☆.
Trong khi Điền Trí Viễn vùi đầu vào sự nghiệp, Doãn Chân cũng đã mơ màng tỉnh lại từ nỗi ưu thương, tiếc nuối và một chút uỷ mị của bản thân, bắt đầu công việc chính thức của cậu.
Hoàn thành phần rửa mặt buổi sáng, mẹ hai của Trí Viễn cũng đã nấu mì xong, sau lại vội pha sữa bò nóng cho bọn cậu. Đây đã là buổi sáng thứ năm ăn đúng mỗi một món. Doãn Chân có hơi ngan ngán, kêu mấy đứa nhóc tới ngồi cùng, mình thì ăn vài miếng cho có lệ, uống cốc sữa rồi thôi.
“Tiểu Doãn, ăn không quen hả con?” Không thể không nói, người mẹ kế này của Điền Trí Viễn thật rất nhạy cảm, cẩn thận.
“Dạ không phải đâu bác, tại tối qua con có uống chút rượu với bạn của Trí Viễn nên giờ có hơi khó chịu, ăn uống cũng nhạt miệng thôi ạ.” Ngán món nào đấy, dù là ai cũng khó mà nói thẳng ra mặt, hơn nữa người ta đã có tuổi thế mà hôm nào cũng dậy sớm làm bữa sáng phục vụ cậu, cậu không muốn ăn thì cũng chẳng thể đập vào mặt người ta được.
Mẹ hai tin lời, quan tâm hỏi thăm sức khoẻ Doãn Chân rồi không nhắc tới chuyện này nữa, vừa dọn dẹp bàn ăn vừa dặn dò cậu chú ý nghỉ ngơi, uống rượu ít thôi.
Ăn xong bữa sáng rồi xem giờ, mới tám rưỡi. Dựa theo thói quen sinh hoạt của Doãn Chân trước kia, bảy giờ kém cậu nhất định phải ra ngoài chạy bộ hơn một tiếng, nhưng sau khi đến nơi này, đầu tiên là vì cậu chưa thích nghi với thói quen sinh hoạt và hoàn cảnh ở đây, hai là vẫn chưa kịp điều chỉnh lại trạng thái của bản thân, bởi vậy, lúc thấy hai đứa nhỏ giỡn hớt rượt đuổi nhau trong phòng khách, cậu quyết định dẫn tụi nó ra ngoài đi dạo.
“Hâm Hâm, Nữu Nữu, chú Doãn muốn ra ngoài chơi, mấy đứa có thể dẫn chú đi không?” Cũng sẵn dịp này kéo gần khoảng cách với hai tiểu quỷ này luôn.
Nữu Nữu Hâm Hâm nghe nói ra ngoài chơi, đương nhiên rất thích ý.
Báo với bác gái xong rồi, một lớn hai nhỏ ba người lên đường. Qua vụ Điền Trí Viễn ở trạm xổ số với quầy tiếp tân khách sạn vừa rồi, Hoàng Tiểu Anh bán vé số và nhân viên Triệu Nhã Hân đều nhiệt tình đến chào hỏi Doãn Chân.
Lúc biết Doãn Chân tới đây là để chăm con cho Điền Trí Viễn, hai cô nàng cùng trưng ra vẻ giật mình, khi đó làm Doãn Chân có hơi xấu hổ. Nam bảo mẫu gì đấy ở cái thôn trấn bé nhỏ này, thật sự là chuyện mới nghe lần đầu, huống hồ chi trước khi đến nơi này Doãn Chân vẫn còn là thầy giáo giữ chức vụ giảng dạy ở trường đại học tại thành phố S. Một người đàn ông từ thành phố tới đây làm bảo mẫu trông con cho ông chủ nhà mình, nghĩ kiểu gì cũng đều thấy thật ảo diệu.
