DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Nghịch Thủy Hàn
Chương 28: Nam nữ trong thạch thất

Đường Vãn Từ dìu Lôi Quyển vào thạch thất, cởi áo ngoài của lão ra để trị thương. Trên người Lôi Quyển có hai vết thương, một ở ngực, một ở hông. Vết thương trên ngực do đao gây ra, thấu đến phổi. Vết thương ở hông do búa chém vào, thịt rách, da bị sới ngược lên.

Cả hai vết thương này đều rất nặng và đều do Cố Tích Triều hạ độc thủ.

Nếu là người khác, bị như thế, dứt khoát đã gục ngã từ lâu. Đường Vãn Từ rất kinh ngạc trước khả năng chịu đựng bền bỉ của Lôi Quyển.

Nhìn không ra người có hình thể gầy gò, thần sắc nhợt nhạt này lại có sức chịu đựng kiên trì đến thế.

Người này có dáng vẻ của một lãnh tụ uy nghiêm, hình như cả Thẩm Biên Nhi và Thích Thiếu Thương đều thập phần tôn kính lão. Nhưng trước mắt Đường Vãn Từ, lão giống như một đứa trẻ kiên cường bị bỏ rơi, cần người chiếu cố.

Thật sự có chút giống với Sơ Kiến…

Khi nghĩ tới điểm này, trong lòng nàng nảy sinh cảm giác thương xót; càng cảm thấy con người này, gầy gò, nhợt nhạt, môi mím chặt, lông mày đen nhánh, thật giống Nạp Lan Sơ Kiến năm đó, người đối với nàng ân tình đều nặng.

Cho nên Đường Vãn Từ nguyện ý tự mình chữa trị cho Lôi Quyển.

Vết thương của Lôi Quyển, nàng không bận tâm mấy.

Y thuật của nàng có thể xem là giỏi nhất Hủy Nặc thành; là do nàng đã theo học Nạp Lan Sơ Kiến thời còn ở thanh lâu, chứ không phải khi đã đến Toái Vân Uyên.

Y thuật của Nạp Lan Sơ Kiến cùng thi từ của ông nổi danh ngang nhau, nức tiếng khắp kinh đô; đương thời mọi người đánh giá y thuật và thi tài của ông tuyệt diệu như nhau, xưng tụng là "Thần châm tài tử". "Thần châm" chỉ khả năng thăm mạch đoán bệnh, châm cứu của ông. Chỉ sợ ngự y bên cạnh hòa thượng cũng phải tìm ông thỉnh giáo.

Tuy nhiên, Nạp Lan Sơ Kiến không thích làm quan, hoàng thượng muốn phong cho ông một chức quan lớn chuyên khám bệnh cho giới quan lại, quyền quý, ông bèn lánh mình đến chốn thâm sơn, chữa bệnh cho dân làng.

Hoàng đế tưởng Nạp Lan Sơ Kiến hiềm chức quan nhỏ, không xứng với thi tài của ông, bèn thể theo ý kiến của tể tướng Phó Tông Thư, phong ông làm Quan chủ trì khoa cử. Phó Tông Thư phái tâm phúc Văn Trương vào chốn rừng sâu thỉnh ông hạ sơn.

Văn Trương dùng mọi thủ đoạn vừa cứng vừa mềm, "thỉnh" được Nạp Lan Sơ Kiến trở về. Nạp Lan Sơ Kiến giả vờ đồng ý, nhưng vừa đến kinh thành, liền trốn vào chốn kỹ viện, không chịu ra. Ngày ngày ông giả say giả cuồng, làm thơ tặng các thanh lâu kỹ nữ, chuốc tiếng bừa bãi, không ra thể thống gì. Hoàng đế nổi giận, bèn bỏ ý định trọng dụng ông.

