DocTruyenChu.Info

Nhập Số Chương Để Tìm Chương VD: 200
Nghịch Thủy Hàn
Chương 111: Vĩ thanh

Trời sáng

Y ngồi trên kiệu có gắn bánh xe, dõi mắt ngắm nhìn con sông Dịch Thủy giá buốt, khoảng không mông lung, y phục bay phần phật trong gió, những tia nước bắn tung tóe làm vạt áo của y có chút ẩm ướt.

Y có một đôi mắt tràn đầy thâm tình.

Nhưng ngoại hiệu của y lại là Vô Tình.

Y hiển nhiên đang ở cạnh sông Dịch Thủy đợi người.

Y đợi ai?

Người y đợi cũng vừa mới xuất hiện.

Mỏi mệt, kiệt sức chầm chậm bước ra từ con đường dài dằng dặc dẫn ra khỏi Hải phủ của Bát Tiên đài.

Chàng vẫn còn trẻ tuổi, tuấn tú, nhưng vẻ phong sương trên nét mặt khiến người ta cảm nhận được bao niềm tiếc nuối theo năm tháng, bao nỗi hối hận trên tình trường.

Chàng không vội cũng không từ từ, bước từng bước tiến lại, thần tình tuy vẫn ngạo mạn ung dung, nhưng dáng vẻ vẫn lộ ra chút chán nản và mệt mỏi.

Vô Tình gật đầu với chàng: "Huynh muốn ta giao thơ cho Hách Liên Xuân Thủy và Tức đại nương, ta đã kêu Thiết kiếm và Đồng kiếm đưa đi rồi".

Thích Thiếu Thương yếu ớt đáp: "Tạ". Chàng chỉ thốt có một chữ, anh hùng hiểu nhau, không cần phải nói dài dòng làm gì.

Vô Tình lại tiếp: "Ta không có hỏi nội dung là gì".

Thích Thiếu Thương đáp: "Huynh không có hỏi".

Vô Tình nói: "Ta cũng không có mở ra xem".

Thích Thiếu Thương đáp: "Huynh đương nhiên sẽ không làm vậy".

Vô Tình tiếp: "Nhưng mà ta có thể đoán được bên trong viết cái gì".

Thích Thiếu Thương trầm mặc.

Lúc chàng trầm mặc nhìn giống như một ông già.

"Trời nếu có tình trời cũng già thôi, mây không có mưa thì thường ảm đạm". Vô Tình nói, "Đa tình cũng giống như vô tình, tình đến lúc nồng thì tình chuyển bạc. Huynh không muốn tiếp tục liên lụy Tức đại nương, do đó trong thư đã chúc đại nương và Hách Liên công tử sớm ngày kết thành vợ chồng, nhưng bản thân huynh...".

Y dừng lại hồi lâu rồi mới tiếp: "Hoặc là cầu chết, hoặc là làm tăng, hoặc bỏ đi thật xa".

Thích Thiếu Thương đưa mắt nhìn ra xa, trời nước mênh mông, gió ngược lạnh giá vù vù thổi lại: "Bởi vì ta mà đã hại chết quá nhiều người, bên trong có người ta yêu thương, có người ta kính trọng, cũng có người yêu thương ta, kính trọng ta. Bọn họ đã chết hết rồi, thế mà ta vẫn còn sống an lành...".

Chàng tựa hồ như đang tự cười giễu mình: "Huynh nói xem, ta sống còn để làm gì chứ?".

Vô Tình thở dài.

"Ta biết ta không khuyên được huynh". Y nói, "Cũng như ta không khuyên được nhị sư đệ quay về kinh sư vậy".

Thích Thiếu Thương đáp: "Huynh không cần phải khuyên".

Vô Tình thốt: "Hy vọng có một người sẽ khuyên được huynh".

Thích Thiếu Thương hỏi: "Ai?".

Vô Tình dùng tay chỉ ra đằng xa.

Chỉ thấy ven bờ sông có một ông lão mặc áo tơi đang ngồi câu cá.

Dòng nước chảy vừa nhanh vừa xiết, bọt nước trắng xóa, bụi nước bắn ra bốn phía, người đó ngồi trên hòn đá dưới làn sóng nước, mặt đối diện với hàng vạn ngọn sóng dâng trào mà vẫn ung dung yên tĩnh chẳng khác nào câu cá trên một dòng sông tuyết.

Lúc Thích Thiếu Thương nhìn sang ông ta, thì vừa khéo ông ta cũng hơi xoay người, vẫy tay với chàng.

