cánh mà diệt cho tận ổ tận gốc. Việc này dù có khó khăn tới mấy, vẫn tốt hơn hẳn ngồi yên chờ đợi rồi sau này mới tính chuyện diệt Tề."
Viên Duẫn Đàn nghe thấy lời đại nghịch này cũng không hoảng sợ. Y mỉm cười: "Chuyện của trăm ngàn năm sau thì vật đổi sao đời, nương dâu hóa bể, ai mà liệu được. Điện hạ lo nhiều rồi."
"Tiểu Viên, đệ càng lúc càng giống phụ thân của đệ."
Viên Duẫn Đàn không đáp lại. Ngụy Ly mím chặt môi. Ba người cứ đứng yên lặng như vậy trong khoảnh sân họ từng cùng nhau chơi đùa luyện kiếm, rồi ngập ngừng nghĩ những ngày đã qua không còn trở lại nữa rồi.
Sau khi Viên Duẫn Đàn đi khỏi, Ngụy Ly mới thôi siết chặt bàn tay của Trịnh Uyên. Trịnh Uyên rút tay về, thì bắt gặp trong đôi mắt Ngụy Ly một nỗi xót xa mà trước giờ cậu chưa bao giờ thấy. Nỗi xót xa ấy làm đôi mắt của Trịnh Uyên cũng đau đớn theo, khiến cậu không cầm được mà bật khóc.
"Tiểu Viên trước giờ chưa hề nói với ta như vậy." Ngụy Ly cúi xuống nhìn long bàn tay trống không của mình, nói bằng thứ giọng chậm buồn, "Giờ thì đệ ấy cũng bỏ ta mà đi rồi. Uyên, bên cạnh ta chỉ còn có cậu."
Sau đó, dường như phát hiện mình đang thất thố, hắn lấy lại sắc mặt lạnh lùng nghiêm túc, "Cậu cứ chờ đi, không quá mười năm sau, không phải Nguỵ diệt Tề thì là Tề diệt Ngụy. Nếu là cậu, cậu muốn gì?"
Trịnh Uyên ngập ngừng: "Ta, đương nhiên mong điện hạ bình an vô sự."
Ngụy Ly cười: "Ừ. Nhưng Trịnh quốc bề ngoài cúi đầu xưng thần trước Ngụy quốc, bên trong thì ngấm ngầm giao hảo với Tề quốc ở phía Đông, không phải sao?"
Lòng Trịnh Uyên phát lạnh. Ở bên Ngụy Ly nhiều năm như vậy, cậu cơ hồ quên mất đi thân phận con tin nước Trịnh của mình. Không phải cậu không nhớ về quê cha đất tổ, nhưng cậu tình nguyện mãi được như thế này cùng Ngụy Ly, cứ đứng từ xa mà nhìn hắn làm một vị đế vương lưu danh ngàn đời trong sử sách.
Nhưng dù thế nào, bản thân cậu vẫn là vương công nước Trịnh, không thể thay đổi. Từ nay về sau, chỉ e bên cạnh Ngụy Ly dần dần sẽ không còn nơi dành cho cậu. Cậu bắt đầu hiểu vì sao Viên Duẫn Đàn chọn vĩnh viễn đứng ở phía sau lưng Ngụy Ly, giữ gìn cách biệt quân thần.
Trịnh Uyên im lặng đứng bên cạnh Ngụy Ly. Sự thơ dại lúc mới quen nhau dường như đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, bây giờ là khuôn mặt khôi ngô cao quý cùng đôi mắt sắc lạnh như xuyên thấu thịt da. Sức khỏe của Thiên Kì hoàng đế mỗi ngày một yếu ớt, như tiếng ve mùa hè không quay ngược được vòng đời mà tan biến dần trong gió thu. Còn Thái tử Ly nay lên mười tám, đã có đủ tố chất để trở thành đế vương. Hắn trầm ngâm phóng tấm mắt nhìn khắp đất đai nước nhà cùng với nước Tề đang không ngừng trỗi dậy ở phía ngàn dặm xa xôi. Hắn, sẽ trở thành bá chủ tiếp theo của khắp cõi Trung Nguyên này.
Cậu nghe Ngụy Ly nói: "Ngốc ạ, có gì đâu mà khóc."