Tể tướng Phó Tông Thư thấy hành vi của Nạp Lan Sơ Kiến không nghi ngờ gì nữa, chính là rượu mời không uống, chẳng nể mặt y. Sau đó y lại phát hiện Nạp Lan Sơ Kiến tại kỹ viện viết nhiều bài thơ châm biếm y, nên mới ghi hận trong lòng.

Lần này, Văn Trương phụ sự ủy thác của Phó Tông Thư, càng cảm thấy mất mặt, trong lòng cũng muốn trừ diệt Nạp Lan Sơ Kiến.

Nạp Lan Sơ Kiến cũng không quan tâm việc đời, tiêu sạch tiền bạc, mười phần chán chường. Ông thường chữa bệnh cho người nghèo ven đường, nhưng không chịu đến nhà người có tiền khám bệnh. Có người thấy lạ, hỏi, ông bèn giải thích: "Người phú quý đã hưởng phúc nhiều rồi, trời giáng bệnh hành hạ một chút thì đã sao? Cho dù có chết bệnh cũng là ra đi."

Ông thường đảo đôi mắt say, ngâm nga: "Người nghèo thì khác, bọn họ đã chịu cùng khổ một đời, nay bệnh ngặt nghèo, ta không chữa cho họ thì chữa cho ai?"

Lại có người hỏi ông, hiện tại cùng khốn như thế, nhớ lại ngày xưa không chịu làm quan, liệu có hối hận hay không. "Hối hận?" Ông la lớn: "Ta là người thông minh! Nếu ở chốn quan trường, loại người như ta liệu có thể sống đến bây giờ không? Ta đã có sự lựa chọn sáng suốt rồi!"

Cho đến khi Nạp Lan Sơ Kiến gặp Đường Vãn Từ tại thanh lâu.

Cái tên Đường Vãn Từ chính là do ông buột miệng thốt lên sau khi gặp nàng lần đầu tiên. Ông cảm thấy người con gái này giống như một quyển từ cuối đời Đường (Vãn Đường), cả hai đều làm say đắm lòng người.

Lúc đó, Đường Vãn Từ đang theo Tức Đại nương học võ.

Từ khi gặp nàng, Nạp Lan Sơ Kiến không đi kỹ viện khác, không tìm đến cô nương khác, cũng không làm thơ tặng nữ tử khác, chỉ gặp nàng, chỉ vì nàng làm thơ, chỉ bầu bạn cùng nàng.

Đường Vãn Từ rất mực hâm mộ tài hoa cũng như cá tính và tính khí của Nạp Lan Sơ Kiến. Lúc cố chấp ngoan cố thì Nạp Lan Sơ Kiến có khi còn cứng hơn đá, nhưng đôi khi ông lại yếu đuối như một đứa bé không nơi nương tựa, vòng tay ôm eo, vùi đầu vào giữa ngực nàng thủ thỉ.

Yêu người yêu cả đường đi lối về, Nạp Lan Sơ Kiến cũng đã đặt tên cho Nam tứ nuơng và Tần tam nuơng, hai cái tên "Nam Vãn Sở" và "Tần Vãn Tình" chính là do vậy mà có..

Nam Vãn Sở và Tần Vãn Tình đều mừng cho Đường Vãn Từ

Nạp Lan Sơ Kiến cùng Đường Vãn Từ quấn quít bên nhau, chỉ muốn làm uyên ương chốn nhân gian, không muốn thành tiên nơi thiên đường. Đường Vãn Từ yêu nét đa tình khi ông vẽ mày cho nàng, nỗi đa sầu cảm thán khi ông thấy người nghèo bị bệnh khốn, sự đa tài về chơi đàn, làm thơ, tinh thông dịch số, y học. Còn Nạp Lan Sơ Kiến xem Đường Vãn Từ như thê tử, đồng thời là người mẹ để ông có thể nương tựa; cũng như là người con gái luôn quan tâm hiểu hết nỗi lòng ông.

Đáng tiếc, khoảng thời gian hạnh phúc yêu nhau tựa thần tiên đó lại quá ngắn ngủi.