Cơ mà Doãn Chân chỉ xấu hổ trong chốc lát rồi bình thường trở lại, này là cậu nghĩ kĩ lắm mới dám làm ra quyết định, bất kể thế nào cậu cũng phải ở lại, chí ít cậu phải ở lại trước khi xin lỗi Điền Trí Viễn, và trước khi không bị hắn đuổi việc, cậu tuyệt đối sẽ không dễ dàng rời khỏi nơi đây. Dù mấy năm trước không dốc trí chờ đợi, không ấp ủ ảo tưởng không thực, nhưng trong lúc vô tình lại có được cơ hội lần này, cậu mà không tranh thủ một lần để thấy được lời giải sau cuối, dẫu có thế nào cậu cũng đều sẽ chẳng cam lòng.
Góc trái đối diện nhà Điền Trí Viễn là một ngã ba đường, đường hướng lên trên là một con phố – không phải đường chính – bán đồ ăn vặt linh tinh khá nhiều. Còn ngã đường bên trái phía trước là một bộ phận bán sỉ thực phẩm phụ. Doãn Chân muốn mua kẹo cao su, bèn kéo hai đứa nhóc đi qua.
Lúc tạt ngang một tiệm bán bánh rán, Hâm Hâm vươn tay nắm chặt vạt áo cậu – “Chú ơi, con muốn ăn bánh rán!”
Doãn Chân ngoái đầu nhìn, chân mày cậu vô thức chau lại −
Quầy hàng dựng bạt che mưa, bên trong bày biện tạp nham đầy thau thau vại vại, nền xi-măng dưới chân ướt sũng nước. Ngoài cửa ra vào chồng chất một đồng rác, nào là giấy ăn, bọn than đá, rau nát bấy nhầy…. Giờ đang là hè, một đống ruồi muỗi bay tới bay lui trước chảo rán bánh đen sì. Còn mớ dầu trong chảo kia rán cả buổi sáng đã trở nên đen thui thủi rồi.
Bà cô bán bánh rán béo ú, lớp dầu đen dính trên cái tạp dề của bả giờ mà cạo xuống chắc cũng được hai lạng chứ chẳng chơi. Bà cô nọ dùng đôi tay mập mạp vân vê đống bột mì, ép cho dẹp, bỏ vào chảo rán, sau đó tranh thủ lấy tiền lẻ thối cho khách, tìm tiền xong không rửa tay mà lại đi nhào bột tiếp. Ngồi kế bà là một cậu nhóc nhìn khoảng sáu ~ bảy tuổi, đọng lại nơi lỗ mũi là hai hàng nước màu xanh xanh.
Quầy bánh rán này, không trật đi đâu được – chính là của vợ chồng nhà họ Trương vừa xảy ra tranh cãi với Điền Trí Viễn vào mấy ngày hôm trước, cơ mà lúc này chỉ có mỗi bà thím Trương bận bịu một mình, bà ta bảo con trai Bảo Nhi đang thòng lòng hai hàng nước mũi ngồi chơi ở cạnh bên.
Đàn ông đàn ang như Doãn Chân thật không để tâm nhiều đến vấn đề vệ sinh, càng không có cái tính ưa sạch sẽ, nhưng mà lúc nhìn tới cảnh tượng này, cậu vẫn dằn lòng không được mà phát tởm. Hâm Hâm nhõng nhẽo muốn ăn bánh rán, nhưng đám bọn cậu đang đứng trước quầy hàng của người ta, Doãn Chân khó mà nói trắng ra được, chỉ đành khéo léo khuyên giải Hâm Hâm.
“Hâm Hâm nghe lời, không phải hồi nãy mình đã ăn mì rồi sao? Bụng no căng quá không tốt đâu, sẽ khó chịu đó.”
“Không chịu đâu, con muốn ăn bánh rán.” Hâm Hâm hai tay chống nạnh, trừng mắt trưng khí thế lưu manh con ra.
Doãn Chân ngồi xổm trước mặt Hâm Hâm, kéo hai tay nhóc, định khuyên nhủ tiếp, lúc này bà chủ quầy bánh rán kia tự dưng hừ lạnh một tiếng, tay bận việc miệng nói thầm – “Dân đại học cái chó gì, sinh con trai ra không phải cũng chỉ là thứ ăn hại chỉ biết ăn với ăn thôi sao.”