-
Mùa thu năm Thiên Kì thứ mười chín, Trịnh Uyên có cơ hội thứ hai được chính thức ra ngoài cung du ngọan, là đi cùng Thái tử và Bình Loạn hầu ngắm nước triều lên. Thành Lân Tiêu sở dĩ mang cái tên này là do có dòng sông Lân Tiêu tung hoành xuyên qua đất Ngụy. Việc di chuyển từ nam chí bắc của người nước Ngụy chủ yếu là dựa vào dòng Lân Tiêu, con sông này cũng là nền tảng tự nhiên để giới thương buôn có thể hoạt động sầm uất. Thành Lân Tiêu nằm bên bờ cửa trổ ra biển của con sông. Mặt sông ở đây bên ngoài mở rộng thênh thang, bên trong thắt nút cổ chai, trong cạn ngoài sâu, như hình thù chiếc phễu, nên thủy triều từ biển Đông tràn đến đoạn cổ chai sẽ cuộn trào thành những vách tường cao ngất, tạo nên thứ sóng triều hết sức đặc thù mà khắp lục quốc chỉ ở nước Ngụy mới có. Mười tám tháng Tám hằng năm, lúc vừa qua Trung Thu, là thời điểm tốt nhất để xem triều lên.
Trên dòng Lân Tiêu, sóng cả dồn dập nối đuôi nhau trở ngược chiều. Để tăng cường bảo vệ trước biển, người nước Ngụy đã xây dựng một đập chắn sóng hình chữ đinh kéo dài dễ đến một dặm ở gần kinh đô. Sóng biển ào ạt đánh tới, khi gặp vật cản thì sẽ quay ngược trở lại. Sóng ầm ầm vỗ vào thân đê phía trước, khí thế mạnh mẽ như thái sơn áp đỉnh, rồi sóng trở đầu trút xuống dòng nước ngược đang đổ về hướng Tây, bọt nước trắng xóa tung lên như núi tuyết, ào ào chảy về phía đông, gầm thét như sư tử rống rung chuyển trời đất. Đó gọi là sóng ngược đầu.
Một hôm kia Ngụy Ly bỗng dưng nhắc tới, Trịnh Uyên đã ở nước Ngụy lâu như vậy mà còn chưa thấy được thứ sóng cả kỳ quan thiên hạ ấy. Khéo sao vài ngày nữa thì đến giữa mùa Thu, là thời điểm rất thuận lợi để xem sóng triều, chi bằng gọi Tiểu Viên cùng đi xem. Chỉ cần có thể được xuất cung du ngoạn cùng Ngụy Ly đã khiến Trịnh Uyên mừng rỡ cả một tuần. Hai năm gần đây, bệnh trạng của Thiên Kì đế cứ tái diễn mãi không dứt. Một mặt, Ngụy Ly phải tiếp quản trông coi triều chính, mặt khác phải làm trọn đạo hiếu, túc trực săn sóc phụ hoàng, chưa kể lúc nào cũng phải lo âu kềm chế đám huynh đệ thúc phụ đang lấm lét nhìn trộm ngai vàng thiên tử. Dù có Viên Duẫn Đàn ở cạnh bênh trợ giúp, hắn vẫn bận rộn đến mức gần như không còn được bao nhiêu thì giờ để trò chuyện với Trịnh Uyên. Lúc này, hắn có thể tạm dứt ra một lát để đi xem triều lên, chứng tỏ tình hình triều chính đã ổn ít nhiều. Rốt cuộc Trịnh Uyên không nhất thiết phải phiền muộn lo âu cho hắn nữa.
Tuy nhiên, đến ngày đi xem triều thì Ngụy Ly không xuất hiện. Chỉ có mỗi một mình Viên Duẫn Đàn đến, nhẹ nhàng giải thích rằng đêm qua, Thiên Kì đế nôn ra máu, sáng sớm nay Thái tử đã vội vàng tới điện Thanh Hoa. Trịnh Uyên nghe mà chùng lòng, nhưng nghĩ đến Ly vất vả sắp xếp chuyến đi này nên không nói gì, bước theo Viên Duẫn Đàn.
Khi họ đến nơi, trên bờ đã đông nghịt người. Thân phận của Bình Loạn hầu tôn quý nên đã được sắp xếp trước vị trí tốt nhất. Hôm ấy không đẹp trời lắm, đang nổi gió nghịch nên thủy triều lên hơi muộn một chút so với thường lệ. Trịnh Uyên và Viên Duẫn Đàn cùng đợi khoảng một canh giờ, mỗi người ôm một niềm riêng, suy tư không nói gì với nhau. Bỗng, quan viên đi cùng vội vàng bước tới, cúi xuống thưa: "Hầu gia, công tử, triều đến rồi."
Trịnh Uyên đưa mắt nhìn ra, nước sông sủi bọt đục ngầu, vùng nước gần ra cửa biển nhuốm đặc màu phù sa nâu vàng, chỉ ở nơi mép nước rất xa mới thấy chút vệt xanh lam. Một vầng bạc trắng lấp loáng chỗ biển trời giao nhau, nhìn từ phía xa thì thấy như rất yên, một hồi sau mới thấy cái vầng bạc vắt ngang mặt sông kia đang không ngừng tràn tới, nhưng tốc độ vẫn rất chậm rãi.