Văn Trương mang một bài thơ do chính tay Nạp Lan Sơ Kiến chấp bút trình lên để Phó Tông Thư cáo buộc tội ông đã xúc phạm thánh thượng trong bài thơ. Hơn nữa, Phó Tông Thư ở bên cạnh thêm dầu vào lửa khiến hoàng đế nổi giận, nhất quyết trị tội Nạp Lan Sơ Kiến.

Nạp Lan Sơ Kiến bị bắt vào lao. Chỉ trong ba ngày, thân thể của ông không còn chỗ nào nguyên vẹn: cổ họng bị lửa lò hun câm rát như xát muối, hai chân và mười ngón bị cắt thành từng đoạn, một mắt bị thanh sắt nung đâm mù, chỉ còn hai tay là lành lặn.

Đương nhiên Nạp Lan Sơ Kiến hiểu rõ ý định của bọn chúng.

Chúng muốn lưu lại hai tay của ông để bắt ông ký vào bản cung nhận tội.

Nạp Lan Sơ Kiến quật cường, kiêu hãnh, thề không khuất phục. Ông biết mình khó lòng may mắn thoát khỏi, bèn đập đầu vào tường sắt, đập đến vỡ đầu chảy máu. Nhưng không may lại bị Văn Trương kêu người cứu ông sống lại, tiếp tục bức cung.

Nạp Lan Sơ Kiến thà chết không nhận tội, Văn Trương lại không để ông chết, cứ từ từ tra tấn.

Nạp Lan Sơ Kiến biết rõ ý đồ của những kẻ này, thừa khi bọn chúng sơ ý, đút hai tay vào lò than hồng, làm mười ngón tay đều bị hủy, không còn có thể ký tên.

Văn Trương thấy tâm nguyện không thành, lòng càng bực tức; lại cũng sợ nhóm Đường Vãn Từ cướp ngục  thật ra, Tức Đại Nương, Đường Vãn Từ cùng Tần Vãn Tình đã ba lần cướp ngục, nhưng trước đại lao tường đồng vách sắt, các nàng đều thất bại rút lui  liền hạ lệnh dùng cực hình xử tử Nạp Lan Sơ Kiến.

"Cực hình" chính là cắt ba trăm hai mươi sáu đao, sao cho nạn nhân vẫn còn sống thoi thóp chịu khổ.

Nhưng, đang cắt đến đao tám mươi ba, Nạp Lan Sơ Kiến đã cắn lưỡi tự vẫn.

Chỉ có bản cung nhận tội lại thiếu chữ ký. Dĩ nhiên Văn Trương mời một văn nhân chuyên phỏng bút tích của người khác, mô phỏng chữ ký của Nạp Lan Sơ Kiến ký vào. Vị "văn nhân" này không tưởng được việc mô phỏng kiểu chữ của danh gia lại có ngày khiến y một bút được tiểu phát tài. Chỉ cần có tiền, kẻ này có gì mà không làm cơ chứ.

Bản nhận tội của Nạp Lan Sơ Kiến đã xong, thiên hạ đều nghe thấy. Phó Tông Thư quyết không để người ta biết được oan tình của ông, không để Sơ Kiến thành liệt sĩ.

Căn cứ vào bản tội trạng, phàm thân hữu của Nạp Lan Sơ Kiến không ai không bị tội. Đường Vãn Từ cũng có tên trong danh sách truy nã, nhưng nàng đã trốn thoát, bằng vào võ công của nàng, loại bộ khoái tầm thường làm sao đụng đến được.

Vụ này, ngoại trừ Tức Hồng Lệ, Đường Vãn Từ, Tần Vãn Tình cố sức ở ngoài mưu cứu Nạp Lan Sơ Kiến, còn có một người cũng tìm cách cứu ông, chính là Gia Cát Tiên Sinh.