Doãn Chân cau mày nhìn về phía bà chủ quầy kia, lòng không tránh khỏi kinh ngạc. Đương nhiên là cậu nghe hiểu ý của những lời này, và cũng biết bà ta đang nói tới ai, nhưng vấn đề là tại sao bà ta lại nói như thế? Cậu có hơi khó chịu, chợt cảm thấy, đàn bà ở nông thôn quả nhiên rất thiếu văn hoá. Dù Điền Trí Viễn có làm mích lòng bà thím này đi nữa, nhưng oan có đầu nợ có chủ, bà ta muốn mắng muốn chửi thì cũng nên mắng Điền Trí Viễn mới đúng, tại sao phải làm chuyện lạ đời – đi mắng một đứa bé?
Doãn Chân mỉm cười, nắm chặt tay thằng bé, hỏi nó: “Hâm Hâm, con muốn vô bệnh viện chích thuốc lắm hở?”
Đương nhiên là chẳng có đứa con nít nào không sợ chích rồi, tai vừa nghe được chữ này, mặt Hâm Hâm liền chù ụ – “Chú định dắt con đi chích? Nhưng mà con có bị bệnh đâu.”
Doãn Chân lắc đầu, làm bộ thương cảm – “Nếu con muốn ăn bánh kia thì chắc là phải đi chích rồi, con không thấy ở đây nhiều ruồi lắm à? Ừm mà con biết ruồi hay ở đâu không nào?” Hâm Hâm lắc đầu, Doãn Chân nói: “Toàn là ở trong nhà vệ sinh mà ra không đấy, trong người tụi nó mang biết bao nhiêu là vi khuẩn gây bệnh, rồi tụi nó vác theo đống vi khuẩn đó bay tới bay lui trên mấy cái bánh bột ngô rán ở đây, gây nhiễm khuẩn, người nào ăn phải sẽ bị bệnh, mà bị bệnh thì nhất định phải chích thuốc á.”
Hâm Hâm ra sức lắc đầu – “Con, con hông bị bệnh, hông đi chích đâu!”
“Vậy con còn muốn ăn bánh rán nữa không nào?”
“Không, không ăn!” Chắc chắn Hâm Hâm không hiểu cái gì gọi là vi khuẩn gây bệnh gì gì đó rồi, chỉ có điều nhóc bị chuyện chích thuốc kinh khủng kia hù cho sợ thôi.
Doãn Chân vừa lòng gật đầu, đang định kéo thằng nhỏ đi, bà thím Trương tự dưng hung hăng đập mạnh cái chày cán bột lên bàn làm phát ra tiếng “rầm” thật vang. Doãn Chân không để ý tới bà ta, kéo theo hai đứa nhóc đi thẳng không quay đầu.
Mấy ngày trước lúc Điền Trí Viễn dẫn cậu đi dạo đã từng nói, vùng này là khu dân cư nhỏ, cả thảy gồm năm dãy nhà lầu nằm ở bốn con đường, chia ra một, hai, ba, bốn, năm khu, lô bán đồ mà Doãn Chân ghé vào mua kẹo cao su là ở khu số 2 phía trước. Doãn Chân mua được loại kẹo mình muốn rồi, lại kéo theo hai đứa nhỏ thẳng tiến khu 5.
Tất cả nhà trong khu số 5 này đều thuộc sở hữu cá nhân, còn bốn khu phía trước, mỗi nhà đều có một chủ sở hữu khác nhau. Cứ năm khu một con đường, hai bên đường có tổng cộng 70 căn, toàn bộ đều họ Dư.
Doãn Chân chưa thấy gia tộc có tiền có thế bao giờ, ở Thượng Hải đúng là có nhiều người giàu hơn đấy, nhưng lúc nhìn thấy khu phố 5 dài ngoằn này, trong lòng vẫn không thể kiềm nổi sự ngạc nhiên.
Lúc ấy Điền Trí Viễn đã chỉ vào một toà nhà có diện tích rộng nhất, đứng đầu năm khu nọ, đó chính là căn của ông chủ nhà họ Dư, khi trước chạm mặt cái gì Dư ở ngay cửa siêu thị ấy, chắc là con trai của ông Dư này.