Đợi thêm một lúc, dần dần đã có thể đấy đỉnh sóng bạc đầu trào lên dữ dội, những tiếng động gầm thét từ xa đổvề gần. Bấy giờ mới thấy thủy triều cuốn tới nhanh như cắt, chốc lát sau đã ở ngay trước mặt. Đàn cá bạc trắng bị cuốn theo dòng biển mà cùng tràn lên, có con dài đến cả mấy thước, bắn tung tóe lên giãy lạch đạch trên bờ. Sóng cả trắng xóa che kín trời, ầm ầm như sấm dậy mà kéo về phía đập chắn, những người đứng xem quá gần đều sợ tới mức hoảng hồn thét lên bỏ chạy. Trịnh Uyên và Viên Duẫn Đàn ngồi ở nơi cao nhất mà cũng có thể cảm nhận được hơi nước tê lạnh bốc lên ràn rạt vỗ vào mặt, dường như muốn kéo cả người cùng rơi xuống.
Viên Duẫn Đàn nhận ra sự căng thẳng của cậu, bèn vỗ nhẹ lên tay cậu để trấn an. Lòng Trịnh Uyên vững lên một chút. Cậu tiếp tục nhìn chăm chú khi sóng xô lên bờ đập, đỉnh sóng vút lên cao đến hai, ba thân người, đồng thời tiếng va đập cũng đinh tai nhức óc. Cùng lúc đó, từ phía Ngụy cung cách đó không xa, rền vang một hồi chuông buồn bã, bị nuốt chửng dưới bầu âm thanh phấn khích của tiếng người và tiếng sóng dồn.
Sóng nhanh chóng rút ra xa. Người xem triều ai ai cũng còn đang kinh sợ. Trịnh Uyên bỗng thấy ruột gan mình thắt lại, mồ hôi lạnh túa ra đầm đìa. Cậu sợ Viên Duẫn Đàn nhìn ra dấu vết bèn quay mặt đi để lau, nhưng lại thấy Viên Duẫn Đàn đang ngước lên phóng tầm mắt đăm chiêu nhìn về tòa điện Thanh Hoa đẹp đẽ rỡ ràng nổi lên giữa Ngụy cung, như đang suy nghĩ điều gì.
Trên đường trở về, Viên Duẫn Đàn bảo Trịnh Uyên ngồi riêng cùng y trên một cỗ xe. Trịnh Uyên biết y nhất định cũng nghe thấy tiếng chuông lạ lùng lúc nãy. "Tiếng chuông lúc nãy là..."
"Là chuông báo bệ hạ băng hà." Sắc mặt Viên Duẫn Đàn không thay đổi, như thể đã chuẩn bị câu trả lời này từ trước.
Nhưng Trịnh Uyên thì mặt xám như tro. Cậu không hiểu rõ lắm về ý nghĩa thật sự của câu nói này. Nhưng cậu chắc chắn biết, như thế tức là tất cả những gì mà cậu và Ngụy Ly có được cùng nhau đã không cánh mà bay đi mất rồi. Cậu kháng cự lại theo bản năng: "Không phải đâu, theo nghi thức thì phải đánh một trăm linh tám hồi chuông..."
"Bây giờ chưa phải lúc."
Không đợi Trịnh Uyên hỏi, Viên Duẫn Đàn đã khoan thai nói tiếp: "Sau khi bệ hạ băng hà, chư vương chắc chắn lấy cớ chịu tang mà dẫn binh vào Lân Tiêu. Hiện giờ, Thái tử còn chưa nắm được binh mã trong kinh kì, do đó, bệ hạ vẫn chưa để đi được."
"Vậy..."
"Đợi khi Thái tử điện hạ hoàn toàn nắm được Lân Tiêu trong tay, cậu sẽ nghe thấy đúng một trăm linh tám hồi chuông."
Sắc mặt Trịnh Uyên tái nhợt, Thiên Kì đế - người từng chấp thuận cho cậu được vào điện Tá Minh, người thay đổi sinh mệnh của cậu – nay đã chết rồi. Di thể của ông nằm tạm bợ đâu đó trong Ngụy Cung, trong một xó xỉnh không muốn ai biết tới. Ông không được xuống mồ an nghỉ. Mà Ngụy Ly, người khiến Trịnh Uyên như đứt từng khúc ruột, có lẽ lúc này đang ngồi cô độc trong điện Thanh Hoa nay đã thuộc về hắn, ôm lấy riêng mình hắn nỗi đau thương của hiện tại và những vinh quang của mai sau.
Thật lâu sau, Trịnh Uyên mới lẩm bẩm hỏi: "Là Ly bảo huynh nói với ta sao?"
"Thái tử điện hạ không bảo gì cả." Viên Duẫn Đàn ôn tồn nhìn cậu, "Nhưng, tôi nghĩ người mong cậu biết."
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Ly Uyên
Chương 5: Lân Tiêu | 4
Chương 5: Lân Tiêu | 4