Gia Cát Tiên Sinh không quen biết Nạp Lan Sơ Kiến, tiên sinh đơn giản là trọng và mến tài của ông. Đáng tiếc, tội của Nạp Lan Sơ Kiến chính là tội "châm biếm hoàng đế", không phải là tội nhẹ. Gia Cát Tiên Sinh khó khăn lắm mới có thể giải thích rõ ràng ý bài thơ, làm dịu sự phẫn nộ của hoàng đế; nhưng Nạp Lan Sơ Kiến đã "nhận tội" rồi, cũng đã bị "xử quyết" xong.

Gia Cát Tiên Sinh chỉ đành giậm chân thở dài.

Đường Vãn Từ cũng có nghe qua tin Gia Cát Tiên Sinh cố cứu Nạp Lan Sơ Kiến.

Thật ra, ngày đó có rất nhiều văn nhân danh tiếng đồng lòng dâng thư, hy vọng Nạp Lan Sơ Kiến được miễn tội. Tuy Nạp Lan Sơ Kiến cư xử cuồng phóng, có chút ngổ ngược, nhưng đúng là bậc tài hoa lại có y thuật cao minh; hơn nữa, lúc đó, một số văn nhân có cốt cách cũng không muốn nhìn thấy một loại " Văn tự ngục"(*) vô cớ như thế.

Gia Cát Tiên Sinh đã cùng phối hợp với những vị văn nhân này phản ánh ý kiến lên thiên tử, nhưng tiếc thay, cũng chẳng được gì!

Đương nhiên Đường Vãn Từ quá đau lòng, không còn thiết tha gì nữa.

Nàng viết cho ông hết khúc ca này đến khúc ca khác, đem những bài thơ ông tặng nàng phổ thành nhạc, hát hết bài này đến bài khác. Mỗi lần ca là mỗi lần nước mắt nàng tuôn rơi, khiến người nghe cũng không cầm được nước mắt.

Vừa gặp Lôi Quyển, Đường Vãn Từ có ngay cảm giác hai người đã gặp nhau từ lâu.

Khi gặp nàng lần đầu, Nạp Lan Sơ Kiến giả vờ tuyệt không nhìn đến nàng, nhưng lại thầm đặt tên cho nàng.

Lôi Quyển cũng dường như không chú ý đến nàng.

Nhưng nàng biết rằng lão để ý đến nàng nhất.

Lôi Quyển giờ đây đang mê man, nàng cởi y phục cho lão: thật là một người gầy gò, ốm yếu!

Đột nhiên, Đường Vãn Từ chợt hiểu vì sao Lôi Quyển luôn mặc áo da cừu dày cộm. Điều này gợi lại trong lòng nàng nỗi cảm thương: vì sức khỏe Nạp Lan Sơ Kiến không tốt, không thể luyện võ nên ông tinh thông y đạo; chính vì thể chất bạc nhược nên ông nảy sinh tâm chí dùng y lý giúp đỡ người đời.

Đường Vãn Từ bôi thuốc cho Lôi Quyển, xoa bóp, chùi máu, châm huyệt đạo.

Sau đó, Lôi Quyển chợt tỉnh dậy.

Ngay khi tỉnh lại, lão phát hiện y phục của mình đã bị cởi ra, phơi bày thân hình gầy trơ xương.

Lão càng nổi giận hơn nữa khi cạnh lão là một người lạ… là vị nữ nhân lão không hiểu tại sao mình đã chú ý nhiều đến nàng, mà không phải là Thẩm Biên Nhi.

Điều này khiến mặt lão trắng bệch, vội choàng dậy.

Vừa khoác lại y phục, lão vừa run giọng: "Cô nương…" Lập tức lão cũng nhận ra người đó đang trị thương cho mình.

Đường Vãn Từ cười châm chọc: "Sao lại y hệt một vị đại cô nương vậy?!"

