Bình địa phong ba (10) – Hai người, một chiếc ô.
Nam Cương nhiều nước.
Đi đường thủy nhanh hơn đường bộ.
Hoắc Quyết cầm gậy trúc chầm chậm chống một chiếc thuyền đen.
Tịch Đình Vân ngồi trong mái che của thuyền, tay cầm sách, nhưng tâm trí thì không đặt trên sách, dư quang trong khóe mắt thỉnh thoảng lại liếc về phía màu áo đỏ trên đầu thuyền khiến cảnh vật hai bên trở nên nhạt nhòa kia.
Hoắc Quyết thực là một người khó nắm bắt. Mỗi khi Tịch Đình Vân cảm thấy mình hiểu hắn được một chút, thì lần sau những điều hiểu được đó sẽ lại bị lật đổ.
Hắn chưa từng giấu giếm, nhưng lại luôn khiến cho người cảm thấy mờ mịt.
“Phía trước là Cẩn Công từ.” Hắn bất ngờ dừng tay lại.
Tịch Đình Vân hồi thần nói: “Cẩn Công?”
Hoắc Quyết nói: “Đặt tên theo vị đại công thần đánh bại Nam Cương của Nam Cương vương đời đầu tiên.”
Dù sao Tịch Đình Vân sau khi vào cung cũng ngày ngày bận rộn, không có nhiều thời gian học, cầm kỳ thư họa đều là cần dùng mới phải học, lịch sử của triều đại mình cũng chỉ biết sơ qua, cho nên vẫn không rõ lắm.
Hoắc Quyết giải thích: “Cao Tông phái Nam Cương vương đi xuống phía nam đánh bại Nam Cương, chỉ cấp cho năm mươi ngàn binh mã. Mà năm đó sáu bộ của Nam Cương cộng lại đã có hơn hai trăm ngàn, thực lực hai bên chênh lệch quá lớn. Cẩn Công xin Nam Cương vương năm ngàn binh mã, lén lút đột nhập Nam Cương, đi vòng qua hậu phương, chiếm lấy kho lương thảo chung của sáu bộ Nam Cương, dàn xếp giá họa, gây ra ly gián, khiến cho quan hệ trong nội bộ của bọn họ rã rời, đem đến cơ hội tốt cho Nam Cương vương. Đáng tiếc, ông ta trong một lần chiến đấu trúng tên độc, không chữa trị cho nên qua đời. Sau khi ông ấy qua đời, Nam Cương vương không ăn không ngủ suốt ba ngày ba đêm, chân không ra khỏi phòng, sau đó lại đích thân dựng cho ông ta ngôi miếu này.”
Tịch Đình Vân nói: “Vị Cẩn Công này không những hết sức trung thành với triều đình, mà còn hữu dũng hữu mưu, chẳng trách Nam Cương vương nhớ mãi không thôi.”
Hoắc Quyết nói: “Ông ấy nhớ mãi không thôi không phải vì nguyên nhân đó. Trước khi Cẩn Công nhắm mắt có viết một bức huyết thư, giao cho người thân tín, gửi cho Nam Cương vương. Đó là một bức di thư, cũng là một bức thư tình.”
Tịch Đình Vân khẽ sửng sốt, hỏi: “Có lẽ nào vị Cẩn Công đó còn bận tâm đến người trong lòng, muốn xin Nam Cương vương thay mình chăm sóc?”
“Đối tượng của bức thư tình đó chính là Nam Cương vương.”
Tịch Đình Vân im bặt. Trong giới quý tộc Trang Triều, dưỡng nam sủng đang là một kiểu phong trào, bản thân hoàng đế bên cạnh cũng có mấy người. Thế nhưng như vị Cẩn Công có thể thống lĩnh binh lính đánh trận, ra chiến trường thế này thì rất hiếm thấy.
“Nghề nghiệp cùng chung chí hướng, chiến trường nương tựa lẫn nhau, tình lộ trái tim hòa chung một nhịp, tình cảm như vậy,” Hoắc Quyết hạ mắt xuống, “Đúng là khiến người ta muốn noi theo.”
Tịch Đình Vân há mồm, một lúc lâu cũng không biết nói gì. Chẳng lẽ Hoắc Quyết… là đoạn tụ?
Hoắc Quyết lại chống thuyền đi tiếp, không hề nhận ra rằng sự cảm khái vừa rồi của mình khiến trong lòng Tịch Đình Vân dâng lên sóng trào lớn đến dường nào.
Tiếng nước róc rách vang.
Một ngôi miếu xuất hiện trong tầm mắt. Mái đỏ tường trắng, xung quanh có các bóng cây xanh bao quanh, cực kỳ bắt mắt.
Tịch Đình Vân vừa ngước mắt lên, đột nhiên nhìn thấy trong bóng cây xanh có một dải lụa trắng phấp phới, trong nháy mắt, trong lòng kinh hãi, đứng dậy nói: “Đây chính là Cẩn Công từ sao?”