Nghe nói chỗ dựa sau lưng nhà họ Dư rất lớn mạnh.
Khi Doãn Chân nắm tay hai đứa nhỏ đi qua khu 5, đã nhìn toà nhà nọ vài ba lần –
Sở hữu 15 căn nhà sát mặt đường ở đây, tương đương với diện tích năm tòa nhà có lầu của người bình thường.
Trong đó hai phần ba diện tích là cưỡng chiếm của người khác mà có.
Doãn Chân dắt tụi nhỏ đi qua cả năm khu, quẩn quanh một vòng rồi về nhà.
Doãn Chân quyết định dạy hai đứa học chút gì đó.
So với con nít trong thành phố, trẻ em ở quê khá ít tiếp xúc với thứ bên ngoài hơn hẳn, cơ mà bây giờ mạng lưới thông tin phát triển mạnh, cái trấn Nguyên Thuỷ nhỏ xíu như này coi vậy cũng chả lạc hậu mấy, nhưng tính cách bọn trẻ vẫn còn tồn tại quá nhiều chênh lệch, ví như độ nhạy cảm và phản ứng linh hoạt, cảm xúc dễ bị kích thích, tính khí khác nhau một trời một vực.
Con nít thành phố không đi làm nên ngoài việc học, còn phải học thêm rất nhiều môn năng khiếu, như nhạc cụ, múa, võ thuật v..v.. Còn trẻ em ở nông thôn lại rảnh rỗi hơn rất nhiều, lúc tới trường còn có chút căng thẳng, một khi được nghỉ thì y như rằng chẳng khác ngựa hoang thoát cương là mấy. Không nói tới chút bài tập của giáo viên, đám trẻ ở đây chẳng có sở thích gì đặc biệt, sau khi học xong cuộc sống thật sự hết sức chán chường.
Doãn Chân xem xét hai đứa con của Điền Trí Viễn, bé trai Hâm Hâm là điển hình của lưu manh con cục cằn thô lỗ, nếu nó thấy chuyện đó là sai thì dù có ra sao cũng vẫn chẳng đúng, còn nếu chuyện nó cho là đúng thì dù bạn có giải thích cỡ nào cũng đều vô dụng cả, hết sức ngoan cố luôn.
Bé gái Nữu Nữu cũng ngang tàng chẳng kém, thích đùa thích nghịch, hơn nữa có hơi trưởng thành sớm, hiểu chuyện mà trẻ con bằng tuổi mình không biết, nói năng giống hệt người lớn, có lý có lẽ, thường làm Điền Trí Viễn nghẹn họng nói không thành lời.
Doãn Chân cảm thấy, thứ Hâm Hâm cần chính là tu thân dưỡng tính, còn Nữu Nữu thì cần phải chăm chút lại khí chất. Nếu tu thân dưỡng tính thì học ghi chữ bằng bút lông cũng là một lựa chọn không tệ, còn khí chất, thứ bồi dưỡng khí chất cho bé gái đương nhiên phải chọn Piano đầu tiên rồi.
Nhưng có điều, việc học viết chữ bằng bút lông cậu có thể dạy Doãn Chân, nhưng còn Piano thì cậu chắc chắn một điều là trấn nhỏ này tuyệt đối không có cơ sở dạy chuyên môn nào cả, nếu muốn học chỉ có nước đến huyện hoặc là vào trung tâm thành phố thôi.
Hơn bảy giờ tối, Điền Trí Viễn về nhà, Doãn Chân nói sơ ý kiến của mình cho hắn nghe.
“Sở thích của con trẻ phải được bồi dưỡng ngay từ lúc nhỏ, em thấy anh mua cho tụi nó ipad gì đấy hơn mười ngàn tệ mỗi cái, không bằng đưa tụi nó đến thành phố học chút năng khiếu, tiện tu thân dưỡng tính.”
Điền Trí Viễn tắm xong, để trần thân trên chỉ chừa lại một chiếc quần đùi che đến đầu gối, ngồi tán gẫu với Doãn Chân ở ban công phòng khách.