Lôi Quyển là một người uy nghiêm, cả đời lão nắm quyền sinh sát, đã cơ trí lại còn kiên cường. Nội tâm nhu nhược của lão quyết không để cho ai hay biết. Cố nhiên người đã theo lão lâu năm là Thẩm Biên Nhi có rõ được ít nhiều nhưng gã không dám để lộ; gã chỉ bảo vệ bên cạnh lão, tận hết sức mình thầm tương trợ lão. Tuyệt nhiên lão chưa từng nghĩ đến việc lại có người dám bảo lão "giống như một vị đại cô nương!"

"Há!" Lão cười giận dữ: "Cô nương nói gì?!" nguồn TruyenFull.vn

Đường Vãn Từ nhún nhún vai, xòe xòe tay, nhắc lại: "Đại cô nương."

Lôi Quyển giận đến cực điểm: "Cái gì mà đại cô nương?!"

Giọng Đường Vãn Từ nhỏ nhưng lại có uy, như cười mà lại không cười: "Lại còn không thừa nhận? Lão xem, hai má đỏ lên, giống như một đại tiểu thư má hồng, có khi lại như là một tiểu cô nương da phấn."

Lôi Quyển nổi khùng đến mức nói không nên lời.

"Nằm xuống!" Đường Vãn Từ ra lệnh.

Lôi Quyển không thể tin được: "Cô nương bảo ta?"

Đường Vãn Từ cười: "Ngoan! Nằm xuống, nếu không ta không thể trị thương cho lão."

Quả là Lôi Quyển không thể nhịn được: "Cô nương đang nói với con nít đấy à?"

Đường Vãn Từ thích thú nhìn lão: "Ồ? Lão là trẻ con à?"

Lôi Quyển cố nén giận: "Đa tạ cô nương vừa trị thương cho ta, vết thương này không làm chết được ta. Bọn họ vẫn còn ở bên ngoài phải không? Ta phải đi ra đã."

Đường Vãn Từ bảo: "Lão như thế này mà đòi đi ra ngoài thì chẳng được bao lâu sẽ phải ngã thôi."

Lôi Quyển lớn tiếng: "Ta đảm bảo với cô nương, ta dứt khoát không bất tỉnh lần nữa"

Đường Vãn Từ nhàn nhã nói: "Ta không tin lời đảm bảo của lão."

Lôi Quyển chán nản: "Cô nương!" Lão thở một hơi dài: "Thật ra ta căn bản không cần phải đảm bảo với cô nương."

Lôi Quyển vừa định đi ra cửa, Đường Vãn Từ đột nhiên buông một câu: "Là do lão không dám đảm bảo với ta."

Lôi Quyển nhịn không được, quay lại hỏi: "Vì sao ta lại không dám đảm bảo với cô nương, không phải vừa rồi ta đã đảm bảo rồi hay sao?"

Đường Vãn Từ hờ hững: "Lão như vậy là ngang bướng với chính mình."

Lôi Quyển không đừng được, lại hỏi: "Vì sao ta phải ngang bướng?"

Đường Vãn Từ ngang nhiên đáp: "Vì lão sợ ta."

Lôi Quyển giận đến phì khói: "Ta sợ cô nương? Hà!" Lão lại "Hà" thêm một tiếng nữa.

Đường Vãn Từ cười mệt mỏi, nói ngắn gọn: "Lão sợ ta."

Không hiểu sao cơn giận trong lòng Lôi Quyển lại biến mất, không phát tác, không muốn cùng nàng tranh biện, lão bèn nói: "Tốt! Mặc kệ ai sợ ai, ta đi ra ngoài là xong."

Đường Vãn Từ cười hỏi: "Lão không sợ ta, vì sao phải đi ra?"

Lôi Quyển hỏi ngược lại: "Vì sao ta phải lưu lại đây?"

Đường Vãn Từ đáp: "Ta trị thương cho lão."