Hoắc Quyết gật đầu.
“Có thể lên bờ xem một chút không?” Y thấy Hoắc Quyết nhìn mình, vội nói “Chỉ là nghe những lời vừa rồi liền sinh lòng ngưỡng mộ, dù sao cũng đã có cơ may đi qua chỗ này, sao có thể đi qua mà không vào thắp hương?”
Hoắc Quyết quay đầu nhìn y, ánh mắt sâu xa, hơn nữa còn mang theo những gợn sóng dao động không thể nói rõ ràng.
Tịch Đình Vân vô thức mỉm cười, hắn lại quay đầu đi.
Thuyền dần cập vào bờ.
Hương thơm của hoa trên bờ xông vào mũi, khiến cho tinh thần rất thoải mái. Bậc thang màu trắng giữa các khóm hoa vươn thẳng đến trước miếu.
Tịch Đình Vân và Hoắc Quyết một trước một sau bước lên bậc thang mà đi.
Cửa mở rộng, lộ ra tượng Cẩn Công.
Thầy sư đang quét sân đặt chổi xuống, đi đến đón tiếp.
Tịch Đình Vân nói vài lời khách sáo với ông ta, liền hỏi về sự tích Cẩn Công.
Dù sao cũng là kiếm cơm ở đây, nhà sư thao thao bất tuyệt, như là Cẩn Công sinh ra ở đâu vào lúc nào, mặc chiến bào gì, dùng vũ khí gì, như thể rất quen thuộc với vị tướng này, Tịch Đình Vân nghe có chút ong ong cả đầu.
“Cẩn Công thích núi thích sông, cho nên Cẩn Công từ này mới xây nên núi, cạnh sông.” Nhà sư chỉ vào tấm biển treo ngang bên trên, nói “Chữ này do chính tay Nam Cương vương Tề Quốc Công đề đó.”
Nam Cương vương có lẽ có rất nhiều người, nhưng được gọi là Nam Cương vương Tề Quốc Công thì chỉ có thể là Nam Cương vương đời đầu tiên. Do Nam Cương vương chộp lấy Nam Cương, bức ép Cao Tông phong vương, cho nên tước vị truyền theo đời Tề Quốc Công trước đó bị thu hồi lại.
Tịch Đình Vân thấy Hoắc Quyết dâng hương, cũng viếng theo.
Nhà sư đợi hai người thăm viếng xong, mời vào hậu đường tiếp đãi.
Nói là hậu đường, nhưng cũng chỉ là một cái lán nhỏ, nhìn thẳng ra rừng trúc núi phía sau.
Nhà sư múc nước nấu trà.
Tịch Đình Vân ngồi bên cạnh nói chuyện câu được câu không, hai mắt lại đảo nhìn tứ phía. Dải lụa trắng là ám hiệu liên lạc của Địch Thông với y, đã xuất hiện ở nơi này, nhất định sẽ có tin tức được đưa đến, chỉ là không biết dùng phương thức nào mà thôi. Y vẫn biết phương thức truyền tin của Địch Thông vốn kỳ lạ cổ quái, nhà sư lại biểu hiện hết sức đúng chức trách, không giống với người truyền tin, nên từ bỏ ý định chủ động tìm kiếm, tự mình ngồi thưởng thức trà.
Khoảng khắc y quay đầu nói chuyện, Hoắc Quyết bất ngờ chạy về phía rừng, một lúc lâu sau mới nắm mấy cây trúc bị đá gãy về.
“Vương gia thích ăn măng sao?” Tịch Đình Vân cười nói, “Hơi già rồi.”
Hoắc Quyết nói: “Làm cái bè trúc.”
Tịch Đình Vân ngẩn ra một chút, nói: “Chúng ta có thuyền rồi.”
Hoắc Quyết nói: “Thuyền thì có mái che.”
Tịch Đình Vân nói: “Đúng vậy, mái che màu đen.”
“Mái che chắn mất mặt.” Hoắc Quyết thuận tay ném mấy cây trúc xuống, đi tìm thừng.
Tịch Đình Vân ngồi ngây ra một lúc lâu, mới nhớ lại cái câu chắn mất mặt, quả thật trong chốc lát rất muốn tìm cái gì đó che mặt mình đi, ngẩng đầu liền nhìn thấy nhà sư sâu xa nhìn mình, cười gượng nói: “Bên sông phong cảnh sắc núi tuyệt đẹp, chắn mất mắt không hay.”
Nhà sư cười ha ha: “Đúng vậy.”
Tịch Đình Vân ngồi không yên.
Hoắc Quyết không tìm thấy thừng, chạy về hỏi: “Chỗ nào có thừng?”
Nhà sư nghĩ ngợi một lát nói: “Núi phía sau có một cái giếng khô, trong giếng có dây thừng, bỏ hoang không dùng đã lâu.”