“Tôi cũng từng nghĩ đưa tụi nó đi học gì đó, nhưng vấn đề là tôi tìm mãi vẫn không thấy người thích hợp chăm sóc tụi nó.” Điền Trí Viễn vẫn y như lần trước – tay phải gác sau gáy, gập chân trái, nằm trên chiếc ghế dựa bằng trúc – “Hồi hè năm ngoái trên trấn từng có một sinh viên về đây mở lớp dạy múa, tiếc là chẳng có học sinh nào vào học, làm chưa tới vài ngày đã nghỉ. Cái chỗ bé tí này của bọn tôi ấy à, muốn con mình học chút năng khiếu cũng chỉ có thể lựa lúc nghỉ đông hay nghỉ hè, phụ huynh và con em cùng ở thành phố một hoặc hai tháng rồi học thôi.”
Doãn Chân cũng đã đi tắm, tóc hơi dài vẫn còn ướt nước, cơ mà cậu không quen cởi trần trước mặt người ngoài — mẹ hai của Điền Trí Viễn vẫn còn đang ngồi xem tivi trong phòng khách kia kìa.
“Hâm Hâm có thể có thể học viết chữ bằng bút lông để bồi dưỡng lại tính tình. À mà này, có phải anh hung dữ với nó quá không thế, cũng bởi nó có tâm lý phản nghịch nên mới….. thành ra cái kiểu lưu manh kia?”
Điền Trí Viễn rối rắm thở dài: “Thỉnh thoảng cũng có nạt nó, nhưng mà tôi còn cách nào khác nữa chứ? Nó lúc nào cũng đi ăn hiếp người khác, nói lý thì không nghe, tuôn một tràng lời hay lẽ phải mà nó cũng chẳng nhận sai, cho nên tôi mới….”
Doãn Chân giơ tay chặn không cho hắn nói tiếp – “Rồi rồi, tôi hiểu rồi. Anh đó, chả đáng mặt làm ba tí nào cả. Sao anh không hỏi nó là vì sao lại ăn hiếp người ta? Con trẻ không hiểu chuyện, xảy ra cãi vã nhất định là có nguyên nhân, mỗi lần có chuyện chắc anh chỉ lo quát nạt mà không để ý tới tâm trạng của nó, nên nó mới dần dà không tin tưởng anh, trong tiềm thức chỉ tin vào bản thân mình nên thành ra tính cách như bây giờ chứ gì.”
“Ài, nói tới nói lui, cũng đều do tôi không tốt!”
“Thôi đi, anh nghĩ vậy cũng không đúng đâu, đừng mỗi lần con trẻ phạm lỗi anh đều ôm tội vô người mình như thế. Con trẻ lớn lên đương nhiên không thoát khỏi sự giáo dục và dẫn dắt của phụ huynh, song tụi nó dầu gì cũng là một cá thể độc lập, có suy nghĩ và hành động của riêng mình. Anh có thể dạy tụi nó tự làm sai thì tự mình chịu, không thể lúc nào cũng ỷ lại vào người lớn được.”
Điền Trí Viễn ngồi xuống, chau mày nhìn Doãn Chân – “Nhưng mà tụi nó còn nhỏ vậy, làm sao hiểu được cái đạo lý sâu xa khó hiểu như thế?”
“Thì cũng bởi tụi nó nhỏ, nên mới phải rót vào đầu tụi nó những đạo lý này. Anh biết người trong nước dạy con ra sao không?”
“Ắc… không biết!” Hắn không ra ngoài kia, tin tức thì chỉ xem chiến tranh chính trị và quân sự, nào biết cách người trong nước dạy con ra làm sao? Nếu không hắn cũng chẳng tới nỗi con mình cũng dạy không xong.
Doãn Chân lắc đầu bó tay, đứng dậy vỗ vỗ đầu vai trần trùng trục của Điền Trí Viễn – “Hay là thôi đi, em thấy dù em có nói anh cũng chẳng hiểu được đâu, tóm lại cũng vì anh không có thời gian quản con thôi!”
← Xem lại
Xem tiếp
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Nam Bảo Mẫu Đến Từ Thành Phố
Chương 11
Chương 11