Thích Thiếu Thương không tự chủ được bước sang bên đó.

Chàng vượt qua hòn đá, lội qua dòng suối nhỏ rồi đến gần lão già.

Lão già đôi mắt sâu thăm thẳm, ẩn chứa hiểu biết sâu sắc về con người, về thế sự, xen lẫn sự từng trải và tang thương.

Lão già hỏi: "Ngươi có giết hắn không?".

Thích Thiếu Thương lắc đầu.

Lão già mắt lộ vẻ khen ngợi: "Kiếm có thể giết người chẳng qua chỉ là vũ khí sắc nhọn. Kiếm có thể tha cho người mới chính là thần binh. Cảnh giới võ học của ngươi cũng giống như nhân cách của ngươi vậy, đã cao thêm được một tầng rồi". Lão dừng lại một chút rồi mỉm cười, "Hy vọng có ngày ngươi có thể thi triển kiếm cứu người".

Thích Thiếu Thương đột nhiên hiểu ra người trước mắt là ai.

Chàng chấn động, nhưng cảm giác sùng bái đã lấn át.

Lão già nói: "Thiết Thủ đối với cuộc sống bắt tội phạm đã cảm thấy chán ngán, cũng bởi vì những chuyện xảy ra mấy tháng nay, khiến cho hắn bị rối loạn, hắn không phân biệt được rõ ràng thực ra ai là bộ đầu? Ai mới là giặc cướp? Cuối cùng vì sao phải bắt người? Vì sao lại bị người ta bắt?". Lão ngước nhìn đường chân trời, vuốt râu: "Hắn gặp phải vấn đề này, trừ phi tự mình tìm được đáp án, nếu không thì không có ai có thể áp đặt câu trả lời cho hắn cả".

Thích Thiếu Thương đáp: "Ta hiểu rõ".

Lão già đột nhiên nhìn thẳng vào chàng: "Nhưng còn ngươi thì sao?"

Thích Thiếu Thương hơi giật mình: "Ta...".

Lão già ôm cần câu, giỏ câu quăng hết xuống sông: "Giang hồ nhiều hung hiểm, chính đạo suy đồi, khó phân phải trái, rất cần người cầm kiếm bảo vệ chính đạo, ngươi thì sao?"

Thích Thiếu Thương ấp úng: "Ta...".

Lão già lẫm liệt thốt: "Ngươi trải qua trăm cay nghìn đắng, lúc thành lúc bại nhưng cũng đã thông suốt quán triệt mọi điều, ngươi muốn sống yên ổn chuỗi ngày tàn, sao lại không đem chuỗi ngày tàn đó làm việc gì có ích, đều là do ngươi lựa chọn".

Lão dừng lại một hồi rồi gằn từng tiếng: "Bọn ta tạm thời mất đi Thiết Thủ, nhưng rất cần cánh tay duy nhất một kiếm chống trời của ngươi".

Thích Thiếu Thương nhất thời không biết trả lời thế nào: "Ta...".

Nước sông cuộn trào ập lên tảng nham thạch vang lên như sấm động, cắt ngang câu nói của chàng.

Gió thét gào.

Nước chảy xiết.

Vô Tình đứng ở đằng xa, tay áo phất phới, tuy không nghe rõ một già một trẻ hai người nói chuyện gì, vừa định gọi nhưng lại thấy bọn họ tiếp tục trò chuyện tâm tình...

Trong mắt của Vô Tình, bên ngoài khoảng sông mông mênh còn phảng phất một bóng người mặc áo đỏ tươi, hai thanh đao bắt chéo hướng ngược lên trên, đầy vẻ hiên ngang. Đương nhiên, bên cạnh nàng không có một nam tử thân vận áo lông cừu dày cộm.

Vô Tình đột nhiên nhớ tới bốn câu thơ Thích Thiếu Thương đã nói với y cách đây không lâu:

"Cả đời không ngông nghênh thì cũng già mất,

Đã ngông nghênh được thì cứ ngông nghênh.

Thương tâm vì tình, chấm dứt tình,

Vạn nhất vô tình sống cũng không được".

Y cảm thấy y đã hiểu rõ được ý tứ sâu thẳm ẩn giấu trong lòng của Thích Thiếu Thương. Có lẽ ở nơi đó, tình cảm cuộn trào còn mãnh liệt hơn cả sóng dữ trên sông. Chẳng khác gì như cảm giác gió thốc ngược ập tới, ép tay áo dán chặt vào trong da thịt của y.

HẾT

Đọc truyện chữ Full