Biết rằng loại tranh biện này là bất tận, Lôi Quyển bèn thoái thác: "Vết thương của ta không nặng, cám ơn cô nương, ta phải đi đây."

Đường Vãn Từ lại nói: "Lão không thể đi." Thật kỳ quái, trong lòng Lôi Quyển rất ưa thích giọng nói trầm thấp đầy phong vị nữ nhân này của Đường Vãn Từ.

Lôi Quyển dừng bước: "Vì sao ta không thể đi?"

Đường Vãn Từ đáp: "Lão không dám đi."

"Ha" Lôi Quyển bật cười: "Ta, không dám đi?"

"Nếu như lão cứ thế này mà đi ra, áo quần xộc xệch, ta liền hô hoán lão sàm sỡ ta. Lão nói xem, những người bên ngoài kia sẽ nghĩ lão là loại người nào?" Đường Vãn Từ liếc xéo lão bằng đôi mắt xinh đẹp.

Mặt Lôi Quyển đỏ bừng, lão vội vã chỉnh đốn y phục, chỉ có thể lắp bắp: "Ta… sàm sỡ cô nương… cô…"

Đường Vãn Từ mỉm cười, mặt lộ vẻ mệt mỏi: "Ta không đùa với lão nữa, lão đi đi, ta không giữ lão nữa."

Lôi Quyển không nhịn được, phải hỏi: "Làm sao mà cô nương cho rằng ta sợ cô nương?"

Đường Vãn Từ mệt mỏi đáp: "Ta nói thẳng, lão không phật lòng chứ?"

Lôi Quyển nghiêm túc: "Cô nương cứ nói!"

Đường Vãn Từ giải thích: "Kì thật, trong thâm tâm, lão rất để ý đến ta; bất quá lão một mực quen tự cao tự đại, rất sĩ diện, bất kể trong lòng đang nghĩ gì, bề ngoài đều có vẻ chí công vô tư, như một bậc chính nhân quân tử, mỗi cái nhấc chân nhấc tay đều dường như phải lưu lại làm gương cho đời sau, theo đuổi một vạn thế công danh không hề có thực."

Nàng khoan thai nói tiếp: "Làm kẻ quân tử như vậy, không phải rất thống khổ sao? Nếu là ta, ta thà không là người quân tử. Ngày ngày phải lừa gạt chính mình, mang mặt nạ khác, thật khổ làm sao, thật khổ làm sao?!"

Lôi Quyển trầm mặc.

Lão bước từng bước ra cửa.

Đến khung cửa, lúc đưa tay đẩy cửa, lão chợt dừng chân, bảo: "Có lẽ cô nương nói đúng."

Dừng lại hẳn, lão bổ sung thêm: "Có điều, ta thật sự rất thích nàng."

Đường Vãn Từ cười, nụ cười rất đẹp.

Lôi Quyển cũng cười, cái cười đầy thiện ý.

"Thế nhưng, ta phải ra ngoài, đại địch đang ở bên ngoài, có nhiều việc đang chờ ta làm".

Đường Vãn Từ nheo nheo mắt nhìn lão: "Để ta sửa một chữ trong câu của lão"

Lôi Quyển khẽ nhướng mày: "Mời."

Đường Vãn Từ bảo: "Câu vừa rồi của lão là câu nói thật, nhưng sửa phần đầu câu "thế nhưng" thành "đáng tiếc", ta biết đó mới đúng là câu lòng lão muốn nói."

Lôi Quyển chân thành nhìn nàng: "Nàng sửa lại rất đúng." Cả hai cùng cười, Lôi Quyển vừa dợm bước ra, đột nhiên cửa gỗ toác ra, đất rung phòng chuyển, vụ nổ kinh hoàng xảy ra trong nháy mắt.

Chú thích: "Văn tự ngục": trong Lộc Đỉnh Ký cũng có nhắc đến, chỉ những sự việc văn nhân vì văn chương mà bị tù tội, hãm hại.

Đọc truyện chữ Full