Hoắc Quyết chạy đi tìm.
Tịch Đình Vân nâng chén uống trà, trên đùi bất ngờ xuất hiện một vật, là một tờ giấy nhỏ, ngẩng đầu nhìn, nhà sư đã đứng dậy, cầm theo bình trà, đi ra núi phía sau.
Tịch Đình Vân bất động thanh sắc mở tờ giấy ra, bút tích của Địch Thông, rất ít nét bút, nhưng y đọc mà trong lòng kinh ngạc.
Trên tờ giấy viết tên rất nhiều người, sau đó vẽ mấy vòng tròn. Bàng Tiểu Đại và Nhan Sơ Nhất một vòng, Nam Cương vương và Xá Quang một vòng, Na Phi Long, Huống Chiếu và… triều đình một vòng.
Bên cạnh có một hàng chữ: Vương phi mất tích, Huống Chiếu bất động, lão vương vừa chết, Huống Chiếu liền rục rịch.
Tịch Đình Vân mặt không chút biểu cảm xem xong, sau đó bỏ thư vào trong nước trà nóng, ngón tay quấy quấy, giấy tan vào nước. Y đứng dậy tưới nước xuống gốc trúc, nhà sư đi đến, “Tướng công không thích uống trà sao?”
Tịch Đình Vân nói: “Trà đã lạnh rồi.”
“Ta đi đun ấm mới.”
Tịch Đình Vân lắc đầu: “Bạn của tôi đâu?”
Nhà sư đáp: “Vẫn đang tháo dây thừng.”
Không lâu sau, quả nhiên nhìn thấy Hoắc Quyết mang dây thừng về.
Trên đầu bất chợt sáng lên một cái, sấm rền, may đen cuồn cuộn, sắc trời dần tối lại, mưa rừng sắp đến.
Kế hoạch làm bè không thể không gác lại.
Mưa rất nhanh liền đổ như trút nước.
Tịch Đình Vân cảm khái nói: “Mái che vẫn có cái lợi của mái che.” Y liếc mắt nhìn, đối diện với ánh mắt nhìn mưa rơi chăm chú của Hoắc Quyết, trong lòng khẽ dâng lên dao động không lời.
Hoắc Quyết ngắm mưa rất lặng lẽ, như thế mưa là vật sống, còn hắn là kẻ chết. Khuôn mặt tuấn mỹ như khối điêu khắc, lúc sáng lúc tối theo ánh chớp. Ánh mắt nhìn về nơi rất xa, xuyên qua màn mưa, xuyên qua ngọn núi, không biết đặt tại nơi nào.
Tịch Đình Vân khe khẽ lùi về.
Mặc dù cùng ngồi một chiếc thuyền bọn họ vẫn đến từ những nơi khác nhau, càng sẽ thuộc về những nơi khác nhau.
Cơn mưa lớn đến rất nhanh, đi cũng rất nhanh.
Trong chốc lát, mây đen tiêu tán, sắc trời mênh mông.
Núi như mỹ nhân, lê hoa đái vũ, e thẹn chảy xuống, càng thêm đẹp đẽ.
Nhà sư muốn giữ Tịch Đình Vân và Hoắc Quyết ở lại nghỉ ngơi không được, đích thân tiễn bọn họ xuống núi, lên thuyền. Tịch Đình Vân gửi tiền hương hỏa, nhà sư đưa cho họ một cái ô.
Sau khi lên thuyền, Hoắc Quyết nhìn thấy Tịch Đình Vân nắm lấy ô mà ngây người, hỏi: “Chỉ có một cái thôi à?”
“Đúng vậy, chỉ có một cái thôi.” Tịch Đình Vân cười nói, “Nhà sư quả nhiên là một người sắc sảo. Một phần hương hỏa, một chiếc ô.”
Hoắc Quyết nhìn chiếc ô chăm chăm.
Tịch Đình Vân hơi cảm thấy ngại ngùng, “Nếu như vương gia thích, thì tặng cho vương gia đó.”
Khóe miệng Hoắc Quyết bất ngờ cong lên, rất nhạt, nhưng lại như nước sông sau cơn mưa, trong trẻo sáng lấp lánh, “Hai người, một chiếc ô.”
Tay cầm ô của Tịch Đình Vân khe khẽ dao động, như không có chuyện gì, nhìn ra hướng khác: “Không biết phía trước là nơi nào nhỉ?”
Hoắc Quyết đáp: “Trấn Cẩn Công.”
Tịch Đình Vân ngước nhìn.
Hoắc Quyết nói: “Cẩn Công chết tại nơi này. Lúc đó binh hoảng mã loạn, mấy người thân tín chôn cất ông ta sơ sài tại nơi này. Nam Cương vương sau này tìm thấy hài cốt của ông ta, không muốn làm kinh động, cho nên cũng không hề thay đổi nơi chôn cất.”
Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Xuất Sao
Chương 30
Chương 30